Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp tại TPHCM

Thứ Bảy, 06/02/2021 11:00  | PV

|

(CATP) Năm 2021 được xem là năm "bản lề" của một giai đoạn mới. Đó là giai đoạn của nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương, của đại dịch Covid-19... Sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp TPHCM. Việc nhận diện này sẽ giúp doanh nghiệp có những chiến lược, kế hoạch phù hợp và kịp thời...

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế...

Ngoài ra, theo tổng hợp từ Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến tháng 11-2020 có 16 hiệp định thương mại đa phương và song phương Việt Nam đã và đang ký kết. Trong đó, Hiệp định RCEP được ký ngày 15-11-2020 và có hiệu lực sau 60 ngày, có thể tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng mới nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.

Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp TPHCM mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu giúp sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp có thêm cơ hội thị trường.

Ảnh minh họa

Bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp TPHCM cũng phải chịu áp lực về cạnh tranh bởi các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới có cơ cấu sản phẩm tương đồng với Việt Nam. Ngoài ra, chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng ở hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.Trong khi đó, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của nước ta còn hạn chế và nền sản xuất vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu.

Để có thể tận dụng được các cơ hội và hạn chế thách thức, các doanh nghiệp TPHCM nên nhanh chóng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh của mình. Tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển của công nghệ thông tin và hệ thống internet, việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để chuyển dần các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới.

Thực tế, trong thời gian qua đã có doanh nghiệp áp dụng thành công bán hàng qua các ứng dụng trên mạng như Lazada, Tiki, Sendo... hoặc sử dụng các phần mềm họp online để họp từ xa hay để đàm phán bán hàng như Zoom, Microsoft Team... Ngoài ra, doanh nghiệp không ngừng đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần. Đây là những cơ sở để tin rằng kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp TPHCM nói riêng sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang