Tiếp tục phiên xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm:

Có tiền thì chi, không biết tiền ở đâu!

Thứ Hai, 08/01/2018 16:07  | Thanh Hoà

|

(CAO) Chiều 8/1, tiếp tục phiên xử vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm, sau phần công bố cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, phiên toà bước vào phần thẩm vấn các bị cáo.

Trả lời thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC trả lời câu hỏi của HĐXX về việc ký hợp đồng EPC số 33 (HĐ 33). Bị cáo Thuận thừa nhận, HĐ chưa đầy đủ, nhưng vẫn ký vì Chủ tịch đã ký, ngoài ra do PVC thời điểm này khó khăn về tài chính, nợ hàng ngàn tỷ đồng nên ký để có tiền trả nợ ngân hàng. Tại thời điểm đó, PVC cũng chưa đủ năng lực thực hiện nhưng vẫn ký duyệt. HĐQT PVC đồng ý về chủ trương (có 5 người, trong đó có bị cáo và Trịnh Xuân Thanh), chưa họp nhưng được sự đồng ý của Trịnh Xuân Thanh nên vẫn đồng ý ký hợp đồng.

Sau khi có HĐ EPC đó thì giao cho các PGĐ ký với chủ đầu tư là PVPower, giao cho Nguyễn Văn Tiến ký dự toán để trả nợ cho nhà thầu phụ của Mỹ hơn 6 triệu USD. Nhưng do PV Power chưa có đủ năng lực tài chính nên chuyển HĐ cho PVN. Tóm lại HĐ vẫn thiếu hụt hồ sơ kỹ thuật, chưa đầy đủ nội dung nhưng vẫn ký để lấy tiền trả nợ. PVC dùng khoản tiền đó trả nợ gốc và lãi ngân hàng đầu tư vào một số dự án khác cũng như giải quyết một số khó khăn về vốn.

Khi HĐXX hỏi: Bị cáo nhận thức thế nào mà chuyển tiền sai mục đích? Thuận trình bày do áp lực trả nợ ngân hàng, lại có đồng ý về chủ trương của HĐQT, của Trịnh Xuân Thanh nên phải thực hiện. Đến nay, sau khi làm việc với Cơ quan CSĐT thì bị cáo nhận thức rõ là sai - nguyên TGĐ PVC thừa nhận.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC cũng chung nhận định với Thuận về tình hình tài chính PVC lúc đó. Do không có chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của bị cáo là công tác đoàn thể, tổ chức, nên khi được trình lên chỉ hoàn toàn dựa vào tờ trình. Là Phó chủ tịch HĐQT, Phó bí thư Đảng ủy nhưng bị cáo ko được biết, không được thảo luận, dù trả lời HĐXX là có được thông báo.

Khi được hỏi không biết chuyên môn sao lại đặt bút ký vào HĐ 33, bị cáo trả lời do các thành viên khác cũng đồng ý nên đồng ý theo. Về hưu năm 2017, đến khi Cơ quan CSĐT triệu tập mới biết chứ không biết việc tạm ứng nhiều đợt thế nào? Việc chi tiền tạm ứng cũng ko biết.

HĐXX hỏi: Bị cáo có đồng ý vào phiếu lấy ý kiến chi số tiền tạm ứng. bị cáo Quý trả lời là không. HĐXX phải nhắc lại lời khai tại Cơ quan CSĐT, Quý trình bày là có đồng ý vì dựa vào phương án tái cấu trúc, tăng vốn điều lệ cho các đơn vị cơ sở. Về nguồn tiền từ đâu ra, "Bị cáo nói không biết từ đâu ra để đầu tư vào 5 công ty con, trong khi bị cáo là Phó chủ tịch HĐQT, Phó bí thư Đảng uỷ, vậy đời thường bị cáo tiêu tiền có biết tiền từ đâu ra hay cứ có là tiêu, trong khi khoản tiền lớn đến như thế?" - chủ tọa đặt câu hỏi vặn.

Tại phiên toà, bị cáo Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVC cho biết, thời điểm đó, tình hình tài chính của PVC rất trầm trọng, vay nợ ngân hàng rất nhiều, đều là những khoản đến hạn phải trả, nên khi nguồn tiền tạm ứng dự án NMNĐ Thái Bình 2 đưa về thì lập tức được đưa đi trả nợ.

"Bị cáo biết việc đó là sai nhưng do các anh lãnh đạo chỉ đạo thế nên bị cáo phải thực hiện", Đạt nói. Bị cáo cho biết trả nợ ngân hàng hơn 700 tỷ đồng, đầu tư cho các dự án khác hơn 200 tỷ, đầu tư cho các công ty con khoảng 250 tỷ và nhiều khoản khác. Việc huy động nguồn tiền nhàn rồi để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách lúc đó thì bị cáo cho rằng là đúng, nhưng sau khi làm việc với CQĐT bị cáo nhận thức được hành vi đó đã vi phạm quy định của Nhà nước"- bị cáo Đạt trình bày.

Các bị cáo Thuận, Quý, Đạt trả lời thẩm vấn tại tòa:

Bình luận (0)

Lên đầu trang