Phan Văn Anh Vũ bỏ trốn có bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự?

Thứ Sáu, 05/01/2018 20:20

|

(CAO) Xung quanh việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") theo lệnh truy nã, khi đối tượng này vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào chiều qua 4-1, do bị Singapore trục xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng việc Vũ "nhôm" bỏ trốn đã gây khó khăn cho Cơ quan điều tra, và đây là tình tiết tăng nặng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối tượng này. Về vấn đề này, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao có bài phân tích dưới góc độ pháp lý để bạn đọc cùng hiểu rõ hơn.

Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") vừa bị bắt theo lệnh truy nã

Trước hết cần khẳng định rằng, đúng là Điều 48 Bộ luật hình sự 1999 và Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 không có điều khoản nào quy định: “người phạm tội bỏ trốn hoặc trốn truy nã là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự”.

Nếu hiểu một cách máy móc, câu chữ thì đúng là như vậy! Có lẽ đây là lỗ hổng của nhà làm luật đã không quy định tình tiết “sau khi phạm tội bỏ trốn” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Tại điểm 0 khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 1999 và điểm p khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 đều không quy định “bỏ trốn nhằm trốn tránh pháp luật” mà chỉ quy định: “có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.

Vấn đề còn lại là hiểu như thế nào là “hạnh động xảo quyệt nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm”?

Cho đến nay chưa có một văn bản hướng dẫn nào của các cơ quan tiến hành tố tụng giải thích hoặc hướng dẫn “hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm” là những hành động nào, có hành vi bỏ trốn hay không?

Theo từ điển tiếng Việt thì “xảo quyệt” là tính từ chỉ sự dối trá, lừa lọc, quỷ quyệt một cách khó lường.

Về lý luận, cũng như ý kiến bình luận khoa học của các chuyên gia thì, “người phạm tội có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm”. Họ có thể là không bỏ trốn nhưng nhằm cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng. Ví dụ: Sau khi giết người, thủ phạm đã băm mặt nạn nhân làm cho mặt nạn nhân bị biến dạng không ai nhận ra nữa, hoặc cắt đầu nạn nhân đem cất giấu một nơi, hoặc sau khi giết người mang xác nạn nhân để trên đường đường ray cho tàu nghiến đứt với ý định để mọi người tưởng là bị tai nạn. Còn trường hợp biết hành vi phạm tội của mình có khả năng bị phát hiện hoặc đã bị phát hiện mà bỏ trốn để gây khó khăn cho cơ quan tố tụng thì chưa có hướng dẫn đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trở lại trường hợp của Phan Văn Anh Vũ bỏ trốn ra nước ngoài trước khi Cơ quan điều tra có lệnh khởi tố bị can và ra lệnh truy nã, tức là khi Phan Văn Anh Vũ biết hành vi phạm tội của mình có khả năng bị phát hiện nên đã bỏ trốn. Hành vi bỏ trốn của Vũ chắc chắn là đã gây cản trở cho công tác điều tra của Cơ quan điều tra. Việc Vũ từng ra vào Singapore bằng hai hộ chiếu khác nhau, trong đó có hộ chiếu nhân dạng không đúng. Ngoài ra, Phan Văn Anh Vũ còn sở hữu hộ chiếu thứ ba, chứng tỏ Phan Văn Anh Vũ đã dùng thủ đoạn xảo quyệt nhằm trốn tránh pháp luật.

Mặt khác nếu không coi việc bỏ trốn của Phan Văn Anh Vũ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì vô hình chung pháp luật ủng hộ việc bỏ trốn của người phạm tội sao! Điều này là không phản ảnh thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, vì là tình tiết tăng nặng nên tòa án không thể áp dụng và nói rõ trong bản án, mà phải có giải thích, hướng dẫn của cơ quan có thẩm thẩm quyền.

Theo Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội thì Tòa án nhân dân Tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điều, khoản, điểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Do đó, Tòa án nhân dân Tối cao nên hướng dẫn trường hợp sau khi phạm tội mà bỏ trốn phải coi là “dùng thủ đoạn xảo quyệt nhằm trốn tránh pháp luật”. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm và cũng phù hợp với cuộc sống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang