Một bản án vi phạm tố tụng

Thứ Hai, 01/01/2018 18:04  | Lê Ngân

|

Một vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác kéo dài 3 năm, sau 3 ngày xét xử tòa cấp sơ thẩm tuyên bản án và đã bị Viện Kiểm sát kháng nghị do vi phạm tố tụng, đồng thời các cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra những bất cập trong xét xử.

ĐƠN PHƯƠNG HỦY CAM KẾT RỒI ĐI KIỆN

Ngày 15-10-2002, Công ty TNHH Duy Đức (nay là Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Tân Việt An, gọi tắt là Công ty Tân Việt An) và Công ty TNHH Xây dựng - May thêu Trường Thịnh (nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng Trường Thịnh) ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 126/HĐHTKD để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà ở cán bộ công nhân viên tại P.Bình An, Q2, TPHCM. Toàn bộ diện tích đất chung cư dự án này là 7.378m2 được chia làm 3 lô C1, C2 và C3. Theo hợp đồng trên và các phụ lục, Công ty Tân Việt An được quyền sử dụng lô C1, C2 (diện tích 4.924m2).

Ngày 21-6-2010, Công ty Tân Việt An và Công ty CP Đức Mạnh ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/HTDT/TVA-ĐM với nội dung: Cùng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh hai khối chung cư (lô C1, lô C2). Cụ thể: Hai bên đồng ý giá trị của khu đất hơn 206 tỷ đồng, được tính trên đơn giá 42 triệu đồng/m2; trong đó Công ty Tân Việt An góp 20% (trên 41 tỷ đồng) để được sở hữu 20% giá trị khu đất và Công ty Đức Mạnh thanh toán cho Công ty Tân Việt An trên 165 tỷ đồng để được sở hữu 80% giá trị khu đất. Tổng giá trị xây dựng chung cư khoảng 400 tỷ đồng, không bao gồm giá trị của khu đất. Sau khi chung cư hoàn thiện thì lợi nhuận sẽ được chia theo phương thức sản phẩm căn hộ, căn cứ vào tỷ lệ góp vốn thực tế của các bên.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Đức Mạnh đã chuyển cho Công ty Tân Việt An 115 tỷ đồng, mặc dù nhiều lần cam kết đúng thời hạn nhưng Đức Mạnh liên tục vi phạm tiến độ thanh toán của lần 1, 2 và không thanh toán số tiền 20 tỷ đồng còn lại của lần 3. Ngược lại, Công ty Tân Việt An giải phóng mặt bằng bị chậm tiến độ do một số hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường và tranh chấp ra tòa, nên đã thông báo cho đối tác và Công ty Đức Mạnh đã đồng ý, chấp nhận.

Ngày 15-4-2011, Công ty Trường Thịnh, Công ty Tân Việt An, Công ty Đức Mạnh đã ký bản Phụ lục Hợp đồng số 238/PL. Theo đó các bên thỏa thuận cùng góp vốn để xây dựng 3 lô chung cư C1, C2, C3 và chia sản phẩm là căn hộ theo tỷ lệ vốn góp. Các bên thống nhất cùng nhau thành lập Ban quản lý dự án và đồng ý ủy quyền cho Công ty Đức Mạnh làm việc với ngân hàng để thu xếp vay vốn xây dựng chung cư. Công ty Đức Mạnh đã thế chấp quyền tài sản của lô C1, C2 để vay vốn ngân hàng nhưng không đưa số tiền này vào thực hiện dự án mà sử dụng vào mục đích cá nhân.

Do vậy, ngày 26-9-2012, ba công ty trên thống nhất không tiếp tục thực hiện dự án, mà quyết định tìm đối tác để chuyển nhượng lại. Ngày 20-11-2013, ba công ty này họp và đi đến thống nhất chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Masters Việt Nam. Các bên tiến hành ký hợp đồng nguyên tắc.

Phối cảnh chung cư các bên hợp tác để xây dựng

Tuy nhiên, ngày 27-8-2014, Công ty Đức Mạnh hủy cam kết thỏa thuận đã ký kết và khởi kiện Công ty Tân Việt An ra tòa yêu cầu: Công ty Tân Việt An trả lại cho Công ty Đức Mạnh số tiền 115 tỷ đồng và đòi bồi thường thiệt hại theo lãi suất 9%/năm trên số tiền 115 tỷ đồng.

Ngày 29-6-2016, Công ty Tân Việt An đã có đơn yêu cầu phản tố cho rằng, Công ty Đức Mạnh đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán và đơn phương chấm dứt hợp đồng, nên căn cứ khoản 11.2 của Hợp đồng số 01/HĐHTĐT thì Công ty Tân Việt An được sở hữu số tiền 115 tỷ đồng đã nhận của Đức Mạnh. Công ty Tân Việt An đề nghị tòa án bác đơn của Công ty Đức Mạnh vì đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, không trung thực và đơn phương chấm dứt hợp đồng không có căn cứ.

Hội đồng xét xử tiến hành định giá đất theo giá hiện tại, xác định tỷ lệ vốn góp thực tế của các bên, trên cơ sở đó Tân Việt An sẽ hoàn lại cho Đức Mạnh 69,5% phần vốn đã góp vào dự án hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi để chia cho các bên theo tỷ lệ.

KHÁNG NGHỊ THÌ TÒA ĐI SỬA ÁN!

Sau 3 ngày xét xử, ngày 18-9-2017, TAND Q2 đã tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Đức Mạnh: Chấm dứt Hợp đồng hợp tác số 01/HTDT/TVA-ĐM, buộc Công ty Tân Việt An phải thanh toán cho Đức Mạnh số tiền trên 177 tỷ đồng, thực hiện một lần ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật. Duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 20/2017/QĐ-BPKCTT ngày 18-9-2017 về việc: “Cấm Công ty Tân Việt An chuyển dịch quyền về tài sản là hai lô chung cư C1, C2 thuộc dự án khu nhà ở tại P.Bình An, Q2”.

Ngày 11-10-2017, Viện KSND TPHCM đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm số 916/QĐKNPT-VKS-KDTM về bản án kinh doanh thương mại số 14/2017/KDTM-ST của TAND Q2, do không tuyên về yêu cầu phản tố của bị đơn. Ngày 3-11-2017, TAND Q2 ban hành quyết định số 80/2017/QĐ-SCBSBA về việc sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm như sau: “Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Tân Việt An về việc tuyên bố hợp đồng số 01 ngày 21-6-2010 vô hiệu”. Việc sửa án của TAND Q2 là trái quy định tại khoản 1 Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai”.

Tại công văn 2095-CV/UBKTTW ngày 20-10-2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương gởi cho Chánh án TAND TPHCM nêu rõ: “Trong quá trình góp vốn đầu tư thực hiện dự án, Công ty Đức Mạnh không tuân thủ đúng cam kết về nghĩa vụ thanh toán, các nội dung đã thỏa thuận tại phụ lục hợp đồng và biên bản cuộc họp giữa 3 bên (Công ty Trường Thịnh, Tân Việt An, Đức Mạnh), tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng khi chưa được sự chấp thuận của các bên, vi phạm quy định điểm b, khoản 4 Điều 32 Luật Thương mại, trái với quy định tại khoản 3 Điều 510 Bộ luật dân sự 2015.

Căn cứ các nội dung thỏa thuận hợp đồng, Công ty Tân Việt An và Đức Mạnh không có bất kỳ điều khoản nào quy định khi một bên rút vốn hoặc hủy ngang hợp đồng thì sẽ tính lãi suất 9%/năm trên tổng số tiền đầu tư vào dự án. Vì đây là hợp đồng góp vốn đầu tư, không phải quan hệ vay nợ trong giao dịch dân sự nên tòa cấp sơ thẩm áp dụng Điều 314 Luật Thương mại và khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 (thuộc chế định hợp đồng vay tài sản) để tuyên buộc Công ty Tân Việt An trả tiền gốc và phạt lãi suất là trái với quy định pháp luật, vi phạm điểm b, khoản 11.2 trong hợp đồng số 01/HTDT/TVA-ĐM.

Mặt khác, TAND Q2 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản đối với 2 lô chung cư C1, C2 theo quyết định tạm thời 20/2017/QĐ-BPKCTT, trong khi diện tích đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không tiến hành lập hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản tranh chấp, là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật tố tụng dân sự”.

Qua đây, cho thấy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 14/2017/KDTM-ST của TAND Q2 đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Để vụ án được giải quyết một cách triệt để, khách quan, công bằng, tòa cấp phúc thẩm cần xem xét một cách thấu tình đạt lý nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia góp vốn trong phiên xử sắp mở tới đây.

Bình luận (0)

Lên đầu trang