(CAO) Sáng 8/1, sau phần tiến hành các thủ tục khai mạc phiên tòa theo quy định, Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án đã công bố bản cáo trạng số 09 của Viện KSND Tối cao về vụ án.
Cáo trạng nêu rõ: Trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ), bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.300 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền trên 119 tỷ đồng.
Hành vi này của bị cáo Đinh La Thăng phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Đại diện Viện Kiểm sát cho biết: “Quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện Dự án NMNĐ Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu, bị can có nhiều thành tích trong quá trình công tác là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.
Về bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.300 tỷ đồng; sau đó quyết định sử dụng 1.100 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào sai mục đích, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại trên 119 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút trên 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
Hành vi của Trịnh Xuân Thanh phạm vào các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”. “Quá trình điều tra, bị can khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội, sau khi phạm tội, bị can đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra là những tình tiết cần xem xét để áp dụng hình phạt nghiêm khắc”.
Về bị can Phùng Đình Thực, cáo trạng cho biết, trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, bị can này đã cùng có hành vi sai phạm với bị can Đinh La Thăng và cùng bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét khi quyết định hình phạt với Phùng Đình Thực do bị can này có thái độ khai báo thành khẩn, có nhiều thành tích trong quá trình công tác.
Đại diện VKS cho biết, nhiều bị can đã cùng gia đình khắc phục hậu quả ngay từ quá trình điều tra, như Vũ Đức Thuận khắc phục 800 triệu đồng; Nguyễn Anh Minh 2,26 tỷ đồng; Lương Văn Hòa 2,46 tỷ đồng; vợ chồng bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh-Lê Thị Anh Hoa khắc phục trên 977 tỷ đồng và nộp thuế gần 1,2 tỷ đồng trong số tiền được ăn chia…
Ngoài ra, một số bị cáo như Nguyễn Đức Hưng, Lê Xuân Khánh, Nguyễn Lý Hải được xác định không hưởng lợi số tiền chiếm đoạt được dù bị cáo buộc phạm tội “Tham ô tài sản” theo khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999. Nguyên nhân là trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, các bị can này là kế toán trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch và đều biết chủ trương của Trịnh Xuân Thanh cùng các bị can khác nhưng vẫn trực tiếp tham gia ký xác nhận khống hoặc tạo điều kiện cho các bị can rút hơn 13 tỷ đồng của Ban điều hành.