Ông Trần Phương Bình bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng

Thứ Tư, 11/01/2023 16:51

|

(CATP) Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB) về tội "vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Đây là vụ án thứ tư liên quan đến ông Bình.

Cho vay vô tội vạ

Ngày 09-01, theo nguồn tin của Chuyên đề Công an TPHCM, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án hình sự. Đề nghị truy tố vụ án "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, xảy ra tại DAB, Công ty CP M&C và các đơn vị liên quan" (kết luận ngày 06-01-2023). Theo đó, Trần Phương Bình với vai trò Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB. Nhóm cổ đông do Bình đại diện nắm giữ 10,25% vốn điều lệ DAB và nhóm cổ đông PNJ nắm giữ 7,7% vốn điều lệ DAB.

Trần Phương Bình là đối tượng chính, tổ chức, chỉ đạo các hoạt động tín dụng, ngân quỹ, đầu tư... tại DAB, vi phạm quy định Luật các tổ chức tín dụng, quy chế bảo lãnh ngân hàng và điều lệ của DAB, gây thiệt hại cho DAB hơn 5.500 tỷ đồng (gồm hơn 1.826 tỷ đồng tiền gốc và hơn 3.691 tỷ đồng tiền lãi). Cụ thể, trong việc DAB cho nhóm khách hàng M&C vay tiền, gồm: Công ty Ngôi Sao vay 400 tỷ đồng, Công ty Liên Phát vay 400 tỷ đồng, Công ty Phát Vạn Hưng vay 410 tỷ đồng, Công ty CP M&C vay 2 khoản với tổng số tiền hơn 146 tỷ đồng.

Đối với việc Bình chỉ đạo các đồng phạm lấy tiền của DAB cho 5 công ty thuộc nhóm M&C vay 5 khoản cho thấy khi các khoản vay của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm M&C đến hạn thanh toán (tức đã nợ trước đó), do không có tiền để trả nợ nên Phùng Ngọc Khánh (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C) bàn bạc thỏa thuận với Bình về việc Khánh nhờ 5 cá nhân là bạn của Khánh hoặc là nhân viên của nhóm Công ty M&C đứng tên đại diện pháp luật của 5 công ty để ký hồ sơ vay tiền của DAB.

Ông Trần Phương Bình nhiều lần ra tòa

Điều đáng nói, quá trình tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt hồ sơ vay, Trần Phương Bình và các thuộc cấp đã không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo. Trong khi đó, cả 5 công ty dùng hồ sơ vay này đều không đáp ứng các điều kiện để vay vốn, không có doanh thu, không lợi nhuận, không chứng minh được nguồn tài chính để trả nợ sau khi vay của DAB. Càng nguy hiểm hơn, đó là phương án vay vốn đều bị lập khống, việc hợp tác đầu tư cũng là không đúng sự thật...

Trong vụ án này, đồng phạm với Trần Phương Bình còn có Trần Đức Tài (nguyên Giám đốc DAB Sở giao dịch), Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB), Nguyễn Văn Thuận (nguyên Phó Giám đốc DAB Sở giao dịch), Nguyễn Chí Công (nguyên Phó phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB Sở giao dịch), Vũ Thị Thanh Hoa (nguyên Trưởng phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB Sở giao dịch), Trần Hoài Ân (nguyên cán bộ tín dụng DAB Sở giao dịch) và bị can Phùng Ngọc Khánh (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C). Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đến VKSND tối cao đề nghị truy tố 8 bị can nêu trên.

Hậu họa ngàn tỷ

Theo hồ sơ, ông Trần Phương Bình (SN 1959) đã có tiền án, tiền sự: tháng 6-2019, TAND cấp cao tại TPHCM xử tù chung thân về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng" và "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Đến tháng 01-2022, TAND cấp cao tại TPHCM xử phạt 20 năm tù về tội "vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng).

Trần Phương Bình và Vũ "nhôm" gây thiệt hại nặng nề cho DAB

Trong vụ án thứ nhất gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng mà Trần Phương Bình bị xử tù "chung thân", bị án đã cấu kết cùng bị án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 3.600 tỷ đồng. Ông Trần Phương Bình với vai trò là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB nhưng đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB.

Đến vụ án thứ hai gây thất thoát hơn 8.751 tỷ đồng. Năm 2020, ông Trần Phương Bình bị tuyên án "tù chung thân" lần thứ hai. Từ năm 2007-2015, ông Trần Phương Bình với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng của DAB cùng cấp dưới và đối tác thông đồng duyệt nhiều khoản vay lên đến hàng ngàn tỷ đồng, với nhiều tài sản bảo đảm là những dự án lớn, nhưng hồ sơ lại trái quy định. Đó là việc Trần Phương Bình duyệt cho bốn nhóm khách hàng gồm: Công ty Hiệp Phú Gia - TTC, Công ty Đồng Tiến, Công ty CP M&C, Công ty Tân Vạn Hưng, vay không đúng quy định gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 8.751 tỷ đồng. Ngoài ra, Bình còn lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75 tỷ đồng.

Vụ án thứ ba, tháng 6-2022, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình 10 năm tù về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Cùng tội danh này, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng giám đốc DAB) bị tuyên phạt 11 năm tù. Tổng hợp hình phạt 30 năm tù về tội "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" của bản án trước.

Các bị cáo: Trần Đạo Vũ (nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB, kiêm Giám đốc Chi nhánh Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Đường (nguyên Phó Giám đốc DAB, Chi nhánh Hà Nội), Lương Ngọc Quý (nguyên Giám đốc DAB, Chi nhánh Hà Nội) và Phan Thúy Mai (nguyên Giám đốc Công ty An Phát) cùng bị tuyên phạt mức án 5 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh, bị cáo Võ Thị Bạch Hương, bị cáo Nguyễn Minh Hoàng và bị cáo Nguyễn Thị Phương (cùng là nhân viên DAB, Chi nhánh Hà Nội) tùy theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 24 tháng tù đến 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo cùng về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Từ năm 2006 đến 2015, với vai trò là Tổng giám đốc DAB, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo một số cá nhân, phòng ngân quỹ và sở giao dịch chi sai nguyên tắc, gây âm quỹ 3.564 tỷ đồng, 18.359 lượng vàng và 24.074.000USD. Trong đó, DAB bị thiệt hại 1.160 tỷ đồng do ông Trần Phương Bình mua cổ phần của DAB, 1.072 tỷ đồng liên quan đến việc mua tài sản của Công ty CP Thái Thịnh, 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài, 24.074.000 USD và 15.779 lượng vàng liên quan đến kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép, 399 tỷ đồng và 1.930 lượng vàng trong việc chi sai nguyên tắc...

Bình luận (0)

Lên đầu trang