(CATP) Từ tháng 7-2020, Chính phủ phê duyệt "Đề án Phát triển kinh tế ban đêm", cho phép một số địa phương có lượng khách du lịch lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Phú Quốc... được nghiên cứu, triển khai thí điểm các loại hình kinh tế đêm. Thế nhưng, theo một số chuyên gia ngành du lịch, muốn phát triển kinh tế đêm phải phối hợp 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Trong đó, Nhà nước thể hiện vai trò chủ đạo, định hướng chiến lược nhưng nhất thiết phải có chính sách mở, nếu không khó mà thu hút nhà đầu tư vào chợ đêm.
Tầm quan trọng của sản phẩm du lịch đêm
Trước đại dịch, bức tranh tổng thể của ngành du lịch Việt Nam là một điểm sáng của nền kinh tế đất nước, đóng góp 9,2% GDP, đang từng bước khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Bạn bè quốc tế dành cho du lịch Việt Nam sự ngưỡng mộ bằng hàng loạt giải thưởng danh giá đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, giống như các quốc gia khác trên thế giới, đứng trước những tác động của đại dịch Covid-19, thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam rất nghiêm trọng.
Sau hơn một năm đóng cửa, tháng 3-2022, Chính phủ cho phép cánh cửa du lịch được mở rộng, ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, bùng nổ trở lại giống như chiếc lò xo bị nén nhằm bù đắp cho khoảng trống do thời gian dài dịch bệnh gây ra. Đến nay, bức tranh sáng màu của du lịch Việt Nam đang trở lại. Với mục tiêu 60 triệu lượt khách nội trong năm 2022, đã đạt được chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm. Thế nhưng, thời gian qua báo chí phản ánh điểm sáng nhưng cũng có nhiều điểm tối trong du lịch, từ khâu dịch vụ đến sản phẩm.
Điều này đặt ra với các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp du lịch là phải suy nghĩ thấu đáo, làm ăn bài bản, căn cơ, tính toán lại. Chúng ta đều biết muốn làm được du lịch đòi hỏi phải có sản phẩm. Sản phẩm quyết định việc khôi phục, thúc đẩy phát triển trở lại. Chính vì vậy, phải phát triển sản phẩm du lịch mới, làm mới sản phẩm du lịch hiện có. Nếu đi theo kinh nghiệm, đi theo cái ta đã có thì rất khó vì thị trường không phải bán cái ta có mà bán cái khách đang cần.
Không phải khách quốc tế đến Việt Nam để mua sắm mà đến với đất nước này còn để tìm hiểu, khám phá một điểm đến văn hóa được hình thành dựa trên tiềm năng văn hóa. Chính vì vậy, sản phẩm du lịch phải mang tầm dấu ấn. Nhìn dưới góc độ này, TPHCM là đầu tàu kinh tế, có đầy đủ tiềm lực, nguồn lực để có thể chi tiêu ở mức hạng sang và đây cũng là trung tâm của loại hình du lịch MICE (là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác). Khách MICE thường là những doanh nhân, thuộc giới có tiền và cũng sẵn sàng chi tiêu.
Chợ đêm ở phường Bến Thành, Q1
TPHCM biết rõ điều này, nhưng tiếc thay mới xác định phát triển kinh tế đêm "là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy ngành du lịch thành phố phát triển". Nơi đây có những lợi thế để đẩy mạnh sản phẩm du lịch về đêm đặc sắc, độc đáo như cảnh quan thiên nhiên, không gian vui chơi, giải trí... là loại hình du lịch được du khách lựa chọn trải nghiệm khám phá vào buổi tối. Ngoài trải nghiệm buýt đường sông ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, tour ăn tối và du ngoạn trên các du thuyền được đánh giá là một sản phẩm du lịch đêm đặc sắc của TPHCM.
Các tuyến phố ẩm thực về đêm trên địa bàn ở các quận 1, 4, 5, 6, 10, Phú Nhuận... đã được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư. Nhiều tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực bước đầu định hình, tạo được sức hút như: phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1); phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4); phố ẩm thực, mua sắm trên đường Hậu Giang (quận 6); phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung, Hồ Thị Kỷ (quận 10), hay phố ẩm thực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) đang dần hình thành...
Qua đó, các địa phương khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu nhằm tạo sức hút đối với người dân và du khách. Mới đây, tại Hội thảo về phát triển du lịch, đại diện Công ty Du lịch Vietravel đưa ra con số đáng lưu tâm rằng, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong tour của họ. Bởi ban ngày khách chủ yếu đi tham quan theo chương trình tour, chỉ buổi tối mới có thời gian để khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động trải nghiệm khác.
Cần có giải pháp cụ thể
Hiện nay, phát triển kinh tế đêm đang được TPHCM gấp rút triển khai, bởi đây là một trong những giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch sau đại dịch. Qua đó có thể thấy chiến lược phát triển kinh tế đêm đóng vai trò xương sống trong thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển và hồi phục. Tuy vậy, tới thời điểm này mọi thứ vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu.
Các sản phẩm du lịch - dịch vụ phục vụ kinh tế đêm của TPHCM đang tập trung ở 3 nhóm sản phẩm. Nhóm thứ nhất: những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm, tập trung ở các tuyến phố. Nhóm thứ hai: thuộc về các sản phẩm du lịch đường thủy. Nhóm thứ ba: các chương trình nghệ thuật. Trong đó hoạt động về đêm và giải trí nghệ thuật là sản phẩm rất quan trọng để níu chân du khách. Do vậy, những show diễn nghệ thuật phải làm sao vừa có chiều sâu văn hóa, lịch sử nhưng cũng vừa có độ hoành tráng và mới mẻ thì mới tạo ra khác biệt cho kinh tế đêm.
Theo chúng tôi, TPHCM nên có các chương trình nghệ thuật, các show diễn về đêm có chất lượng, thường xuyên và nhất thiết phải được đầu tư bài bản. Đây cũng là cách để thúc đẩy gia tăng chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú. Bởi đi du lịch không chỉ thỏa mãn việc được đi, tìm hiểu, nghỉ dưỡng mà trong chiều sâu văn hóa, đó là sự thưởng thức những câu hò, điệu lý, những câu ví dặm... dân ca, từ đó bồi đắp tâm hồn, làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Trong chiều sâu của du lịch, phải làm được điều đó mới chạm đến trái tim du khách. Bởi vì, văn hóa chính là linh hồn của các sản phẩm du lịch, là thứ mà du khách luôn hướng tới.
Có thể nói, TPHCM không thiếu không gian phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, tại các khu kinh tế đêm hay chợ đêm còn nhiều điều đáng nói. Chợ đêm phải thiết kế sao cho bắt mắt, thông thoáng, không gian an ninh, tạo được điểm nhấn của thành phố năng động, sáng tạo, đồng thời phải kết hợp cho được khu trò chơi, biểu diễn nghệ thuật... Theo một số chuyên gia kinh tế, chợ đêm nên triển khai thí điểm tại một số quận huyện trước khi làm đại trà. Đặc biệt, nên tập trung hình thành các điểm kinh tế đêm chuyên biệt, được quy hoạch dài hạn, đầu tư bài bản.
Các sản phẩm phải được yêu cầu cao về chất lượng, mang tính sáng tạo của người dân, sản phẩm phải có bản quyền, an toàn tuyệt đối vệ sinh thực phẩm... Đồng thời, chính quyền kết nối với tiểu thương theo kiểu "thân thiện", hiểu biết lẫn nhau, gặp khó khăn cùng nhau gỡ rối. Để quản lý bài bản, căn cơ, cần thiết phải thành lập những cơ quan và phát triển đội ngũ quản lý chuyên nghiệp về hoạt động dịch vụ đêm. Nếu làm tốt những điều này sẽ là động lực phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, tăng ngân sách Nhà nước.