Chiến công xuất sắc của Công an TPHCM
Cuối năm 2022, CA TPHCM lập được chiến công lớn, thực hiện xuất sắc 5 chuyên án liên quan đến các sai phạm, tiêu cực xảy ra tại một số TTĐK trên địa bàn TPHCM và các tỉnh. Thành tích này xuất phát từ chỉ đạo của lãnh đạo CA TPHCM, khi đã tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Đảng ủy CA Trung ương, lãnh đạo Bộ CA, Thành ủy, UBND TPHCM về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, qua đó lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc. Điển hình, trong 1 tháng qua đã khám phá 5 chuyên án, làm rõ các sai phạm, tiêu cực xảy ra tại một số TTĐK trên địa bàn TPHCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre. Đến nay, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 43 bị can để điều tra về các hành vi "môi giới hối lộ", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ" và "giả mạo trong công tác".
Đây là chiến công xuất sắc của CA TPHCM, thể hiện tinh thần quyết liệt trong tấn công trấn áp tội phạm, sự mưu trí, sáng tạo trong đấu tranh chuyên án, qua đó góp phần răn đe, phòng ngừa chung, tạo sự minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông.
Thứ trưởng Bộ CA Nguyễn Duy Ngọc đã có Thư khen CA TPHCM về chiến công này. Đồng thời đề nghị CA TPHCM làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ để làm tốt công tác tham mưu.
Đây là vụ án gây chú ý của dư luận vì liên quan đến công tác an toàn kỹ thuật giao thông. Vụ án được phát hiện khi Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) CA TPHCM nhận được nguồn tin có dấu hiệu sai phạm trong công tác kiểm định phương tiện. CA TPHCM đã vào cuộc điều tra, phát hiện 9 trung tâm sai phạm liên quan đến việc nhiều phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật đối với xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, khí thải...nhưng vẫn được các cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Vợ chồng Nguyễn Thanh Phong, sáng lập Trung đăng kiểm 50-17D, rồi đưa ông Hồ Hữu Tài không biết chữ lên làm giám đốc để gán nợ Ảnh: CA cung cấp
Theo CA TPHCM, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, giám đốc các TTĐK đã chỉ đạo cấp dưới cố tình bỏ qua nhiều lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện do các chủ phương tiện và "cò mồi" đưa đến.
Đáng chú ý, tại các TTĐK do ông Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, gồm: 62-03D tại Long An, 71-02D Bến Tre, 83-02D Sóc Trăng, 66-02D Đồng Tháp, 63-02D Tiền Giang và 4 giám đốc của 4 TTĐK khác tại TPHCM, Cơ quan CSĐT CA TPHCM phát hiện nhóm người có hành vi "giả mạo công tác" bằng thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm, chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Các đối tượng đã cấp khoảng 52.291 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các phương tiện đến đăng kiểm trái với quy định, thu lợi ước tính trên 10 tỉ đồng.
Ngày 28-12, tại Hà Nội, CA TPHCM đã chủ trì, phối hợp với CA TP.Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ CA thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam và thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu để phục vụ điều tra. Theo Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT CA TPHCM, đến nay đã có 43 bị can bị khởi tố, 12 TTĐK bị khám xét.
Thông tin về vụ án này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 03-01-2023, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ CA, Người phát ngôn Bộ CA cho biết: Các TTĐK đã bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công; hoặc là cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không bảo đảm tiêu chuẩn. "Các đối tượng đã sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống đăng kiểm, thay đổi các thông số kiểm định chất khí thải, ví dụ trong máy tính có hai đầu đọc thì chỉ cắm một đầu, bỏ một đầu, xe vẫn bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải", Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Buông lỏng xã hội hóa công tác đăng kiểm
Cũng tại cuộc họp báo trên, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết: Đáng chú ý, một số TTĐK không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được lập ra, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hoá một số quy định pháp luật về dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Thậm chí, có giám đốc một TTĐK khi bị bắt, CQĐT yêu cầu viết tường trình thì khai không biết chữ, không viết và không đọc được. Khi hỏi lại thì giám đốc này khai học đến lớp 3 mà dám liều lĩnh làm giám đốc TTĐK. Người không biết chữ đó chính là giám đốc TTĐK 50-17D trên địa bàn huyện Nhà Bè, TPHCM - ông Hồ Hữu Tài.
Cơ quan CSĐT CA H.Nhà Bè đã khởi tố 10 người liên quan sai phạm tại TTĐK này về các tội "Môi giới hối lộ", "Nhận hối lộ", trong đó có ông Nguyễn Thanh Phong (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát); Hồ Hữu Tài (52 tuổi, Giám đốc TTĐK 50-17D)...
Theo CQĐT, ông Phong là Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát, năm 2019 thành lập TTĐK 50-17D nhưng vừa đi vào hoạt động đã gặp khó khăn vì đại dịch covid-19, dẫn đến nợ nần. Một trong số chủ nợ của ông Phong là ông Hồ Hữu Tài. Để trả nợ cho ông Tài, ông Phong đưa người này lên làm giám đốc TTĐK 50-17D. Qua xác minh tại địa phương, cơ quan chức năng xác định người này không đi học và không biết chữ. Trước khi làm giám đốc TTĐK 50-17D, ông Tài hoạt động kinh doanh cá nhân, san lấp mặt bằng. Là người đứng đầu, tuy nhiên mọi hoạt động của trung tâm được ông Tài giao lại hết cho cấp dưới, thậm chí việc ký giấy xác nhận đăng kiểm cũng do người khác làm. Đây thực sự là chuyện bi hài trong công tác cấp phép thành lập các TTĐK mà người có trí tưởng tượng giỏi nhất cũng không thể nghĩ ra.
Cơ quan quản lý Nhà nước về đăng kiểm là Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ GTVT. Đây là cơ quan đã tham mưu cho Bộ GTVT ra quyết định "xã hội hóa" việc kiểm định ôtô từ năm 2005, tình hình lúc ấy cả nước chỉ có 84 trạm đăng kiểm do Nhà nước đầu tư, trong khi nhu cầu đăng kiểm xe tăng rất cao.
Từ năm 2019 quy định về phát triển các TTĐK theo quy hoạch vùng, địa phương cũng được gỡ bỏ, bắt đầu thực hiện xã hội hóa công tác này. Kể từ đó, các TTĐK đã phát triển rất nhanh, số lượng trạm đăng kiểm đã tăng gần gấp 3 lần. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 280 đơn vị đăng kiểm đang hoạt động thì số doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 2/3. Việc xã hội hóa đăng kiểm là chủ trương đúng đắn, giúp giảm tình trạng quá tải tại các TTĐK ở các thành phố lớn. Nhưng câu hỏi đặt ra là công tác cấp phép đã chặt chẽ, nghiêm túc hay chưa? Việc giám sát hoạt động của các trung tâm như thế nào?
Đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm lý giải với báo chí, trước đây, số lượng TTĐK được khống chế, song từ khi xã hội hóa hoạt động đăng kiểm thì có tình trạng mở tràn lan các TTĐK, khi đầu tư muốn lãi nhanh thì nguy cơ phát sinh tiêu cực lớn, chưa kể nguồn nhân lực cũng không thể bảo đảm kiểm soát được hết. Đây là cách giải thích đổ lỗi cho việc "xã hội hóa", dẫn đến tiêu cực. Trong khi hoạt động đăng kiểm có hành lang pháp lý rất cụ thể. Việc sai phạm hàng loạt như vậy rõ ràng là do buông lỏng quản lý.
Hậu quả của vụ án này rất lớn, khiến công tác đăng kiểm ở TPHCM bị đình trệ; đặc biệt làm cho công tác bảo đảm an toàn giao thông bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện địa bàn TPHCM chỉ còn 8/17 đơn vị đăng kiểm đang hoạt động, với 22 chuyền kiểm định hoạt động (đạt 41% so với 53 chuyền trước đây); công suất tối đa kiểm định 1.300 lượt/ngày, bằng 35% so với trước dẫn đến tình trạng ùn ứ khi mà cuối năm, nhu cầu kiểm định tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thông vận tải trong thời điểm cuối năm.