Lắp ráp để lấy mác "made In Vietnam"
Việc nhập hàng ngoại về "gắn mác" hàng Việt không chỉ đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính trong nước trước bờ vực phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải siết chặt hoạt động cấp chứng nhận xuất xứ (C/O), áp dụng các biện pháp chế tài đủ mạnh đối với các hành vi gian lận thương mại thay vì chỉ xử phạt hành chính.
Trong vai người đi mua hàng, chúng tôi tiếp cận một cửa hàng bày bán thiết bị điện để hỏi mua cái bóng đèn. Chủ cửa hàng cho biết có hơn 30 loại bóng đèn khác nhau đủ các hãng. Loại bóng nhỏ giá 15-20 ngàn/bóng, loại lớn trên 200 ngàn đồng/bóng. Cửa hàng chỉ bán các mặt hàng do các DN sản xuất trong nước, nhưng hỏi sản phẩn sản xuất ở đâu thì họ không biết. Theo giám đốc một DN sản xuất bóng đèn trong nước, hầu hết các DN không tên tuổi đều nhập hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi mang về Việt Nam lắp ráp và gắn mác "Made in Việt Nam". Không chỉ bóng đèn, bình đun nước, nồi cơm điện, máy lọc nước... cũng được sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Theo vị giám đốc này, người tiêu dùng cần hiểu rõ hàng Việt Nam là được sản xuất tại Việt Nam. Cá biệt, có một số DN nhập khẩu hàng sản xuất nước ngoài vào Việt Nam phải là nguyên đai, nguyên kiện. Riêng một số DN nhập khẩu từng thành phần về Việt Nam cắt mác sản xuất rồi gắn nhãn là sản xuất tại Việt Nam thì đây là sự gian dối về nguồn gốc xuất xứ cần phải lên án, nghiêm trị.
Không ít trái cây xuất xứ từ Trung Quốc trên thị trường
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Trung cho rằng, theo các quy định thì hàng hóa sản xuất 100% trong nước được mang thương hiệu Việt. Ví dụ như ta nhập bột mì về Việt Nam thì đó chỉ là bột mì. Khi được chế biến thành bánh kẹo, bánh mì thì gọi là hàng Việt Nam. Một ví dụ khác, chiếc điện thoại Samsung được ghi sản xuất tại Việt Nam nhưng ai cũng biết đó là sản phẩm của Hàn Quốc, cũng như chiếc ôtô BMW được ghi là sản xuất tại Mỹ nhưng đó là sản phẩm của Đức. Theo đó, hàng hóa không được sản xuất trong nước thì không thể gọi là "Made in Vietnam".
Tương tự, trong ngành may mặc, da giày... chúng ta phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, thành phẩm lại được hình thành trong nước thì được gọi là "Made in Việt Nam". Lấy ví dụ, một chiếc đồng hồ đâu dễ gắn nhãn hiệu "Swiss made" (sản xuất tại Thụy Sĩ), trước hết phải đáp ứng nhiều tiêu chí nghiêm ngặt như máy phải làm ở Thụy Sĩ, đóng vỏ ở Thụy Sĩ và việc kiểm tra sau cùng phải thực hiện cũng ở quốc gia này...
Trong khi đó, Tổng cục Hải quan cho biết, 100% doanh nghiệp dính nghi án đánh tráo khái niệm xuất xứ hàng hóa, sau khi bị kiểm tra sau thông quan đều có vi phạm. Hành vi chung của các DN này là nhập hàng từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... có nhà xưởng tại Việt Nam, nhưng chỉ thực hiện vài thao tác "lắp ráp đơn giản". Chẳng hạn, mới đây Công ty TNHH xe đạp Excel làm thủ tục xuất lô hàng xe đạp, xe đạp, xe lướt điện gắn mác "Made in Vietnam" xuất đi Mỹ. Đặc biệt, các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam, chỉ gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái mà không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào.
Qua kiểm tra, Hải quan phát hiện toàn bộ lô hàng của Công ty Excel có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc nhập khẩu 100% linh kiện từ Trung Quốc, về Việt Nam chỉ lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện thành sản phẩm hoàn chỉnh. Thậm chí có doanh nghiệp dù chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc, nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu và đã bị các đơn vị hải quan điểm mặt cho rằng, gian lận chứng nhận xuất xứ nhằm lách thuế. Theo Tổng cục Hải quan, hình thức gian lận về xuất xứ trong thời điểm hiện nay diễn ra theo chiều hướng tinh vi mà phía cơ quan quản lý cũng khó xác định.
Trái cây cũng nhập nhằng xuất xứ
Tương tự, trái cây ngoại nhập có ưu điểm là giá rẻ, mẫu mã đẹp, nhiều trái cây Trung Quốc đang "đội lốt" hàng Việt được bày bán trong các chợ. Cụ thể, loại nho xanh không hạt được bày bán tràn lan ra thị trường và được "gắn mác" nho Ninh Thuận với giá 50.000-60.000 đồng/kg. Trong khi đó, các nhà vườn lại khẳng định, nho xanh không hạt không thể trồng ở Việt Nam. Một chủ vườn tại Ninh Thuận cho biết đã thử nghiệm trồng nhiều loại nho không hạt, nhưng vì điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp nên 100% sản phẩm làm ra là nho có hạt. Vì thế nho xanh không hạt chủ yếu là hàng Trung Quốc.
Trong khi đó, các tiểu thương cho hay, loại nho xanh không hạt này được nhập ở chợ đầu mối Thủ Đức từ tháng 9-2022 đến nay và mỗi ngày bán ra thị trường với số lượng lớn. Nhưng các nhà vườn Ninh Thuận lại khẳng định, từ tháng 9 kéo dài đến nay chỉ bán loại nho đỏ. Riêng nho xanh, toàn vùng bắt đầu thu hoạch từ tháng 2 và kéo dài đến hết tháng 5. Vì vậy, nho bán trên thị trường thời điểm này hoàn toàn không phải nho Ninh Thuận.
Trong các khu chợ truyền thống bày bán khá nhiều loại đào được quảng cáo là đào tiên Lào Cai, quả to khoảng 3-4 quả/kg. Đặc điểm loại đào này ít lông, khi ăn có vị ngọt đậm, mùi thơm dịu. Giá bán trung bình từ 60-80.000 đồng/kg. Thế nhưng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai khẳng định, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại Lào Cai chưa trồng được loại đào này. Trong khi đó, đào ở Sapa thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 7 nên ngoài thời điểm trên, người tiêu dùng nên lưu ý để không mua phải đào Trung Quốc.
Tương tự, trong các sạp hoa quả tại các chợ cũng như những chiếc xe bán rong có nhiều loại xoài chín, quả rất nhỏ, thường gọi là xoài mini, xoài tí hon hoặc xoài mút với giá 25.000 - 35.000 đồng/kg. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2022, xoài mini Trung Quốc rộ mùa, nguồn hàng nhiều nên giá sản phẩm giảm mạnh. Loại này được trồng nhiều ở đảo Hải Nam. Đây cũng là trung tâm sản xuất xoài lớn nhất của Trung Quốc, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9. Do người tiêu dùng trong nước luôn e dè với hàng Trung Quốc nên thương lái "gắn mác" là "xoài Châu Đốc" để dễ tiêu thụ.
Trên thị trường Việt Nam cũng bán loại mận đen tím bầm, quả to bằng nắm tay, bên trong có màu vàng, mọng nước, ăn hơi chua ngọt và không giòn và dân buôn vẫn quảng cáo là "mận Sapa". Ngoài mận tím bầm còn xuất hiện loại mận cơm vỏ xanh, quả chín vỏ sẽ hơi vàng, hạt tách rời nên được rất nhiều người chuộng. Loại mận này từ nhiều năm nay được bán 30.000-50.000 đồng/kg tùy loại và cũng được dân buôn gắn mác "đặc sản mận Sapa" hay "mận Lào Cai".
Trong khi đó, mận Việt Nam có từ tháng 4 đến tháng 6. Với hai loại mận bán với giá rẻ trên thị trường ở thời điểm hiện nay thì 100% là hàng Trung Quốc. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai cũng có mận đen nhưng quả nhỏ, không đẹp mã bằng hàng Trung Quốc. Đặc biệt, sản lượng cũng rất ít, chủ yếu cung cấp cho khách du lịch.