Ngày 8 và 9/10 sẽ diễn ra hoạt động Cà Mau: Điểm đến 2022 tại Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, với nhiều hoạt động như giải marathon, ngày hội ẩm thực, thể thao nhân gian…
Doanh thu du lịch tăng hơn 68%
Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau, tổng doanh thu du lịch so với cùng kỳ năm 2019 tăng hơn 68%, đạt 62,310 tỷ đồng. Do có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới lạ, độc đáo mang đậm nét đẹp văn hóa, ẩm thực, tình người vùng đất phương Nam, Cà Mau thu hút khá nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.
Trong những ngày lễ, lượng khách tăng cao. Đặc biệt, kỳ nghỉ lễ dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày, với tình hình thời tiết thuận lợi, điều kiện giao thông được cải thiện, thông suốt, an toàn nên lượng du khách ngoài tỉnh đến Cà Mau tăng cao.
Tổng lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích từ ngày 1/9 đến ngày 4/9/2022 là 53.182 lượt khách (trong đó, khách lưu trú 11.155; khách tham quan 41.395) với 49 lượt khách quốc tế. Tăng 25.299 lượt du khách, tương đương hơn 110% so với dịp lễ 2/9 năm 2019. Lượng du khách tập trung nhiều nhất ở các điểm: Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau 10.244 lượt khách; Khu du lịch Khai Long 1.904 lượt khách; Vườn Quốc gia U Minh Hạ 1.250 lượt khách...
Mũi Cà Mau thu hút nhiều khách tham quan
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau cho biết, khách du lịch đến Cà Mau tăng có dấu hiệu chuyển biển tích cực và khẳng định sự chuyển mình của ngành Du lịch Cà Mau sau đại dịch COVID-19. Các cơ sở dịch vụ du lịch đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động phương án dự phòng khi lượng khách tăng cao, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Cùng với việc triển khai thực hiện tốt các quy định thích ứng an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo an toàn cho khách đến tham quan - giải trí, giá cả dịch vụ bình ổn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không có tình trạng chèo kéo khách du lịch.
Hầu hết những người làm du lịch ở Cà Mau thể hiện sự nhiệt tình, hiếu khách, tận tình hướng dẫn, phục vụ du khách với phương châm ‘‘vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi’’, ‘‘khách hàng là thượng đế’’... Với cách làm du lịch sáng tạo, thân thiện, mến khách của người dân Cà Mau không chỉ góp phần nâng cao vị thế, uy tín của du lịch Cà Mau mà còn tạo được sự hài lòng và niềm tin của du khách.
Tiếp tục làm mới nhiều sản phẩm du lịch
Lãnh đạo ngành VHTTDL cho rằng, dự báo lượng khách du lịch đến Cà Mau sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Sở đã yêu cầu các khu/điểm và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường kiểm soát, duy trì, đảm bảo chất lượng dịch vụ, bố trí đủ lực lượng hỗ trợ, cung ứng dịch vụ phục vụ để xử lý các tình huống phát sinh.
Đồng thời đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn... Các khu/điểm du lịch có dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước và phương tiện vận chuyển khách du lịch phải nghiêm túc thực hiện giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, nhất là đường thủy nội địa.
Ðặc biệt, tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hoá, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết đối với các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, trải nghiệm và ẩm thực của du khách. Nghiêm cấm việc tuỳ tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch của tỉnh.
Cột cờ Hà Nội ở Đất Mũi là một trong điểm du khách tìm đến
Để giữ lượng khách du lịch tăng cho dịp cuối năm, ngành du lịch sẽ làm mới sản phẩm, hoàn thiện hạ tầng, nâng chất chuyên nghiệp trong phục vụ. Sẽ tăng thêm các hoạt động tập trung như: lễ hội, hội thi, giải marathon…
Trong ngày 8 và 9/10, tỉnh tổ chức hoạt động Cà Mau: Điểm đến 2022 với nhiều hoạt động như giải marathon, ngày hội ẩm thực, thể thao nhân gian…
Định hướng phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau đến 2025, tỉnh tập trung phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên của tài nguyên du lịch. Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, có sự tham gia của cộng đồng; kết hợp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch Cà Mau gắn với sự phát triển du lịch chung của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Mốc tọa độ quốc gia GPRS 0001 ở Mũi Cà Mau
“Phấn đấu đến năm 2025, Di tích Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được đầu tư đầy đủ theo quy hoạch; điểm du lịch Đầm Thị Tường cơ bản đủ điều kiện là khu du lịch cấp tỉnh; Khu du lịch Mũi Cà Mau đảm bảo các tiêu chí cơ bản của khu du lịch quốc gia, là điểm nhấn quan trọng của ĐBSCL, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước”, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau nói.