(CAO) Đối với các nước trên thế giới, du lịch chữa bệnh hàng năm thu về khoảng 60 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Một đại biểu HĐND TP.HCM đã đề xuất thành phố cần sớm phát triển du lịch y tế.
Trong phiên thảo luận của kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khoá IX về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm2017, các nội dung xoay quanh vấn đề tăng trưởng cả năm đạt 8,4 - 8,7%.
Khi bàn các giải pháp phát triển kinh tế, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân (Q.Bình Thạnh) đã đề xuất thành phố cần đẩy mạnh phát triển du lịch y tế, vì theo ông Quân, hiện tại TP.HCM chưa có sản phẩm đặc trưng.
"Ngành y tế thành phố có điều kiện khá tốt, lực lượng y bác sĩ, dịch vụ đi kèm khá tổt nên các ngành cần có chiến lược phát triển ít nhất trong 5 năm tới. Đối với Tây y có nha khoa thẩm mỹ, Đông y có châm cứu bấm huyệt, nam dược. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), du lịch chữa bệnh hàng năm khoảng 60 tỷ USD trên toàn cầu, tốc độ tăng trưởng 20%/năm; khu vực Đông Nam Á rất có tiềm năng phát triển", đại biểu Hoàng Quân đề xuất.
Tiêu chí để đánh giá các cơ sở khám bệnh tham gia dịch vụ du lịch y tế gồm bảo đảm tính pháp lý, chất lượng dịch vụ, chuyên môn bác sĩ, điều trị khám sức khoẻ tổng quát và mức phí, phương thức thanh toán. |
Để sản phẩm du lịch y tế phát triển, Sở Du lịch và Sở Y tế TP.HCM đã ký kết liên tịch. Theo đó, các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong việc đưa ra các tiêu chí đánh giá chọn lọc bệnh viện - phòng khám tham gia, kết nối các tour chữa bệnh và đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, thu hút du khách trong và ngoài nước đến TP.HCM.
Các loại hình y tế được thí điểm hướng đến phục vụ số đông, thời gian ngắn gồm: khám sức khoẻ tổng quát, khám sức khoẻ tầm soát bệnh lý chuyên sâu (tim mạch, ung thư), thụ tinh trong ống nghiệm, nha khoa thẩm mỹ, y học cổ truyền.
Các diễn giả thảo luận, đánh giá chiến lược thu hút khách hàng phát triển du lịch nha khoa tại TP.HCM
Liên quan đến phát triển du lịch y tế, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp Sở Y tế, Bệnh viện Răng Hàm Mặt và các đơn vị đã tổ chức 'Ngày hội Du lịch Nha khoa 2017'; nhiều chuyên gia ngành y tế, nha khoa, diễn giả đã đến thảo luận, đánh giá và xây dựng chiến lược thu hút khách từ các thị trường Úc, Mỹ, Pháp, Anh,... đến chữa bệnh về răng miệng, kết hợp lịch nghỉ dưỡng.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM nhận định, du lịch nha khoa là 1 trong 5 nhóm sản phẩm chủ lực của du lịch y tế. Số lượng khách ngoại kiều đến khám và điều trị tại các bệnh viện trong năm 2017 tăng lên 1.000 người.
"Nha sĩ tại Việt Nam có tay nghề giỏi nhưng giá thành rẻ từ 2-3 lần so với các nước trong khu vực. Điều chúng tôi cần là Sở Du lịch phải làm sao để du khách có thêm nhiều thông tin về sản phẩm du lịch y tế, nhất là lĩnh vực nha khoa. Ngoài ra, Hội Nha khoa Việt Nam cũng cần cung cấp thêm các thông tin dịch vụ trên các hãng hàng không", một diễn giả chia sẻ.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá, tiềm năng thế mạnh về Y tế nói chung và nha khoa nói riêng là có sẵn, nhưng chưa thể kết hợp thành sản phẩm chung. Sở Du lịch cần thêm nhiều thông tin về nha khoa để có thể tự tin giới thiệu, quảng bá cho du khách. Các diễn giả cần tiếp cận với các tổ chức độc lập có chứng nhận, chứng chỉ; để tiếp cận các gói bảo hiểm cho người nước ngoài.
Cũng theo ông Vũ, thời gian qua, Sở Du lịch đã tham dự nhiều sự kiện du lịch quốc tế gặp gỡ nhiều đối tác nhưng sản phẩm giới thiệu vẫn chưa thực sự phong phú chỉ xoay quanh địa danh - phong cảnh, chưa thể nhấn mạnh vào sản phẩm đặc thù.
'Đối với khách thì họ không quan tâm đến giá, chỉ cần chất lượng dịch vụ tốt. Việc phát triển du lịch nha khoa sẽ là một trong những sản phẩm nhằm níu chân du khách ở lại TP.HCM lâu hơn', Giám đốc Sở Du lịch nhận định.
Theo số liệu của UBND TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đón gần 2,8 triệu lượt khách quốc tế (tăng 15% so với cùng kỳ), doanh thu ngành du lịh trong 6 tháng đạt 53,600 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ), đạt gần 48% chỉ tiêu doanh thu cả năm. |