(CAO) Những ngày này, tại thôn Aró (xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam), UBND huyện Tây Giang thực hiện Dự án đầu tư khai hoang đồng ruộng, thủy lợi (gọi tắt là DA) với diện tích khoảng 17 ha.
Sau khi khảo sát, đây là khu vực có chứa khoáng sản (KS) vàng sa khoáng, nhưng trữ lượng nhỏ nên địa phương xin phép các cấp, và được phép tận thu và cải tạo đất ruộng và hoa màu phục vụ nông nghiệp, nhà nước không bỏ một đồng ngân sách nào.
Đây là hình thức, cách làm mới nên một số người dân và dư luận còn “lăn tăn” về DA(?). Chúng tôi đã tìm hiểu thực hư về DA trên…
Cty Lâm Nông nghiệp đang thi công DA
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, trong quá trình khảo sát đưa vào quy hoạch để đầu tư khai hoang, cải tạo đồng ruộng tại thôn Aró (xã Lăng) khoảng 17 ha, UBND huyện Tây Giang đã phát hiện tại khu vực trên có chứa KS vàng sa khoáng.
Theo đánh giá cửa cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Nam, trữ lượng vàng ở đây không lớn; tuy nhiên, nếu có đầu tư khai thác cơ giới ở quy mô nhỏ, kết hợp với san lấp, cải tạo đồng ruộng thì có thể tận thu được một lượng vàng để bổ sung kinh phí cho việc cải tạo đất đồi bãi thành đất trồng lúa nước kết hợp với đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND huyện Tây Giang được thực hiện DA này.
Sau khi xét Tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam, báo cáo thống nhất, đồng ý của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến: “Đồng ý đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam theo Tờ trình. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo việc khai thác KS vàng trong diện tích khai hoang đồng ruộng thuộc DA tại thôn Aró (xã Lăng) đảo đảm hoàn thành bàn giao đồng ruộng đúng tiến độ DA sau 12 tháng”.
“UBND tỉnh Quảng Nam quản lý, cấp phép khai thác KS vàng tại diện tích nêu trên theo đúng quy định của Luật khoáng sản; đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, đáp ứng yêu cầu về môi trường; đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu DA đã phê duyệt và bù đắp chi phí đầu tư DA”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Đất mùn này sau khi tận dụng vàng sa khoáng xong sẽ phủ lớp trên cùng
Ngày 11-3-2015, Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (nay Trung tướng Lê Chiêm là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) có ý kiến: “Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thống nhất với chủ trương địa điểm quy hoạch DA và kết hợp tận thu KS vàng do UBND huyện Tây Giang làm chủ đầu tư”.
“Qua đối chiếu với Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ; quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ của tỉnh Quảng Nam nói riêng và Quân khu nói chung, không ảnh hưởng đến lĩnh vực quốc phòng”, Công văn nhấn mạnh.
Ông Trần Bảy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam (gọi tắt là Cty Lâm nông nghiệp), cho rằng, sau khi được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đồng ý, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép thực hiện DA. Cty Lâm nông nghiệp đã triển khai được gần 3 tháng.
Theo ông Bảy, hình thức thi công là bốc lớp đất mặt bỏ qua một bên, còn lớp giữa tận thu vàng sa khoáng rồi lu đất bằng, sau đó phủ lại lớp đất mặt để bà con trồng lúa nước (khoảng 11 ha), hoa màu (khoảng 6 ha). Trong đó cả những khu đất người dân đã đào dang dỡ, Cty vẫn thực hiện bằng phẳng để có diện tích đất nông nghiệp đạt yêu cầu.
“Với vàng sa khoáng tận thu, Cty đào ao nước, lấy nước từ suối về lóng rồi điều qua khe, không hề sử dụng loại hóa chất nào nên không ảnh hưởng đến đến môi sinh, môi trường. Cty bỏ ra gần 10 tỷ đồng cho DA này, gồm các khoản đền bù cho người dân, nộp các loại phí, thi công… Chắc chắn thu không bù đủ chi nhưng mục đích Cty tạo điều kiện cho đồng bào nghèo ở huyện Tây Giang có đất ruộng sản xuất. Cái “lãi” cho Cty chúng tôi có lẽ là thương hiệu, uy tính để thuận lợi hơn trong việc kinh doanh các lĩnh vực khác”, ông Bảy chia sẻ.
Sáng 4-1, ông Bríu Liếc, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết: “Mọi công việc thi công huyện giám sát rất kỹ, Cty Lâm nông nghiệp làm đúng quy trình.
Doanh nghiệp bỏ tiền, làm lợi cho dân cho nước. Người dân có ruộng sẽ bảo đảm lương thực tại chỗ, đồng thời khi thiên tai bão lũ (có khi bị chia cắt hàng tháng trời), người dân nơi đây đảm bảo có lương thực tại chỗ.
Hơn nữa, việc triển khai DA này góp phần tạo điều kiện cho xã Lăng sớm hoàn thành chương trình nông thôn mới trong thời gian tới”.