10 điểm nhấn thị trường chứng khoán Việt Nam 2015

Thứ Hai, 04/01/2016 10:37

|

Thị trường chứng khoán 2015 đạt mức tăng trưởng VN-Index chỉ khoảng 5%, chỉ bằng một nửa mức tăng 2014 và chưa bằng 1/5 mức tăng năm 2013.

Điều này dường như là trái ngược với những tiến triển vĩ mô khả quan của năm 2015. Những ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường chứng khoán lại là các tác nhân bên ngoài, trong đó nổi bật là giá dầu và vấn đề tỷ giá.

Thị trường chứng khoán phải gánh chịu những tác động tiêu cực mạnh từ yếu tố bên ngoài là một trong những sự kiện nổi bật được bình chọn năm nay.

Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam vừa phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2015. Đây được coi là những vấn đề, sự kiện có sức ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường chứng khoán từ góc độ nghề nghiệp cũng như đóng vai trò quan trọng cho sự vận hành của thị trường.

1. Chính thức nới room cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngày 26/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP, trong đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, quy định nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là bước đột phá về tư duy trong thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc cho phép tăng sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước cũng là một bước đột phá để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Thông tư 123/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành sau đó hơn 1 tháng, đã hướng dẫn cụ thể việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2015, chỉ có duy nhất Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thuộc khối công ty chứng khoán tại Việt Nam, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nới room đến 100% theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP. Các doanh nghiệp khác vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể.

2. Xác lập lộ trình và định hình khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh

Ngày 5/5/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là thị trường tài chính bậc cao, nơi sẽ niêm yết và giao dịch các sản phẩm tương lai có mục đích phòng ngừa rủi ro cho các tài sản cơ sở, dự kiến được đưa vào hoạt động cuối năm 2016.

Cuối tháng 7/2015, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh, xây dựng các Quy chế nghiệp vụ, Quy trình thống nhất.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được Bộ Tài chính giao tổ chức triển khai hoạt động giao dịch của thị trường chứng khoán phái sinh, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam sẽ đảm nhiệm bù trừ, thanh toán phái sinh.

Việc đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào vận hành trong thời gian tới sẽ giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán cơ sở phát triển, có tác dụng hỗ trợ ngược lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu.

Về lâu dài, các sản phẩm chứng khoán phái sinh không chỉ giúp bảo vệ lợi nhuận của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, mà còn giúp phòng ngừa rủi ro đối với các sản phẩm khác như: hàng hóa, lãi suất như thông lệ của các nước trên thế giới.

3. Thị trường cổ phiếu chịu nhiều tác động tiêu cực mạnh từ yếu tố bên ngoài

Năm 2015, nền kinh tế vĩ mô có sự phục hồi và tăng trưởng khá tích cực, nhưng thị trường chứng khoán lại chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài, khiến mức tăng trưởng rất thấp.

Hai yếu tố gây ảnh hưởng xấu nhất là sự sụt giảm của giá dầu và biến động mạnh của tỷ giá. Giá dầu thế giới đã rơi mạnh trong hai nhịp, vào tháng 6-7 và tháng 12, khiến cổ phiếu dầu khí niêm yết mất giá trầm trọng.

Đồng USD tăng mạnh kết hợp với hiện tượng phá giá bất thường của đồng Nhân dân tệ và việc Ngân hàng nhà nước thực hiện điều chỉnh tỷ giá VND/USD đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt từ quý 3/2015 trở đi, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ra mạnh mẽ trên thị trường, tạo thêm áp lực lớn.

4. Gian lận trong hồ sơ chào bán chứng khoán bị xử lý hình sự

Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2015. Đối với lĩnh vực chứng khoán, ngoài 3 tội danh đã có (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, tội thao túng giá chứng khoán), Luật đã bổ sung thêm một tội danh mới là: tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.

Việc bổ sung này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.

5. Tạo chính sách đột phá cho giao dịch và thanh toán chứng khoán

Ngày 18/12/2015, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán ban hành quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán mới. Theo đó, ngày thanh toán giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là ngày làm việc thứ 2 sau ngày giao dịch (T+2). Ngày thanh toán giao dịch trái phiếu là ngày làm việc liền kề sau ngày giao dịch (T+1).

Điểm khiến quy định này trở nên ấn tượng là trong 15 năm hoạt động của thị trường chứng khoán vừa qua, Việt Nam vẫn áp dụng thông lệ quốc tế về thời gian thanh toán giao dịch T+3.

Việc giảm thời gian thanh toán về T+2 đòi hỏi sự nỗ lực của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, nhất là khối công ty chứng khoán, ngân hàng thanh toán, nhưng nếu làm được, sẽ tạo dấu ấn tốt hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp đó, ngày 21/12, Bộ Tài chính chính thức ban hành Thông tư số 203/2015/TT-BTC thay thế cho Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 về hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Thông tư 203 cho phép nhà đầu tư được phép đặt lệnh vừa mua vừa bán trong từng lần khớp lệnh liên tục (nhưng không được phép đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng/mở cửa), bỏ quy định nhà đầu tư chỉ được sử dụng 1 tài khoản để thực hiện giao dịch ngược chiều cùng 1 loại chứng khoán.

Thông tư cho phép các nhà đầu tư có thể thực hiện lệnh giao dịch khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký. Đặc biệt, Thông tư mới tạo cơ sở pháp lý cho phép các thị trường triển khai các giao dịch bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày….

Đây là văn bản được thị trường chờ đợi từ lâu bởi kỳ vọng tăng thanh khoản và tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán khi khắc phục được nhiều hạn chế trong cơ chế giao dịch hiện hành.

6. Dấu mốc 15 năm hoạt động của thị trường

Tháng 7/2015, thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 15 năm mở cửa hoạt động. 15 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, tổng giá trị vốn huy động qua thị trường chứng khoán ước đạt gần 2 triệu tỷ đồng và thu hút khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Giá trị dư nợ trái phiếu hiện khoảng 22% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 32% GDP.

Trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.

Điều này cho thấy thị trường chứng khoán đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dần hình thành một hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ - tín dụng.

7. Bán cổ phần theo lô lớn

Quyết định 41/2015/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/9/2015 cho phép bán cổ phần theo lô lớn nhằm đẩy nhanh việc thoái vốn, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp không cần nắm quyền chi phối, loại bỏ được trường hợp nhà đầu tư chỉ muốn mua thêm cổ phần để nắm giữ 51%, đủ mức tỷ lệ cổ phần chi phối mà không cần mua toàn bộ.

Đây được xem là thay đổi chính sách quan trọng đối với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức đầu tư tham gia với tỷ trọng lớn.

Văn bản này cũng quy định một số nội dung về việc thoái vốn nhà nước tại các công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên Sàn UPCoM - cơ sở cho việc tạo nguồn hàng lớn cho thị trường.

Cùng với việc cho phép bán cổ phần theo lô lớn, ngày 8/10/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý để Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp đang được các nhà đầu tư chú ý như: VNM, FPT, BMI, NTP...

Năm 2015 là năm cuối cùng cho giai đoạn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 2011-2015 nhưng theo tính toán của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, nếu quyết liệt thì chỉ có thể hoàn thành 90% kế hoạch.

Riêng kế hoạch cho 2 năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp nhưng cũng chỉ đạt 353/432 doanh nghiệp. Không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn này nhưng cùng với các văn bản khác Quyết định 41 đang được kỳ vọng sẽ tạo nhiều sự thay đổi cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 (500 doanh nghiệp).

8. JVC gây sốc cho cổ đông

Năm 2015, xuất hiện cú sốc lớn trong hoạt động và quản trị của công ty niêm yết khiến cổ đông chịu nhiều thiệt hại với trường hợp điển hình là lãnh đạo cao cấp của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã JVC-HOSE) bị bắt, hoạt động của doanh nghiệp bị xáo trộn mạnh khiến cổ phiếu mất giá nghiêm trọng.

Giá cổ phiếu JVC chỉ trong 18 phiên, kể từ khi các tin đồn được loan đi và trở thành hiện thực, đã mất 65,6%. Tính đến hết năm 2015, mức giảm của cổ phiếu JVC sau sự kiện Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc bị bắt lên tới (-73%).

Sự việc này cũng bộc lộ những vướng mắc trong việc công bố thông tin trong giai đoạn nhân sự cao cấp của doanh nghiệp bị tạm giữ phục vụ mục đích điều tra.

9. Sàn UPCoM bùng nổ hàng mới

Hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho sàn UPCoM đã có hiệu lực trong năm 2015. Nghị định 60 ban hành ngày 6/6/2015 đã rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch sau cổ phần hóa từ 90 ngày xuống còn 60 ngày. Việc đẩy nhanh quá trình đăng ký giao dịch cổ phiếu đã đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tạo sức hấp dẫn cho hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đã cho phép thành lập Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Với tín hiệu mới này, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng như: đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đăng ký lưu ký cổ phiếu tập trung, đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán… sẽ được tuân thủ tốt hơn, từ đó giúp gia tăng quy mô hàng hoá trên thị trường chứng khoán.

Ngày 13/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, quy định cụ thể về việc đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM đối với các công ty đại chúng hình thành trước và sau ngày 1/1/2016, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Các quy định mới đã thúc đẩy gần 100 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM trong năm 2015, gấp 1,6 lần so với cả năm 2013 và 2014 cộng lại. Để tăng sức hấp dẫn, sàn UPCoM cũng được tăng biên độ giao dịch cổ phiếu lên ±15%, áp dụng bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 1/7/2015.

10. Quốc hội thay đổi quan điểm về kỳ hạn trái phiếu Chính phủ

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho phép phát hành trở lại kỳ hạn dưới 5 năm (với tỷ lệ 30%, còn lại trên 5 năm 70%). Đây là thay đổi rất đáng chú ý để có thể giúp Chính phủ huy động vốn tốt hơn.

Trước đó, tại Nghị quyết 78/2014 tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, cơ quan lập pháp đã yêu cầu Chính phủ chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ từ 5 năm trở lên. Điều này đã khiến các định chế tài chính không mặn mà tham gia và ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn cho ngân sách, đầu tư phát triển.

Ngay trong lần trở lại đầu tiên sau gần một năm vắng bóng, trái phiếu kỳ hạn 3 năm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các thành viên thị trường khi 6.000 tỷ đồng đã được bán hết tại mức lãi suất 5,9%/năm, trong khi lượng đăng ký đặt thầu lên tới 19.160 tỷ đồng, gấp 3,2 lần giá trị gọi thầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang