(CAO) Một vụ việc rất nghiêm trọng vừa xảy ra tại Huế khi chính quyền, lực lượng chức năng và hàng trăm người dân phải hợp sức để giành lại lượng lớn gỗ thông của rừng đặc dụng bị chặt phá.
Sáng 2-1, Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (gọi tắt là Lâm trường Tiền Phong, trụ sở tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) phát hiện nhiều cây thông ở khu rừng đặc dụng tại thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng bị chặt phá nên báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Diện tích rừng đặc dụng bị chặt phá
UBND thị xã Hương Thủy, UBND xã Thủy Bằng, lực lượng công an, kiểm lâm các cấp, Lâm trường Tiền Phong đã đến hiện trường để làm rõ sự việc.
Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng ghi nhận, diện tích bị chặt phá là 714,4m2 (dài 37,8m, rộng 18,9m), với 51 gốc cây thông hàng chục năm tuổi.
Đây là rừng đặc dụng do UBND xã Thủy Bằng quản lý, giao cho Lâm trường Tiền Phong sử dụng, khai thác.
Lực lượng chức năng kiểm tra thì phát hiện 109 khúc gỗ thông (khoảng 7m3) đã được cưa ngắn, tập kết tại nhiều địa điểm khác nhau trong vườn cây của Đan viện Thiên An (thuộc Dòng Biển Đức).
Gỗ tang vật vụ phá rừng đặc dụng nằm trong khuôn viên Đan viện Thiên An
Trong khi đó, khu vườn của Đan viện đang được thi công. Khi lực lượng chức trách đang kiểm kê số gỗ tang vật nói trên thì có hai người đang làm vườn của Đan viện Thiên An vác rựa, dắt chó becgie chạy đến chửi bới, dọa nạt.
Một người tên Hoàng định vung rựa dọa chém một cán bộ thực thi nhiệm vụ nhưng được những người khác can ngăn kịp thời.
Đối tượng làm vườn của Đan viện vác rựa dọa chém
Phêrô Khoa Cao Đức Lợi cùng các cha xứ, linh mục và những người ở Đan viện Thiên An phủ nhận việc Đan viện cho người chặt thông và nói không hề biết về sự việc.
Nhưng khi đại diện chính quyền và các cơ quan chức năng lý giải là gỗ tang vật vụ phá rừng đặc dụng lại nằm trong khuôn viên của Đan viện thì người của Đan viện cho biết không rõ ai đưa gỗ vào.
Gỗ thông tập kết trong một ngôi nhà của Đan viện
Về hành động dùng rựa, đuổi chó béc-giê đe dọa đoàn người thi hành nhiệm vụ, các cha xứ cho rằng để “đề phòng trộm cắp, người ngoài xâm nhập trái phép Đan viện” (?!).
Sau khi UBND xã Thủy Bằng lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành tịch thu tang vật để phục vụ công tác điều tra vụ phá rừng đặc dụng thì hàng chục người của Đan việc gây căng thẳng, ngăn cản suốt từ trưa đến chiều.
Sau đó, những người dân có hợp đồng bảo vệ rừng với Lâm trường Tiền Phong và hàng trăm người dân địa phương đến hỗ trợ thì chính quyền và lực lượng chức năng mới tịch thu được số gỗ tang vật nói trên.
Gỗ tang vật được tịch thu để phục vụ công tác điều tra
Vụ phá rừng đặc dụng đang được Công an thị xã Hương Thủy xác minh, điều tra làm rõ.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Đan viện Thiên An đã có những hành vi trái pháp luật như: dựng và tu sửa công trình tượng Đức mẹ (khu vực Đồi Đức Mẹ) khi chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho phép; dựng các công trình phục vụ các mục đích khác nhau của Đan viện khi chưa lập các thủ tục và chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền như: công trình nghỉ chân cho đan sĩ trong quá trình sản xuất, nhà trưng bày phong lan trên đất nông nghiệp; cải tạo, sửa chữa nhà tứ giác… Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã nhiều lần lập biên bản, xử lý vụ việc.