Những vụ án kinh tế chấn động năm 2015

Thứ Sáu, 01/01/2016 08:11

|

(CAO) Năm 2015 khép lại với nhiều vụ án kinh tế lớn làm thất thoát hàng nghìn tỷ tài sản nhà nước và các doanh nghiệp được làm sáng tỏ. Đây không chỉ là những vụ án làm xôn xao dư luận mà còn là những bài học xương máu trong cách quản lý và điều hành doanh nghiệp Nhà nước.

Kỳ 1: Agribank và những đại án sai phạm nghìn tỷ

Trong năm 2015, hàng loạt cán bộ nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) như Phạm Thị Bích Lương, Phạm Văn Cử, Hồ Đăng Trung, Vũ Quốc Hảo… hầu tòa do liên quan đến các sai phạm khiến ngân hàng này mất hàng ngàn tỷ đồng.

Agribank CN Nam Hà Nội vướng cú lừa hơn 2.755 tỷ đồng

Ngày 21-12, TAND TP.Hà Nội đưa vụ án Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hà Nội ra xét xử sơ thẩm. Đây là một trong 8 đại án được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu xét xử sơ thẩm trước Đại hội Đảng lần thứ XII.

Agribank CN Nam Hà Nội hơn 2.755 tỷ đồng

Phạm Thị Bích Lương (nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) được xác định là có vai trò cầm đầu trong vụ án. Ngoài ra, liên quan đến vụ án này còn có hàng loạt cán bộ lãnh đạo của Ngân hàng Agribank cũng vướng vào vòng lao lý do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, Công ty Cổ phần Enzo Việt do Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cùng với 4 người quốc tịch nước ngoài thành lập tháng 7-2007, đăng ký đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Dệt - nhuộm - may công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình với số vốn gần 530 tỷ đồng. Qua 4 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư và cổ đông góp vốn, đầu năm 2011, Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, dự án đổi tên thành Luxfashion.

Thông qua hai công ty ký hợp đồng liên kết nhập khẩu phụ liệu may mặc cho dự án là Công ty Cổ phần Lifepro Việt Nam và Công ty cổ phần Vietmade, Liên doanh Lifepro Việt Nam đã tạo lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang... nhằm vay tiền của Agribank Nam Hà Nội.

Dù doanh nghiệp lập hồ sơ khống nhưng Phạm Thị Bích Lương vẫn ký đề nghị HĐQT Agribank nâng quyền phán quyết cho vay, ký hợp đồng thế chấp, phê duyệt cho vay đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, Công ty cổ phần Vietmade, Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam sai quy định, không thẩm định thực tế mà chỉ dựa vào thông tin doanh nghiệp cung cấp, bỏ qua các quy định về quản lý đối với ngân hàng, dẫn đến Agribank thiệt hại hơn 2.755 tỉ đồng. Sau khi được giải ngân, 5 nghi can chủ mưu trong vụ này là doanh nhân người nước ngoài đã ôm tiền trốn khỏi Việt Nam.

Agribank chi nhánh 7 mất hơn 600 tỷ

Trước đó vào ngày 16-12, TAND TP.HCM cũng đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm các quy định về cho vay…” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh 7 (Agribank CN7) ra xét xử sơ thẩm. Trong vụ án này, Agribank cũng bị thiệt hại hơn 600 tỉ đồng.

Agribank chi nhánh 7 mất hơn 600 tỷ

Theo đó, Công ty Mai khôi do vợ chồng Thắng và Luyến nắm phần lớn cổ phần chủ yếu kinh doanh phân bón, không có hoạt động xuất khẩu gạo nhưng do có nhu cầu cần vốn để tiếp tục kinh doanh nên trong thời gian từ năm 2009, Phạm Trịnh Thắng và Dương Thị Kim Luyến đã có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ xin vay, lập báo cáo tài chính nâng khống lợi nhuận sau thuế, lập khống phương án kinh doanh gạo, hợp tác đầu tư dự án nhà ở… để vay tiền từ Agribank CN7.

Sau khi được ngân hàng giải ngân, Công ty Mai Khôi đã dùng nguồn tiền này để đầu tư bất động sản, đầu tư sân golf, mua cổ phần các công ty khác…. dẫn đến thua lỗ. Đến thời điểm tháng 3-2010, Công ty Mai Khôi mất khả năng thanh toán nên đã phải vay tiếp tiền từ Agribank CN 7 để trả cho các khoản nợ quá hạn. Để hợp thức hóa hồ sơ vay tiền từ Agribank CN7, Thắng và Luyến đã nhờ đối tác ký khống các hợp đồng mua bán phân bón với giá trị lớn nhưng thực tế không có.

Dù Phạm Trịnh Thắng và đồng phạm có hành vi gian dối nhưng Phạm Văn Cử (nguyên giám đốc Agribank CN 7) cùng cấp dưới vẫn phê duyệt hồ sơ, vi phạm các quy định về cho vay, ký chứng thư bảo lãnh và cầm cố các tài sản là quyền sử dụng đất không đúng theo các quy định gây thiệt hại cho Nhà nước trong vụ án này là hơn 601 tỉ đồng.

Ngày 21-12, TAND TP.HCM tuyên phạt Phạm Trịnh Thắng mức án tù chung thân, Phạm Văn Cử 20 năm tù. Các đồng phạm khác trong vụ án cũng lãnh mức án từ 7-20 năm tù. Ngoài ra, HĐXX quyết định khởi tố thêm vụ án “đưa hối lộ và nhận hối lộ” do Phạm Văn Cử thừa nhận không tham gia góp vốn dự án mua căn nhà số 421 Nguyễn Oanh (Q. Gò Vấp, TP.HCM) chung với Phạm Trịnh Thắng nhưng vợ bị cáo Cử là bà Nguyễn Hồng Nga vẫn có tên đứng đồng sở hữu.

Agribank CN 6 mất gần 1.000 tỷ đồng

Ngày 22-10-2015, TAND TP.HCM xét xử sơ vụ án sai phạm tại Agribank chi nhánh 6 gây thất thoát gần 966 tỉ đồng. Kẻ chủ mưu trong vụ án này là Dương Thanh Cường đã lập ra nhiều công ty, thuê nhiều người làm giám đốc. Cường giữ vai trò điều hành các công ty này và chỉ đạo những người mình thuê thực hiện việc vay thế chấp đối với ngân hàng Agribank chi nhánh 6.

Agribank CN 6 bị Dương Thanh Cường và đồng phạm lừa mất gần 1.000 tỷ đồng 

Theo đó, lợi dụng chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm mội trường trên địa bàn thành phố về khu công nghiệp, Công ty Đông Phương đã ký hợp đồng hợp tác xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ chung cư cao tầng tại số 10 Âu Cơ, Q.Tân Phú. Để có tiền thực hiện dự án, Dương Thanh Cường đặt vấn đề vay vốn với Hồ Đăng Trung (nguyên giám đốc Agribank CN 6) và được đồng ý. Tháng 9-2007, Cường chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ và trụ sở công ty của Cường tại 44 An Dương Vương, Q.8. Dù biết dự án chưa được phê duyệt, tài sản thế chấp lô đất số 10 Âu Cơ là giấy chứng nhận tạm thời, không đủ điều kiện thế chấp cho vay nhưng Trung và thuộc cấp vẫn ký duyệt cho công ty của Cường 170 tỷ đồng.

Một tháng sau đó, Cường tiếp tục chỉ đạo cho cấp dưới lập hồ sơ vay của Agribank 628 tỷ đồng để thực hiện dự án khu biệt thự nhà vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cường thu mua của người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án trên cùng với 3 bất động sản khác.

Sau đó, Cường chỉ đạo người làm của mình đến Agribank CN6 để mượn lại các giấy chứng nhận này và tiếp tục thế chấp tại ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) để vay tiền và vàng. Cường dùng để trả các khoản nợ trước đó và đầu tư bất động sản dẫn đến mất khả năng thanh toán gây thiệt hại cho Agribank CN 6 hơn 966 tỷ đồng.

Hồ Đăng Trung cùng cấp dưới của mình dù biết rõ hồ sơ vay của Dương Thanh Cường không đủ để vay thế chấp nhưng vẫn bỏ qua nhiều quy định về cho vay của ngân hàng, giao dịch bảo đảm, quản lý tài sản bảo đảm dẫn đến bị Dương Thanh Cường chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Dương Thanh Cường sau đó đã bị tuyên chung thân về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hồ Đăng Trung bị tuyên 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Các đồng phạm khác cũng lãnh mức án từ 4 – 23 năm tù.

Sếp Công ty Cho thuê Tài Chính II lãnh 2 án tử về tội tham ô

Công ty Cho thuê tài chính II (gọi tắt là ALC II) trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank. Vũ Quốc Hảo nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty ALC II, là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của công ty này.

Vũ Quốc Hảo lãnh 2 án tử hình về tội tham ô tài sản

Vào năm 2003, Vũ Quốc Hảo cùng một số người khác thành lập Công ty Cát Long Hải với mục đích biến nơi đây thành sân sau của mình. Biết một người Nhật Bản có tàu lặn Tinro 2 và muốn hợp tác nên bị cáo Hảo thỏa thuận đưa tàu này thành tài sản góp vốn vào Công ty Cát Long Hải. Tuy nhiên, con tàu này không có giấy tờ chính thức nên Hảo chỉ đạo Phạm Minh Tuấn chuyển tàu Tinro 2 ra địa phận thành phố Hải Phòng để tạo tình huống bắt giữ. Sau đó thành phố Hải Phòng tổ chức bán đấu giá tàu lặn Tinro 2 và Công ty Cát Long Hải đứng ra mua với giá 100 triệu đồng.

Với chức vụ, quyền hạn là Tổng giám đốc ALC II, Hảo thông đồng với các lãnh đạo chủ chốt Công ty giám định, thẩm định Việt Nam nhằm nâng giá trị tàu lặn Tinro 2 từ 100 triệu đồng thành 130 tỉ đồng, đồng thời chỉ đạo cấp dưới của mình thực hiện hợp đồng mua bán thuê tài chính vào ngày 26-12-2007 giữa Công ty ALC II và Công ty Cát Long Hải để giải ngân 130 tỉ đồng. Số tiền chiếm đoạt, Hảo sử dụng hơn 78 tỉ đồng để mua gần 90.000 m2 xây dựng trạm dừng chân Miền Tây ở huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Ngoài ra, trong thời gian nắm giữ chức vụ TGĐ công ty cho thuê tài chính 2, Hảo 2 lần vay tiền của ông Hoàng Văn Tám (giám đốc công ty đóng tàu Đại Dương - Hải Phòng) với số tiền lên đến 60 tỷ đồng. Sau đó, Hảo đã chuyển cho Lê Văn Phong (chủ tịch HĐQT công ty Hàm Rồng) để đầu tư vào Dự án căn hộ Trường An ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương và mua đất tại Q.7, TP.HCM. Ngày 11-2-2009, Tám, Hảo và Phong thỏa thuận để Phong ký giấy chứng nhận nợ Tám 75 tỷ đồng. Do Phong chưa có tiền trả nợ nên ngày 20-3-2009, Tám và Hảo lập bảng đối chiếu công nợ có nội dung Hảo nợ tám 75 tỷ đồng.

Để có tiền trả nợ, Hảo bàn với Hai ký hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng mua bán khống rút tiền của ALC II để sử dụng cho mục đích cá nhân. Ngày 2-3-2009, Hảo giao cho Nguyễn Văn Tài (phó tổng ALC II) đại diện ALC II ký hợp đồng cho thuê tài chính, còn Hảo trực tiếp ký hợp đồng mua bán khống với Đặng Văn Hai rồi giải ngân tổng cộng 120 tỷ đồng.

Mặt khác, để che đậy tình trạng làm ăn thua lỗ và các khoản nợ khó đòi, Hảo đã đề ra chủ trương cho thuộc cấp của mình thỏa thuận với các doanh nghiệp vốn là khách hàng của ALCII, thực hiện 7 hợp đồng cho thuê tài chính, mua bán tài sản khống, giải ngân hơn 500 tỷ đồng. Số tiền này, Hảo đã sử dụng hơn 199 tỷ đồng để xử lý nợ xấu tại ALCII. trong vụ án này, 2 bị can Hảo và Hai đã gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng hơn 447 tỷ đồng.

Với hai sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trên, Vũ Quốc Hảo phải lãnh hai án tử hình. Đó là chưa kể đến mức án 18 năm tù trong việc cho hai công ty TNHH Công nghệ biển Hải Phòng và Công ty TNHH vận tải biển Đại Phát thuê tàu trái với quy định của Nhà nước, gây thiệt hại tổng cộng hơn 244 tỉ đồng.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang