Dân kêu cứu vì dự án tiền tỷ làm tắc đường đến núi Cô Tô

Thứ Bảy, 02/01/2016 07:30  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Con đường đi lại duy nhất bị dự án chặn mất. Đường bị tắc khiến hơn 100 ha ruộng, vườn thành cánh đồng hoang.

(CAO) Chính quyền địa phương và hàng chục hộ dân có đất ở ấp Tô Thuận (thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) cùng nhau hiến đất, bỏ tiền, góp công đắp con đường dài 5km, rộng hơn 3m, với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng để phục vụ sản xuất.

Thế nhưng sau 3 năm sử dụng thì đường bị tắc, bởi một dự án, khiến hơn 100 ha ruộng, vườn thành cánh đồng hoang.

Ruộng, vườn để… cỏ mọc

Thay vì khi đến chân núi Cô Tô sẽ thấy những vườn xoài xanh mướt, trái sum suê, cánh đồng lúa vàng hay ruộng mè, khoai lang… thì giờ chỉ là rừng cây bị dây giác, dây mơ phủ đầy, đất ruộng bỏ hoang để cỏ mọc xanh um, khiến cuộc sống của nông dân nơi đây như “chung thủy” với cái nghèo.

Vườn tược, ruộng lúa của người dân đã bỏ hoang, cỏ mọc um tùm 2 năm nay

Ngồi nhìn mảnh ruộng và vườn xoài bỏ hoang mà lòng đau như cắt, bởi đấy là nguồn thu nhập chính, ông Chau Bớt (74 tuổi, ngụ ấp Tô Thuận) xót xa:

“Mỗi năm, với việc làm 5 công ruộng và 5 công xoài gia đình tôi sẽ có nguồn lợi nhuận trên 50 triệu đồng.

Tuy nhiên giờ vườn xoài thì bỏ hẳn 2 năm nay, còn ruộng thì chỉ làm được một vụ cầm chừng cơn đói.

Vì con đường đi lại duy nhất bị dự án chặn mất nên đâu vô xịt thuốc hay vận chuyển nông sản ra được.

Hai năm nay, ruộng làm toàn thủ công nên thu hoạch xong thì tiền cũ đổi tiền mới.

Giờ đây, nhà 4 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào một vụ lúa này thì làm sao sống nổi”.

Theo lời ông Bớt, trước đây, khu vực này ngày nào cũng nhộn nhịp, đông đúc người ra vô chứ không phải lát đát vài bóng như hiện tại. Nào là xe tải, xe bò, xe đạp hối hả chở hàng. Để có đường đi ông hiến gần công đất, góp tiền, bỏ công mà giờ thì chịu cảnh khổ hơn lúc chưa mở đường.

Thời điểm này, ra đồng chăm sóc vườn xoài, thu hoạch nông sản lấy tiền chi tiêu gia đình thì giờ chỉ ra đồng cắt cỏ cho vui.

Ông Chau Sóc bức xúc:

“Nhìn ruộng, vườn bỏ hoang thì tiếc nhưng ai cũng vậy mình làm chuột cắn chịu sao nổi. Mùa này những năm trước, cũng xuống đậu xanh hoặc mè còn giờ đành để đất cho cỏ mọc.

Với đoạn đường này, mỗi bao lúa, khoai lang vác và chở ra là 10.000 đồng, lúa tuốt cũng 10.000 đồng/bao, cắt tay 500.000 đồng/công nên làm ra nhiêu cũng chỉ đủ trả chi phí.

Trước giờ, đến mùa thu hoạch chúng tôi ở đây chỉ có nhiệm vụ đếm tiền còn giờ thì đi chạy kiếm người gánh, cắt, tuốt đủ thứ”.

Không chỉ những người có đất cạnh dự án gặp khó khăn mà những người làm thuê, làm mướn cũng chung nỗi buồn.

Bà Nèang Sốc Don (54 tuổi, ấp Tô Thuận) nói: “Đường này giờ đi khó lắm. Mấy năm trước, hễ ai mướn gì tôi lên xe đạp cọc cạch tí là tới còn giờ cuốc bộ cả buổi trời. Muốn đến chỗ làm phải lội qua đoạn đập trong hồ nên quần áo ướt sũng. Xe đạp đậu ngoài kia chứ cũng sợ mất lắm vì đã có mấy trường hợp xe gắn máy đậu gần đó bị lấy”.

Không có đường đi nên người dân có đất gần chân núi Cô Tô phải vượt trong lòng hồ ngập nước để vô, ra ruộng vườn

Ông Chau Âm, Trưởng ấp Tô Thuận cho biết:

“Số bà con có đất bỏ hoang trong khu vực này là 60 hộ, với hơn 100 ha. Khi dự án thi công thì cắt ngang con đường dân sinh của người dân.

Thời điểm đó, dân ý kiến bồi thường để xây con đường khác nhưng bên dự án bảo là sẽ không bồi thường mà sẽ xây con đường khác trả lại.

Thế nhưng đã 2 năm trôi qua, mà chẳng thấy thực hiện, khiến bà con ai cũng lâm cảnh điêu đứng khi ruộng, vườn để cỏ mọc hoang”.

Dân chịu thiệt vì dự án tiền tỷ

Là một trong những đi vận động bà con làm đường, ông Chau Hưm, Trưởng Công an xã Núi Tô cho biết:

“Trước đây, để có đường thì chính quyền địa phương cùng những người có uy tính trong làng đi vận động người dân hiến đất, góp tiền, bỏ công để làm đường phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản và đi lại trong hai mùa mưa nắng.

Sau khi vận động xong, chúng tôi bỏ tiền thuê robe múc với chi phí 300.000 đồng/tiếng để làm đường

Nhiều ông lão đã 80 tuổi vẫn ra phụ giúp để mong sớm hoàn thành con đường từ chân núi Cô Tô xuống sóc Tà Hu, với tổng kinh phí là hơn 1,7 tỷ đồng.

Khi chưa có đường bà con đi té hoài, hàng hóa chẳng vận chuyển gì được, còn khi có đường thì nào là xe bò, gắn máy, xe tải, máy móc vô ra dễ dàng”.

 

Dự án hồ chứa nước ở xã Núi Tô đã chặn mất con đường hơn 1,7 tỷ đồng của hàng chục hộ dân

 

Đã 2 năm nay, không có đường nên người dân phải đi nhờ con đường cạnh hồ Soài Chek, có đoạn ngập nước khiến người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa rất vất vả, tốn kém, thậm chí hư hại.

Theo báo cáo, dự án: “Xây dựng mô hình hồ chứa nước vùng khô hạn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân miền núi thuộc huyện Tri Tôn”. Đây là công trình thủy lợi cấp IV, diện tích 50,9 ha, tổng mức đầu tư trên 119 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) An Giang làm chủ đầu tư. Mục đích của dự án là đảm bảo nguồn nước cho người dân trong khu vực sử dụng những tháng khô hạn, tạo độ ẩm cho thảm thực vật quanh hồ làm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, bảo vệ rừng. Thế nhưng, trong thời thực hiện công trình đã khiến cho nhiều hộ dân bức xúc.

Đến ruộng và chở nông sản bằng xe thì giờ người dân phải cuốc bộ, cõng hàng

Trao đổi với chúng tôi về việc có hay không Ban quản lý dự án lấy đường dân sinh của dân, ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang và ông Huỳnh Văn Tùng, Trưởng Ban Quản lý dự án thuộc sở này cho biết:

“Công tác đền bù giải phóng mặt bằng là do huyện đảm nhận. Việc có hứa làm đường trả lại cho dân hay không là chuyện của huyện.

Trước giờ, không nghe huyện báo về việc người dân bức xúc con đường nêu trên.

Thông qua báo chí, chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan để tìm hiểu vấn đề này.

Công trình sẽ được bàn giao cho UBND huyện Tri Tôn vào cuối năm 2016”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang