(CATP) Để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, một số tỉnh ở ĐBSCL thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" là "Sản xuất ăn - uống - nghỉ ngơi tại chỗ" và phương án bố trí ăn, ở, sản xuất tại 2 địa điểm trên địa bàn tỉnh đưa rước công nhân trên một cung đường. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thực hiện thì một số doanh nghiệp chế biến xuất nhập khẩu thủy sản gặp khó khăn nên tạm ngưng hoạt động.
Thuê khách sạn cho công nhân nghỉ
Chiều 28-7, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, bắt đầu từ 0 giờ ngày 30-7, các nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng có sử dụng người lao động tại chỗ phải thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Đối với lao động ở khách sạn, nhà trọ, Ban chỉ đạo yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi ở, quá trình đi lại, làm việc hàng ngày phải đảm bảo đi trên một tuyến đường, tuyệt đối không được ghé dọc đường và tiếp xúc với người bên ngoài. Những công ty, xí nghiệp không đăng ký thì tạm ngưng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch.
Hiện Cà Mau có khoảng 39 nhà máy của 29 doanh nghiệp chế biến thủy sản (CBTS) có khoảng 20.000 công nhân đang làm việc. Trước quyết định, các doanh nghiệp thủy sản chuẩn bị thực hiện theo quyết định của tỉnh. "Để thực hiện quyết định trên, công ty gặp khó khăn nhưng cố gắng thực hiện. Công ty chế biến thủy sản rất nhiều công nhân nên không đủ chỗ để "3 tại chỗ" nên thuê khách sạn cho công nhân nghỉ, vì vậy chúng tôi đăng ký 2 phương án". Một giám đốc công ty CBTS cho biết.
Nhà máy chế biến thủy sản có lượng lớn công nhân nên khó thực hiện 3 tại chỗ
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có tổng số hơn 6.700 lao động, chủ yếu là người nội tỉnh; trong đó lao động cư trú tại TP.Cà Mau có hơn 5.000 người. Trước đó, nhà máy thực hiện công tác phòng, chống dịch theo phương án "3 tại chỗ". Người tạm trú tại nơi tập trung phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ". Để thực hiện quy định trên, công ty lập phương án thuê 6 khách sạn, 1 nhà trọ cho hơn 1.500 công nhân; trong đó có khách sạn 5 sao.
Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau có gần 1.500 lao động trực tiếp làm việc. Công ty cũng đã xây dựng phương án "3 tại chỗ" với khoảng 500 công nhân. Thời gian qua, công ty tổ chức ăn uống tại phân xưởng, phần ăn đảm bảo dinh dưỡng, với 3 bữa ăn/ngày, mỗi phần ăn 20.000 đồng, nước uống miễn phí. Tất cả chi phí do công ty hỗ trợ. 600 công nhân còn lại, công ty đăng ký phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" thuê 2 khách sạn cho công nhân nghỉ. Công ty Cổ phần CAMIMEX có gần 800 công nhân đang làm việc, phương án tổ chức nơi lưu trú tập trung cho 350 người lao động thực hiện bố trí theo từng ô, từng dãy, từng nhóm sản xuất riêng, trang bị đầy đủ đồ dùng thiết yếu, mỗi hàng cách nhau tối thiểu 2m. 450 người lao động còn lại, công ty thuê 2 khách sạn cho công nhân để hằng ngày đưa đón.
Vào mùa thu hoạch tôm ở Kiên Giang
Tạm ngưng hoạt động
Theo đánh giá của các doanh nghiệp CBTS trên địa bàn tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp lớn có mặt hàng dự trữ trong kho thì việc thực hiện các quy định trên hợp lý. Đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ thì nhiều khó khăn. Anh T.M, giám đốc một công ty CBTS nói: "Nguồn nguyên liệu chúng tôi chế biến phụ thuộc vào sản lượng thu hoạch của người dân. Tuy nhiên, sản lượng tôm của dân tùy theo con nước. Hiện nay, số tôm thu hoạch ít. Nếu thực hiện chủ trương trên, chúng tôi phải nuôi công nhân ăn ở khách sạn, nguyên liệu sản xuất không có thì rất thiệt thòi cho doanh nghiệp. Tôi đang xem xét tạm ngưng hoạt động". Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Chủ trương của tỉnh về việc thực hiện theo 2 phương án trên, tỉnh không bắt buộc tùy theo khả năng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không đủ điều kiện thì dừng".
Theo thống kê của tỉnh Kiên Giang, có 16/30 doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Cảng cá Tắc Cậu (thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Châu Thành) tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu "3 tại chỗ". Dự báo trong những ngày tới sẽ có thêm nhà máy CBTS tại Khu công nghiệp Cảng cá Tắc Cậu tạm ngưng hoạt động. Hệ lụy của việc các nhà máy chế biến thủy sản đóng cửa dẫn đến tình trạng các đơn vị thu mua hàng thủy sản khai thác trên ngư trường tại Cảng cá Tắc Cậu cũng phải ngưng hoạt động. Tiếp đến, một bộ phận công nhân lao động mất việc làm, mất thu nhập, đời sống khó khăn trong tình hình dịch bệnh. Trong khi đó, dự kiến những ngày tới sẽ có khoảng 15 lượt tàu cập cảng này, việc bán hàng với sản lượng khoảng 3.000 tấn sẽ gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, nông dân tỉnh vào kỳ thu hoạch tôm nuôi. Doanh nghiệp CBTS tạm ngưng hoạt động, nông dân sẽ gặp nhiều bất lợi về giá, thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của nhiều nhà máy chế biến thủy sản ngừng hoạt động. Dự kiến trong tháng 8-2021, sản lượng thủy sản của tỉnh cần kết nối tiêu thụ gồm: gần 2.100 tấn tôm sú, hơn 1.400 tấn tôm thẻ chân trắng, hơn 1.500 tấn tôm càng xanh và khoảng 3.450 tấn cua biển... Số lượng nhà máy tạm ngưng hoạt động càng tăng, nguồn nguyên liệu sẽ bán cho ai?