Bức xúc trước kiểu đánh bắt tận diệt thủy sản ở Sài Gòn

Thứ Năm, 12/11/2020 10:32  | Hải Văn

|

(CATP) Mặc dù bị pháp luật cấm nhưng mỗi khi thủy triều xuống, nhất là sau những cơn mưa, nhiều người sử dụng bộ dụng cụ chích điện (CĐ) công suất lớn để khai thác thủy sản. Với kiểu đánh bắt "giết nhầm hơn bỏ sót" này không chỉ tận diệt nguồn thủy sản, hủy hoại hệ sinh thái mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa đến tính mạng.

GÁNH NẶNG MƯU SINH?

Vào buổi trưa những ngày đầu tháng 11-2020, khi thủy triều xuống thấp, tại khu vực xung quanh bến đò An Phú Đông trên sông Vàm Thuật (giáp ranh giữa quận 12 và quận Gò Vấp, TPHCM) xuất hiện 3 - 4 người đàn ông đánh cá bằng hình thức CĐ. Họ sử dụng bộ CĐ gồm bình ắc quy, bộ kích điện tử, chiếc vợt lưới, cần CĐ và chiếc vỏ lãi cỡ nhỏ để hành nghề. Có người bơi chiếc vỏ lãi dọc theo mép sông, bờ kè, có người luồn lách vào từng con rạch, mương nước rồi dùng bộ CĐ rà qua rà lại vào từng bụi cây, hốc đá. Bộ CĐ dí đến đâu, cá tôm nhảy đành đạch phơi bụng nổi lềnh bềnh đến đấy.

Anh Lũy, một ngư phủ cho biết làm nghề đãi trùn chỉ trên sông Sài Gòn, Vàm Thuật... Những lúc không đi đãi trùn, anh chuyển sang thả lưới, CĐ kiếm thêm thu nhập. Mỗi khi thủy triều xuống, anh thường chạy vỏ lãi đến bến đò An Phú Đông để CĐ. Theo anh, khu vực này hội tụ nhiều kênh rạch, thức ăn dồi dào đã thu hút lượng lớn tôm cá đến đây kiếm mồi. Bến đò An Phú Đông lại nằm gần Miếu Nổi - nơi người ta thường thả cá phóng sinh nên có lượng thủy sản rất lớn. Nói đoạn, anh đưa cái vợt dẫn điện tự chế xuống nước. Bộ CĐ phát ra những tiếng rè rè... Anh lia chiếc vợt đến đâu thì tôm cá lớn nhỏ trong phạm vi ảnh hưởng của nguồn điện phóng ra đều chết đến đó.

Nhiều đối tượng thường xuyên dùng xung điện sục sạo quanh bến đò An Phú Đông

Bên cạnh những người đãi trùn chỉ, những lúc nước ròng, dọc dòng kênh Tẻ (Q7) còn có những người đánh cá bằng hình thức CĐ. Anh Linh, một ngư phủ cho biết, mấy năm trước khi các dòng sông, kênh rạch ở Sài Gòn ít bị ô nhiễm, tôm cá còn nhiều, vợ chồng anh thường đánh bắt thủy sản bằng thả lưới, quăng chài. Những năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, tôm cá ít đi, việc đánh bắt truyền thống không còn hiệu quả, anh chuyển sang CĐ.

Biết rằng hình thức đánh bắt này vi phạm pháp luật, nhưng bao năm gắn bó với sông nước, không đánh bắt cá anh không biết làm nghề gì để sống. Nhiều lần anh lên bờ xin vào làm bảo vệ, bốc vác nhưng do sức khỏe có hạn, không rành đường sá nên anh trở lại mưu sinh bằng nghề đánh CĐ. Nhờ cái nghề này mà mỗi ngày anh kiếm được từ 100 - 200 ngàn đồng đủ lo cơm gạo, tiền điện, nước cho vợ con.

Sau những buổi phụ vợ bán hàng rong ở chợ "chồm hổm" trước khu chế xuất Linh Trung II (Q.Thủ Đức), lúc con nước ròng hoặc dịp mưa xuống, anh Tài - một người lao động tự do lại "tăng ca" bằng cách cõng bộ CĐ rảo khắp các ao hồ, mương máng, kênh rạch tại vùng giáp ranh giữa Q.Thủ Đức và tỉnh Bình Dương như: kênh Ba Bò, khu dân cư Vĩnh Phú, xung quanh chợ đầu mối... đánh bắt tôm cá.

Để tận thu nguồn thủy sản, anh sử dụng bộ CĐ "độ” lên tới 10 sò, có thể biến nguồn điện năng từ 24V lên thành 250V hoặc 300V, đủ để làm tê liệt các loài thủy sản xung quanh bán kính 1-5m, sâu 1,5 - 2m. Mỗi lần đi kích, anh phải bỏ bộ CĐ trong vỏ can nhựa rồi lấy bao ni lon quấn lại kín mít. Anh cõng bộ kích trên lưng, bên hông đeo giỏ đựng tôm, cá, hai tay cầm que điện rà xuống dòng nước, dòng điện từ bộ kích phóng ra khiến không một loài sinh vật nào thoát được, kể cả lươn, rắn, cua, ếch...

Anh Tài cho biết, trước đây thường đi cắm câu, thả lưới hoặc dùng đèn pha để soi bắt tôm, cá. Tuy nhiên, cách đánh bắt truyền thống này vừa mất công mà thu hoạch không được bao nhiêu nên anh chuyển sang dùng CĐ, hôm nào "trúng quả”, anh kiếm được cả chục ký như chơi. Tuy kiếm được đồng vô đồng ra, nhưng không ít lần anh bị tai nạn nghề nghiệp, nhiều hôm sơ suất bị điện giật tê người. Có lúc anh bị cơ quan chức năng bắt phạt, tịch thu đồ đạc nhưng do chi phí cho những bộ CĐ khá rẻ, dễ lắp đặt nên ít hôm sau anh lại sắm bộ kích khác tiếp tục hành nghề.

Khi mùa mưa đến, tại nhiều cánh đồng, ruộng, sông ngòi, kênh rạch ở các quận, huyện vùng ven như: quận 12, Hóc Môn, Củ Chi... không khó để bắt gặp cảnh nhiều người dùng hình thức CĐ đánh bắt cá. Có lúc họ đi từng nhóm, dàn thành hàng ngang càn quét hết mảnh ruộng này đến mảnh ruộng khác nên khó có loài tôm cá nào sống sót được.

Sau cơn mưa hoặc lúc thủy triều xuống, nhiều người dùng xung điện đánh bắt cá trái phép

CẦN XỬ LÝ NGHIÊM

Trưa 19-12-2019, tại chân cầu Lê Văn Sỹ (Q3), một nhóm "cá tặc" ngang nhiên dùng bộ CĐ, vợt lưới, vỏ lãi và các dụng cụ khác rồi bơi dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đánh bắt thủy sản. "Cá tặc" bơi đến đâu, thủy sản phơi bụng đến đó. Tôm cá nổi lềnh bềnh, "cá tặc" liền lấy vợt thu gom không sót một con rồi đổ vào khoang vỏ lãi.

Từ chiều cho đến tối cùng ngày, dòng kênh này tiếp tục xuất hiện nhiều nhóm "cá tặc" khác, mỗi nhóm từ 3 - 4 người dùng CĐ, vỏ lãi tận diệt thủy sản. Có lúc họ kết thành nhóm dàn hàng ngang, có lúc họ chia ra từng nhánh riêng rẽ. Người chặn đầu này, kẻ rà đầu kia, cả nhóm sục sạo từng khúc kênh khiến cá tôm khó lòng thoát thân.

Năm 2020, TPHCM đã xử lý nhiều đối tượng dùng xung điện, ngư cụ đánh bắt cá trái phép. Điển hình, tối 17-2, Nguyễn Tấn Thoại (SN 1990, ngụ Q9) sử dụng bộ kích điện để đánh bắt cá trên sông Sài Gòn (đoạn qua phường 28, quận Bình Thạnh). Cũng trong tối đó, Trần Công Hà (SN 1994, quê Thanh Hóa, tạm trú Q.Thủ Đức) sử dụng xung điện đánh bắt cá trên sông Sài Gòn (đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Hai đối tượng đang sử dụng xung điện chích cá thì bị lực lượng chức năng gồm Phòng CSGT đường thủy Công an TPHCM, phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM (gọi tắt là Chi cục Thủy sản TPHCM) bắt quả tang.

Sáng 24-2, lợi dụng lúc nước ròng, nhiều "cá tặc" dùng vỏ lãi, chài lưới và dụng cụ kích điện đánh bắt cá ở khu vực chân cầu Mống (nối quận 1 và quận 4) khiến người dân bức xúc. Nhiều người mang cá đến chân cầu Móng phóng sinh, nhưng khi thấy nhóm "cá tặc" hoành hành, họ buộc phải di chuyển sang chỗ khác hoặc chờ "cá tặc" rời đi mới dám thả. Một số người góp ý về hành vi đánh bắt kiểu tận diệt của nhóm "cá tặc", tuy nhiên nhóm đánh bắt này bỏ ngoài tai và còn thách thức, hăm dọa.

Hai tháng đầu năm 2020, Chi cục Thủy sản TPHCM phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy TPHCM thực hiện 11 đợt tuần tra. Qua kiểm tra 16 phương tiện khai thác thủy sản, đã phát hiện 5 trường hợp vi phạm, tạm giữ 5 bộ kích điện, 1 ghe gỗ, 4 vỏ lãi để xử lý theo quy định pháp luật.

Trong hai ngày 29 và 30-9, Chi cục Thủy sản TPHCM đã bắt giữ 8 ghe dùng kích điện đánh bắt cá trên sông Sài Gòn và các kênh rạch ở thành phố. Trong đó có 3 ghe đang rình chích cá phóng sinh trước chùa Diệu Pháp (P13, Q.Bình Thạnh), tịch thu 8 bộ kích điện và các dụng cụ tận diệt thủy sản.

Anh Võ Đình Tùng (nhà ở cạnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) bức xúc: "Thành phố đang nỗ lực cải tạo môi trường, thả nhiều tôm, cá nhằm biến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành dòng kênh xanh, sạch, đẹp, phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn, thể dục thể thao cho người dân.

Thế nhưng hàng ngày trên dòng kênh này có rất nhiều người thiếu ý thức đến câu cá, quăng chài, thả lưới, nhất là dùng xung điện để đánh bắt khiến nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, bao công sức đổ sông đổ bể, hành vi của họ không thể chấp nhận được".

Bộ xung điện được rao bán tràn lan

Việc đánh bắt cá bằng xung điện không chỉ tận diệt nguồn thủy sản, hủy hoại môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiệt hại tính mạng. Đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm do đánh bắt cá bằng xung điện gây ra.

Trưa 7-6, ông N.V.C. (SN 1955, trú thôn A Đông, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cùng con trai là N.V. M (SN 1982) kéo dây điện từ nhà ra ao của gia đình để kích điện bắt cá. Đến 11 giờ cùng ngày, người thân trong gia đình không thấy hai người vào nhà, khi ra ao thì phát hiện cả hai đã tử vong do bị điện giật.

Sáng 9-7, ông Thẩm Văn Minh (SN 1972, trú KP.Tịnh Sơn, TT.Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) đi xe máy đến vùng hạ lưu đập thủy điện Sông Ba Hạ thuộc buôn Mả Vôi (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, Phú Yên) đánh bắt cá bằng CĐ.

Do bất cẩn, ông Minh ngã xuống dòng nước xoáy chảy xiết nên bị cuốn trôi, nhấn chìm. Sau nhiều giờ tìm kiếm, đến trưa cùng ngày, người dân vớt được thi thể ông Minh. Thời điểm tìm thấy thi thể ông Thẩm, trên lưng nạn nhân vẫn còn bộ kích điện. Nhiều khả năng ông Thẩm đã gặp sự cố khi sử dụng bộ kích điện trước khi té xuống nước.

Ngày 1-1-2020, Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo Sở NN-PTNT khẩn trương phối hợp Sở GTVT, Công an TP, UBND các quận: 1, 2, 3, 4, 8, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Tân Bình tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng CĐ, đánh bắt cá trái phép trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sông Sài Gòn và các tuyến sông, rạch trên địa bàn thành phố.

Theo Chi cục Thủy sản thành phố, năm 2019 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp đánh bắt cá trên kênh, tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý những người đánh bắt cá trái phép, tận diệt cá trên các dòng kênh của thành phố và sông Sài Gòn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang