Loạt bài dài kỳ "Nước Mỹ trước thềm bầu cử tổng thống 3 -11":

Kỳ 3: “Câu thần chú” việc làm

Thứ Hai, 26/10/2020 23:00  | Anh Duy

|

(CATP) Quá trình thuê ngoài với các hãng xưởng đặt bên ngoài lãnh thổ, tự động hoá trong sản xuất, nay thêm dịch Covid-19 đã đẩy việc làm vụt khỏi tay hàng triệu người Mỹ. Vì thế “câu thần chú” tạo ra việc làm vẫn là ưu tiên chính trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này.

Đảo lộn vì dịch bệnh

Trong bài viết nhan đề “Đây là hiện trạng việc làm trước cuộc bầu cử, có ý nghĩa đối với các cử tri” đăng trên tờ Forbes ngày 2-10-2020 dẫn báo cáo về tình hình việc làm tháng 9-2020 của Bộ Lao động, được xem là bảng báo cáo việc làm cuối cùng trên toàn nước Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, cho thấy toàn quốc đã có thêm 661.000 việc làm vào tháng 9.

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 7,9%, sau khi tăng vọt lên mức 14,7% vào tháng 4. Trong khi thị trường lao động có mức tăng nhu cầu việc làm khiêm tốn, sự phục hồi đang chậm lại trong những tháng gần đây. Nền kinh tế Mỹ có thêm 1,4 triệu việc làm trong tháng 8, so với 1,8 triệu trong tháng 7 và 4,8 triệu trong tháng 6. Càng gần cuộc bầu cử, số người Mỹ có việc làm càng giảm đi.

Liệu những con số này có làm lung lay các cử tri?. Trả lời Forbes, Mark Hamrick - một nhà phân tích kinh tế cấp cao tại Bankrate cho rằng điều đó là hoàn toàn có thể. “Câu hỏi hiện nay là: Có bao nhiêu người vẫn đang chờ thêm thông tin để đưa ra quyết định cho mình?. Một bộ phận cử tri có lẽ đang cố gắng hợp lý hóa quyết định của họ” – ông nhận định, đồng thời chỉ ra sau buổi tranh luận đầu tiên giữa Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden hôm 30-9, được truyền thông đánh giá là một màn tranh cãi hỗn loạn, khi hai ứng viên liên tục chen ngang và ngắt lời nhau khiến cử tri không có nhiều dữ liệu thông tin để chắt lọc, thì “báo cáo việc làm chính là điểm dữ liệu quan trọng cuối cùng về nền kinh tế trước ngày bầu cử”.

Một công nhân xây dựng đeo khẩu trang chống dịch ở Brooklyn, New York - Ảnh: Getty​

Báo cáo việc làm tháng 9 của Bộ Lao động được công bố chỉ vài ngày sau khi nhiều công ty lớn như Disney hay Goldman Sachs thông báo cắt giảm hàng nghìn việc làm và sa thải nhân viên. Hôm 1-10, Bộ Lao động Mỹ báo cáo 837.000 người đã nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới vào thời điểm một tuần trước đó, con số vẫn còn cao hơn nhiều so với mức trước dịch Covid-19. Tháng 9-2020, trên toàn nước Mỹ có 12,6 triệu người thất nghiệp.

Với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, tổng thống Donald Trump trong suốt nhiệm kỳ của mình luôn nhắc đến việc tạo ra nhiều việc làm là ưu tiên hàng đầu trong chính sách. Ông tìm cách kéo các hãng xưởng ở nước ngoài về Mỹ, áp thuế nặng lên hàng hoá sản xuất từ “công xưởng toàn cầu” Trung Quốc, đồng thời tạo ra chính sách ưu đãi thuế trong nước để buộc các công ty quay về, đặt nhà máy trong nước.

Chính sách này đi ngược với xu hướng toàn cầu hoá nhưng giúp ông chiều lòng bộ phận được gọi là “những cử tri thầm lặng” có cơ cấu đa phần là những người lao động da trắng sống ở vùng nông thôn, dựa chủ yếu vào các phương pháp sản xuất cũ khiến mặt hàng làm ra không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu. Họ có cảm giác bị bỏ rơi khi bị “làn gió” toàn cầu hoá bao trùm. Dịch Covid-19 là một biến cố nảy sinh bất ngờ khiến bức tranh tạo việc làm theo dạng này của Trump bị xáo trộn.

Bức tranh không “đẹp màu”

Bradley Hardy – Giáo sư chuyên ngành chính sách công tại Đại học Mỹ nhận định trên tờ Forbes: “Tổng thống Trump đã được hưởng lợi từ quá trình mở rộng kinh tế kéo dài trong suốt nhiệm kỳ, nhưng một đồng xu luôn có mặt trái, đó là một cuộc suy thoái kinh tế lịch sử trùng với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”.

Hardy chỉ ra: “Mặc dù rõ ràng tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng giảm, nó không thực sự đại diện cho những gì đang xảy ra trên thị trường việc làm ngày nay. Trên thực tế, nhiều người đã bị cho thôi việc và sẽ rời khỏi lực lượng lao động hoàn toàn. Trong vài thập kỷ qua, các nhà tuyển dụng luôn sử dụng các cuộc suy thoái như một cơ hội để đổi mới và áp dụng các hình thức tự động hóa (máy móc thay thế con người) khác nhau. Một số công việc rất tốt nhưng có thể sẽ không cònquay trở lại, ngay cả khi chứng kiến sự phục hồi”.

Tim Yabor, 55 tuổi là một trong những người đột ngột mất việc vì dịch Covid-19 ở Mỹ. Chia sẻ trong chương trình 60 phút của CBS News ngày 3-5-2020, ông cho biết đang phải lân la ở những hội chợ việc làm để tìm cơ hội mới. Đùng một ngày, sếp gọi ông lên nói chuyện trên Zoom – một ứng dụng họp trực tuyến mùa dịch để thông báo quyết định sa thải sau nhiều năm Yabor gắn bó với ngành kinh doanh khách sạn và sau đó là trung tâm hội nghị. Dịch bệnh khiến những ngành kinh doanh dịch vụ này thiếu hụt khách hàng, sau cùng đã không trụ nổi phải giảm đi nhân sự.

Tim Yabor vừa gia nhập hàng ngũ những người đột ngột mất việc vì Covid-19 - Ảnh: CBS News

“Tôi chưa bao giờ thất nghiệp. Đây là lần đầu tiên” – Yabor nói với CBS News, đồng thời cho biết vợ ông vẫn đang làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm và vìdịch nên hiện phải làm việc từ nhà. Từ ngày thất nghiệp, Yabor nhiều đêm mất ngủ vì nghĩ đến cảnh không có tiền cho con hay phải bán đồ đạc trong nhà để có tiền mua thức ăn và thanh toán các hoá đơn sinh hoạt vẫn hằng tháng về trước cửa tới tấp.

Túng thế Yabor nhiều lúc đã phải tìm đến các “ngân hàng thực phẩm” phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo. Dòng người xếp hàng chờ phát thực phẩm ở những nơi này thời dịch bệnh dằng dặc kéo dài. Yabor thừa nhận tình cảnh của mình chưa bi đát như họ nhưng cũng ở ngưỡng ngấp nghé khó khăn.

Tim Yabor là “mảnh ghép” trong bức tranh của 30 triệu người Mỹ mất việc tính đến đầu tháng 5-2020. Thời cuộc đã đẩy các sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào khoảng trống chông chênh của thị trường việc làm, đẩy các doanh nhân với dự định mở rộng hoạt động kinh doanh, chỉ vài tháng trước, nay lâm vào phá sản.

Trong một hội chợ việc làm trực tuyến Philadelphia vào tháng 4, CBS News đưa tin chỉ trong vòng 4 giờ khi các doanh nghiệp địa phương tổ chức tuyển dụng, đã có đến 1.300 người đã chờ đợi trong các phòng trò chuyện trực tuyến để tìm kiếm cơ hội cho mình.

Nói trước đám đông từ ban công Nhà Trắng hôm 11-10, tổng thống Trump công kích các đảng viên Dân chủ đồng thời ca ngợi thành tích của mình trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế với một giọng điệu lạc quan. Nhưng với những người như Yabor, bức tranh trên thực tế không được mấy “đẹp màu”.

Kỳ 2: Sự “lên ngôi” của thế hệ trẻ
 
​Kỳ 1: Một nước Mỹ phân cực và chia rẽ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang