Thấy gì qua Hội nghị BCHTW đảng Cộng sản Trung Quốc vừa khai mạc?

Thứ Hai, 26/10/2020 14:39

|

​(CAO) Hôm 26-10, BBC đưa tin một hội nghị toàn thể của đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức khai mạc tại Bắc Kinh, sự kiện khiến cộng đồng quốc tế chú ý.

Đây là một trong những cuộc họp chính trị quan trọng nhất trong năm của nước này, được tổ chức trong 4 ngày tại Bắc Kinh. Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 là sự kiện mà chính quyền nước này sẽ đề ra kế hoạch phát triển và tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới.

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá Trung Quốc trong sự kiện lần này nhiều khả năng sẽ công bố một kế hoạch dài hạn hơn cho 15 năm tới (bên cạnh kế hoạch 5 năm) được gọi là "Tầm nhìn 2035". Theo các nhà phân tích, điều này đã làm dấy lên suy đoán rằng ông Tập có ý định trở thành “chủ tịch trọn đời" của đất nước.

Theo Benjamin Hillman, giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc, mục tiêu của “Tầm nhìn 2035” là "đặt ra các mục tiêu cho sự tiến bộ của Trung Quốc nhằm đạt được vị thế nước có thu nhập cao, trở thành một quốc gia phát triển toàn diện vào năm 2049, dịp kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh. Tuy nhiên, "chính ý tưởng về bản tuyên ngôn có tầm nhìn đến năm 2035 cũng đã làm dấy lên suy đoán rằng ông Tập có ý định lãnh đạo Trung Quốc trong giai đoạn này, về cơ bản trở thành chủ tịch nước trọn đời" – vị chuyên gia nhận định với BBC.

Trung Quốc đã loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018, điều này về lý thuyết sẽ cho phép ông Tập tiếp tục tại vị đến khi tuổi cao sức yếu.

Hơn 300 ủy viên đầy đủ và dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tham dự cuộc họp lần này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: BBC

Vào ngày cuối cùng, cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc thường sẽ thông báo chi tiết về những gì đã được thống nhất trong cuộc họp. Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau đợt bùng phát Covid-19.

Tâm điểm chú ý của sự kiện này chính là kế hoạch 5 năm từ 2021-2025 của Trung Quốc, trong đó sẽ trình bày chi tiết chính sách và các ưu tiên phát triển của nước này trong 5 năm tới. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất công bố kế hoạch chính sách 5 năm và đã làm như vậy kể từ năm 1953.

Theo Giáo sư Hillman, Chủ tịch Tập "muốn nền kinh tế Trung Quốc trở nên tự cung tự cấp và ít phụ thuộc hơn vào thị trường và công nghệ của Mỹ". Vì vậy, chúng ta có thể thấy nhiều mục tiêu kinh tế được đặt ra cho tiêu dùng nội địa cũng như việc "chuyển đầu tư từ sản xuất công nghệ thấp sang công nghệ cao như chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, y học và khoa học vũ trụ".

Đầu tháng này, ông Tập đã nhấn mạnh đến khái niệm về chiến lược "lưu thông kép" - nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường nước ngoài.

Giáo sư Hoo Tiang Boon đến từ Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore tin rằng chiến lược này có khả năng là một phản ứng trực tiếp đối với mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc. "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã đi đến kết luận rằng họ không thể dựa vào Mỹ mà dựa vào thứ chắc chắn hơn chính là môi trường quốc tế" - ông nói với BBC.

Còn theo giáo sư Hillman thì: “Trung Quốc đã thoát khỏi đại dịch Covid-19 và có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của họ đang bắt đầu phục hồi. Hội nghị toàn thể sẽ tạo cơ hội để ăn mừng chiến thắng của Trung Quốc đối với coronavirus và truyền thông nhà nước chắc chắn sẽ đối chiếu thành tích chống dịch với những thất bại liên tục của Châu Âu và Mỹ trong việc ngăn chặn virus”.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng ở mức 4,9% từ tháng 7 đến tháng 9, so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này thấp hơn mức 5,2% mà các nhà kinh tế dự đoán.

Trung Quốc đang dần phục hồi từ dịch Covid-19 - Ảnh: Reuters

Việc công bố kế hoạch 15 năm đã khiến một số nhà phân tích suy đoán rằng ông Tập trở thành chủ tịch nước trọn đời là điều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, giáo sư Hoo nhấn mạnh rằng năm 2035 trong quá khứ đã được ca ngợi là năm mà Trung Quốc coi là giai đoạn "hiện thực hóa cơ bản của công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa".

Ông nói với BBC: “Theo nghĩa đó, một cách giải thích là nó (ông Tập trở thành chủ tịch trọn đời) không có gì là bất thường vì nó đã được đề cập trước đây về tiến trình phát triển của Trung Quốc.

Mặc dù ông nói thêm rằng về mặt lịch sử, việc một kế hoạch dài hạn hơn được thảo luận cùng với kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm là điều bất thường.

Tuy nhiên, có cách giải thích khác là ông Tập có ý định tiếp tục nắm quyền về lâu dài. Ông nói: “Có suy đoán rằng đó là một thông điệp ngầm rằng ông Tập có ý định ở lại (15 năm). Sẽ rất thuận tiện cho các đồng minh của ông nói rằng ông cần ở lại để xem xét và chỉ đạo các kế hoạch đã đề ra. Rõ ràng là không có người kế nhiệm rõ ràng”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang