Loạt bài dài kỳ "Nước Mỹ trước thềm bầu cử tổng thống 3-11":

Kỳ 2: Sự “lên ngôi” của thế hệ trẻ

Chủ Nhật, 25/10/2020 11:23  | Anh Duy

|

(CATP) Trên nền một xã hội ngày càng bị phân cực và chia rẽ về quan điểm chính trị, nước Mỹ ngày nay còn chứng kiến lá phiếu của những người trẻ ngày càng chiếm ưu thế chính, mang tính quyết định đến kết quả bầu cử.

Người trẻ ngày càng chiếm ưu thế

Một “khoảng cách thế hệ” là thứ nhiều người đang nói đến. Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hoà năm nay 74 tuổi còn ứng cử viên tranh cử tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden thậm chí còn lớn tuổi hơn: 77 tuổi. Bởi vậy trong mùa tranh cử, ngoài đốp chát nhau về chính sách, cả hai đều ra sức chứng minh cho cử tri thấy mình còn khoẻ để đảm đương công việc.

Khi bị nhiễm Covid-19, Trump chỉ ở bệnh viện quân đội đúng 3 đêm để điều trị rồi nằng nặc đòi xuất viện. Vừa về đến Nhà Trắng, ông “trình diễn” màn bước đi hùng hổ lên những bậc cầu thang, rồi tháo chiếc khẩu trang trước các ống kính để chứng minh mình còn…khoẻ lắm.

Biden cũng “không vừa” khi di chuyển liên tục đến các địa điểm để vận động tranh cử. “Tôi vẫn khoẻ” – chính là thông điệp mà cả hai muốn chuyển đến cử tri, trong một xã hội mà bộ phận người trẻ đang ngày càng chiếm ưu thế, tạo ra sức nặng mang tính quyết định qua lá phiếu.

Ông Trump thuộc thế hệ Boomer (sinh trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến 1964) còn Biden thuộc thế hệ Im lặng (sinh trước năm 1946). Theo số liệu của trung tâm nghiên cứu Pew, đến năm 2020 cả hai thế hệ “già” này chỉ còn chiếm lần lượt 28% và 10% dân số Mỹ.

Lá phiếu của những người trẻ ngày càng mang tính quyết định - Ảnh: Getty ​

Thế hệ X (Gen X), tức những người trung niên sinh trong khoảng 1965 đến 1980 chiếm 25% còn lại là những người trẻ với hai thế hệ đại diện là Thiên niên kỷ (sinh trong khoảng 1981-1996) và thế hệ Z (sinh sau 1996) chiếm phần còn lại. Đặc trưng của Thiên niên kỷ và Z là những người đang dồi dào sức khoẻ, có ước vọng lớn, kỳ vọng cao, nền tảng học vấn tốt và là thế hệ tiên phong tiếp xúc và ứng dụng các nền tảng số vào cuộc sống (sử dụng Internet, điện thoại di động, mạng xã hội thường xuyên).

Họ khác các thế hệ đàn anh khi không bám trụ vào một công việc ổn định cả đời, hay phải cố có nhà có xe cho bằng được mà thường ưu tiên về trải nghiệm (đi du lịch, giải trí, tận hưởng các dịch vụ), chịu chi phối nặng của lối sống toàn cầu hoá, đồng thời hướng sự quan tâm đến những vấn đề đa quốc gia như chống biến đổi khí hậu, đấu tranh vì nữ quyền…

Đặc biệt là thế hệ Z (sinh sau 1996) với cuộc sống đắm chìm trong công nghệ, hằng ngày thường xuyên dùng mạng xã hội, là thế hệ vừa rời giảng đường đại học với khát khao tìm việc thì dịch Covid-19 ập đến làm đảo lộn tất cả.

Trong bài viết nhan đề “Sự thoái trào của Thế hế Boomer: Những người trẻ Mỹ cảm nhận được sức nặng của lá phiếu của mình hơn” đăng trên tờ The Economist ngày 12-9-2020 đã ghi nhận thực trạng này tại Mỹ khi khoảng cách thế hệ định hình nên dáng hình một cuộc bầu cử.

Bài báo nhận định: “Sau nhiều năm các thế hệ đàn anh nắm quyền lực, một thế hệ mới (trẻ hơn) đang có khả năng đưa ra quyết định trọng yếu cho cuộc bầu cử”.

Lá phiếu mang tính quyết định hơn

2020 là một năm của những người trẻ. Những người biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc hầu hết đều ở độ tuổi 20. Độ tuổi trung bình của những người biểu tình bị bắt từ giữa tháng 6 ở Portland, bang Oregon (một trong những trung tâm hoạt động của phong trào này) là 28.

Những người trẻ không bị ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng như những người của các thế hệ khác vì bệnh Covid-19 nhưng lại là thế hệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hậu quả của đại dịch này. Hơn một nửa trong số những người từ 18 đến 29 tuổi bị mất việc làm hoặc bị giảm lương đáng kể từ tháng 4 hoặc phải sống trong một hộ gia đình nơi điều đó xảy ra.

Sở dĩ có tình trạng này vì người trẻ là lực lượng lao động chính ở các công việc dễ bị đóng cửa vì dịch, chẳng hạn như phục vụ bàn hoặc bán lẻ. The Economist nhận định: Năm 2020 sẽ là một năm của thế hệ trẻ ở một khía cạnh quan trọng hơn. Về phương diện bầu cử, đây sẽ là cuộc bầu cử cuối cùng của Thế hệ Boomer và là cuộc bầu cử đầu tiên trong đó việc bỏ phiếu sẽ được thống trị bởi các thế hệ dưới 40 tuổi, đặc biệt là thế hệ Thiên niên kỷ.

Bill Frey, nhà nhân khẩu học tại Viện Brookings nhận định: “Nước Mỹ đang chuyển từ nền chính trị và văn hóa chủ yếu là người da trắng, do Thế hệ Boomer thống trị trong nửa sau thế kỷ 20 sang một quốc gia đa dạng về chủng tộc hơn được thúc đẩy bởi các thế hệ trẻ: Thế hệ Thiên niên Kỷ, Thế hệ Z và hậu bối của họ”.

Người trẻ ngày càng chiếm ưu thế trong bầu cử Mỹ - Ảnh: Fortune 

Tác động bầu cử của những thay đổi nhân khẩu học này thường bị xem thường cho đến nay vì hầu hết Thế hệ Z đều dưới độ tuổi đi bầu còn Thế hệ Thiên niên kỷ thì có xu hướng thờ ơ với chính trị. Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Carolyn DeWitt, người đứng đầu Rock the Vote, một nhóm vận động bầu cử nhận định: “Thiên niên kỷ và Z sẽ chiếm gần 40% cử tri vào năm 2020, mang lại cho họ quyền lực quyết định to lớn”.

Thế hệ trẻ khác với những người lớn tuổi về thái độ, sắc tộc và trình độ học vấn. Theo Viện nghiên cứu Pew, Thế hệ Thiên niên kỷ và Z đòi hỏi các chính phủ phải làm nhiều hơn để giải quyết các vấn đề, cho rằng hôn nhân đồng tính là tốt cho xã hội, biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người và người da đen đang bị đối xử kém công bằng hơn người da trắng. Cả hai thế hệ cũng có tư tưởng xét lại chủ nghĩa tư bản khi phải tìm kiếm việc làm trong thời kỳ suy thoái với dịch Covid-19 là một tác động lớn.

Tổng hợp tất cả những điều này lại với nhau, theo The Economist không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng thế hệ Thiên niên kỷ và Z có xung hướng nghiêng về cánh tả. Các cử tri trẻ hơn có xu hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Thế hệ Thiên niên kỷ tạo thành nền tảng ủng hộ cho các chính trị gia cánh tả tiến bộ, những người chiếm ưu thế trong các ứng viên tranh cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm nay.

Bài báo kết luận: Từ quan điểm của thế hệ, không có gì ngạc nhiên khi đảng Dân chủ dẫn trước. Nó không chỉ phản ánh tính cách và thành tích của ông Trump (đảng Cộng hoà) mà còn phản ánh sự thay đổi của các mảng kiến ​​tạo trong nhân khẩu học bầu cử. Vì thế sẽ rất thú vị khi theo dõi cuộc bầu cử lần này.

​Kỳ 1: Một nước Mỹ phân cực và chia rẽ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang