Kết luận điều tra bổ sung lần 2:

Cơ quan điều tra nhận định ông Tất Thành Cang có vai trò đầu vụ

Thứ Năm, 29/07/2021 07:29  | Anh Thy

|

(CATP) Ngày 28-7, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung lần hai, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (ảnh) và 18 đồng phạm trong vụ án Tham ô và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang cùng 11 bị can, tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; Nguyễn Văn Minh (nguyên trưởng ban kiểm soát SADECO) bị đề nghị truy tố tội "Tham ô tài sản".

7 bị can là ông Tề Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SADECO), Hồ Thị Thanh Trúc (cựu Tổng giám đốc SADECO), Phạm Xuân Trung (cựu Phó tổng giám đốc IPC), Trần Đăng Linh (cựu Phó tổng giám đốc SADECO), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc IPC), Huỳnh Phước Long (cựu chuyên viên Văn phòng Thành ủy), Đỗ Công Hiệp (cựu Kế toán trưởng SADECO) - cùng bị đề nghị truy tố 2 tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và "Tham ô tài sản".

Trong KLĐT bổ sung lần 2, cơ quan điều tra nhận định, ông Tất Thành Cang có chức vụ cao nhất trong các bị can bị khởi tố, "có tầm ảnh hưởng lớn, có vai trò đầu vụ. Thời điểm xảy ra vụ án, ông Tất Thành Cang là Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM. Ông Cang đã có bút phê đồng ý để SADECO (công ty con của Công ty Tân Thuận IPC - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Công ty CP đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) với giá 40.000 đồng/cổ phần, không qua đấu giá, thẩm định giá theo quy định".

Tuy nhiên, KLĐT bổ sung cũng nêu rõ: "Ông Cang chỉ quyết định đối với phần vốn của Văn phòng Thành ủy (VPTU), chưa có tài liệu thể hiện chỉ đạo đối với phần vốn còn lại". Chính vì vậy, cựu phó bí thư phải chịu trách nhiệm dân sự về khoản thiệt hại 184 tỷ đồng tương đương với phần vốn của VPTU tại SADECO.

Ông Tất Thành Cang thời điểm bị bắt tạm giam

Về Tề Trí Dũng, theo cơ quan điều tra, giá phát hành cổ phần của SADECO thấp hơn giá trị thực rất nhiều do Tề Trí Dũng sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC - doanh nghiệp không có chức năng thẩm định, khiến tài sản của Sadeco bị đánh giá thấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Ngoài sai phạm trong việc phát hành 9 triệu cổ phần, Tề Chí Dũng với sự giúp sức của Hồ Thị Thanh Phúc và các cá nhân liên quan còn tham ô hàng tỷ đồng từ nguồn thù lao, quỹ khen thưởng. Trong đó, Tề Trí Dũng nhận hơn 1,7 tỷ đồng, Phạm Xuân Trung nhận hơn 300 triệu đồng, Trần Đăng Linh nhận gần 490 triệu đồng, Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện mỗi người nhận gần 870 triệu đồng; Nguyễn Văn Minh nhận gần 420 triệu đồng.

Thời gian Sadeco bị thanh tra, Dũng chỉ đạo Phúc, Đỗ Công Hiệp hủy tất cả các tài liệu, chứng từ liên quan hoặc hợp thức hóa vào các khoản chi kinh phí hoạt động HĐQT và Ban kiểm soát. Đối với các khoản tiền nhận từ nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng của Sadeco, các cá nhân liên quan đã nộp lại cho công ty.

Hồi đầu năm, Công an TPHCM hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố ông Cang và 18 bị can. Đến tháng 3, VKS trả hồ sơ, đề nghị cơ quan điều tra xác định lại thiệt hại trong vụ án; làm rõ vai trò đồng phạm của Công ty Nguyễn Kim trong vụ án đối với việc mua 9 triệu cổ phần của Sadeco.

Tháng 5, cơ quan điều tra có kết luận bổ sung, xác định lại thiệt hại của vụ án từ 940 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng. VKSND TPHCM sau đó tiếp tục trả hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của từng bị can đối với số tiền thiệt hại, đồng thời làm rõ vai trò của các cá nhân nguyên là thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát Công ty Sadeco trong việc nhận tiền thù lao, tiền thưởng gây thất thoát tài sản Nhà nước. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang