Tranh chấp hợp đồng thương mại giữa Công ty Thuận Phong (Bến Tre) và Công ty Haus (Thổ Nhĩ Kỳ):

Doanh nghiệp Việt Nam thắng kiện

Thứ Tư, 21/10/2020 10:52

|

(CATP) Theo phán quyết của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Công ty Haus thua kiện phải hoàn trả cho nguyên đơn 221.730 euro cùng 10.996,59 euro tiền lãi (tổng cộng hơn 6,2 tỷ đồng). Do thua kiện nên bị đơn phải nộp án phí 9.903,43 euro (266,09 triệu đồng)…

MUA MÁY "XỊN" ĐỂ… "TRÙM MỀN"

Đại diện nguyên đơn là Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, trụ sở xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (Công ty Thuận Phong), trình bày: Ngày 11-8-2016, Công ty Thuận Phong ký Hợp đồng thương mại số 012/TP mua máy móc, thiết bị (gọi tắt HĐ số 012) của Công ty Haus Santrifuj Teknolojileri Sanayi Tíc. Ltd. Sti, trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ (Công ty Haus). Trong số này, có 3 máy ly tâm Separator, tinh chế dầu dừa VCO, mã số "Haus MBA-5432-30", giá mỗi máy là 73.910 euro, thành tiền 221.730 euro (gần 6 tỷ đồng).

Hệ thống 3 máy ly tâm Separator đã được đưa về nhà máy Thuận Phong ngày 3-2-2017 nhưng phải "trùm mền" hơn một năm, đến tháng 4-2018 mới được lắp đặt. Tin tưởng Công ty Quang Huy (do ông Võ Anh Huy làm đại diện) là nhà phân phối của Công ty Haus tại Việt Nam, Thuận Phong đã nghe theo sự tư vấn, lắp đặt cũng như mua thêm các thiết bị phụ trợ từ Quang Huy hơn 120 triệu đồng.

Sau khi lắp đặt, Công ty Haus cử chuyên gia đến nhà máy vận hành thử rất nhiều lần, kéo dài đến đầu tháng 3-2019. Thế nhưng, công suất (4.000 lít/giờ) cũng như chất lượng dầu sau ly tâm đều không đạt như đã thỏa thuận.

Ngày 4-3-2019, đại diện 3 công ty, gồm: Thuận Phong, Haus và Quang Huy cùng ký vào biên bản, nội dung: Haus và Quang Huy tự điều chỉnh hệ thống 3 máy ly tâm Separator, chạy lần cuối, chịu trách nhiệm cho ra kết quả đảm bảo yêu cầu về chất lượng (dầu sau ly tâm lần thứ ba phải đạt hàm lượng ẩm tối đa là 0,5%) và công suất đạt 4.000 lít/giờ. Trong vòng 70 ngày, kể từ ngày 4-3-2019, nếu không cho ra sản phẩm đạt chất lượng như trên thì Haus cam kết thu hồi 3 máy Separator và chuyển trả lại toàn bộ số tiền cho Thuận Phong trong 20 ngày.

Hệ thống 3 máy ly tâm Separator, tinh chế dầu dừa VCO của Công ty Haus

Sau 70 ngày máy chạy vẫn không đạt chất lượng, đại diện 3 công ty tiếp tục ký biên bản ngày 15-5-2019. Theo đó, Thuận Phong cho Haus thêm 2 tuần để cân chỉnh hệ thống 3 máy Separator. Trong các ngày 28, 30 và 31-5-2019, với sự hiện diện của Giám đốc khu vực Đông Nam Á Công ty Haus (ông Olgun Ugurdogan) cùng đại diện Công ty Quang Huy và Công ty Thuận Phong, các bên tiến hành nghiệm thu lần cuối cùng. Kết quả, dầu vẫn không đạt thông số kỹ thuật mà các bên đã thống nhất tại biên bản ngày 4-3-2019.

Ngày 6-6-2019, Công ty Thuận Phong có văn bản yêu cầu Công ty Haus hoàn lại số tiền mua 3 máy Separator, đồng thời thu hồi thiết bị như đã cam kết trong biên bản ngày 4-3-2019 nhưng bên bán không chấp nhận, cho rằng đã thực hiện đúng theo HĐ số 012.

Đại diện Thuận Phong lên tiếng: Xuất phát từ niềm tin đối với một công ty lớn có lịch sử gần 100 năm như Haus, Công ty Thuận Phong không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để mua máy móc trang bị cho nhà máy. Thực tế, hệ thống máy không đạt chất lượng, việc lắp đặt kéo dài quá lâu dẫn đến chậm tiến độ, phá vỡ kế hoạch, gây thiệt hại rất lớn cho Thuận Phong. Thay vì lấy chữ tín làm đầu, thực hiện theo cam kết thì Haus không có thiện chí, phủi bỏ trách nhiệm, buộc lòng Công ty Thuận Phong phải nhờ đến pháp luật phân xử.

NHỜ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ PHÂN XỬ

Chiếu theo điều 10 của HĐ số 012 và biên bản thỏa thuận ngày 4-3-2019, Công ty Thuận Phong đã đệ đơn ngày 16-7-2019, khởi kiện Công ty Haus. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại toàn bộ số tiền 221.730 euro do hệ thống 3 máy ly tâm không đạt công suất và tỷ lệ thu hồi dầu. Phía bị đơn không cung cấp được chứng cứ máy móc đáp ứng các yêu cầu như trong biên bản thỏa thuận ngày 4-3-2019 nên phải hoàn trả khoản tiền trên cho nguyên đơn.

Qua xem xét hồ sơ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (gọi tắt VIAC) đã thụ lý vụ kiện vào ngày 29-7-2019, thành lập Hội đồng Trọng tài (HĐTT) do ông Vũ Xuân Phong làm chủ tịch. Ngày 31-12-2019, bị đơn có đơn kiện lại nhưng không được HĐTT xem xét vì không thực hiện theo đúng quy định của Luật Trọng tài thương mại và Quy tắc VIAC.

HĐTT đã tổ chức 6 phiên họp để giải quyết vụ tranh chấp và ra phán quyết ngày 14-9-2020. HĐTT cho rằng, trong biên bản thỏa thuận ngày 4-3-2019, các bên đã thống nhất "nếu Công ty Haus không cho ra sản phẩm đạt được chất lượng như thỏa thuận thì Haus cam kết chuyển trả lại Công ty Thuận Phong toàn bộ số tiền của 3 máy ly tâm trong thời hạn 20 ngày". Cho đến khi kết thúc phiên họp ngày 25-8-2020 (phiên họp cuối cùng trong 6 phiên họp của HĐTT), bị đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh các yêu cầu về chất lượng nêu trong biên bản ngày 4-3-2019 đã được đáp ứng.

Do đó, HĐTT xác định đã hội đủ điều kiện để bị đơn phải hoàn trả lại tiền cho nguyên đơn theo biên bản ngày 4-3-2019. Như vậy có cơ sở để HĐTT chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn chuyển trả lại cho nguyên đơn toàn bộ số tiền của 3 máy ly tâm như các bên đã thống nhất trong biên bản ngày 4-3-2019.

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường chi phí lãi vay mà Thuận Phong phải chi trả trong khoảng thời gian từ lúc thanh toán cho Haus ngày 11-1-2017 đến khi khởi kiện ngày 16-7-2019 với mức là 4,2%/năm. Thực tế, trong biên bản ngày 4-3-2019, các bên đã thống nhất thỏa thuận nên HĐTT có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả lãi do chậm thanh toán.

Từ phân tích trên, HĐTT ra phán quyết buộc Công ty Haus phải chuyển trả lại cho Công ty Thuận Phong 221.730 euro. Về lãi suất, bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn, thời gian tính lãi bắt đầu từ ngày 21-6-2019 đến ngày mở phiên họp cuối cùng 25-8-2020 (431 ngày) với số tiền 10.996,59 euro. Sau 30 ngày kể từ ngày lập phán quyết, nếu chậm thanh toán, bị đơn phải trả thêm tiền lãi với mức 4,2%/năm.

Về phí trọng tài, nguyên đơn đã nộp toàn bộ nên bị đơn phải hoàn trả cho nguyên đơn số tiền 266,09 triệu đồng (9.903,43 euro). Nếu chậm thanh toán, bị đơn phải trả tiền lãi cho nguyên đơn với mức 10%/năm. Bị đơn có trách nhiệm thu hồi 3 máy ly tâm sau khi đã thanh toán các khoản tiền cho nguyên đơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang