Bóng đen “tín dụng đen” giăng lưới khắp nơi
Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”. Dẫu vậy, trên thực tế, diễn biến của hoạt động này qua công tác xét xử tội phạm trong thời gian qua tăng mạnh, xảy ra tại các tỉnh, thành phố lớn.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị Công an tỉnh đã điều tra làm rõ 9 vụ, với 33 bị can về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Điển hình, tháng 5-2020, Công an TP.Vĩnh Yên bắt Phùng Văn Chính (SN 1976, trú tại phường Hội Hợp), Giám đốc Công ty TNHH G88 Tân Á Châu (phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên) cùng đồng bọn liên quan đến việc cho vay lãi nặng.
Tiếp đó, tháng 6-2020, Công an TP Vĩnh Yên triệt phá thành công chuyên án, bắt khẩn cấp 5 đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, với lãi suất từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương với 144% đến 180%/năm tại cơ sở hỗ trợ tài chính Hoàng Phúc 3 (phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên) do Hoàng Đăng Dũng (SN 1987, ở phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên) làm chủ.
Cùng thời gian trên, Công an TP Phúc Yên bắt đối tượng Nguyễn Duy Hưng (SN 1991, trú tại phường Phúc Thắng, TP Phúc Yên) về hành vi cho vay lãi nặng núp bóng cửa hàng mua bán xe máy.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc triệt phá ổ nhóm cho vay nặng lãi
Tại tỉnh Hoà Bình, Công an tỉnh đã khởi tố 6 vụ với 6 bị can về tội cho vay nặng lãi, 1 vụ cưỡng đoạt tài sản, với 1 bị can (trong đó nguyên nhân là từ việc cho vay nặng lãi). Năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp cùng 3 huyện Tân Lạc, Yên Thủy và Kim Bôi phá 3 chuyên án, khởi tố 3 bị can.
Ngoài ra, trong năm 2019, Công an TP Hòa Bình còn xử lý hành chính 1 vụ với 1 trường hợp vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Số tiền thu lời bất chính khoảng 205 triệu đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, đã bắt giữ khởi tố 3 vụ với 3 đối tượng phạm tội cho vay nặng lãi, số tiền các đối tượng này thu lời bất chính khoảng 243.000.000 đồng...
Các đối tượng bị Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội bắt giữ về hành vi: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” cho vay lãi 180% năm
Quỷ kế của “Tín dụng đen” online
Trong khi “tín dụng đen” theo hình thức cho vay trực tiếp đang càn quét nhiều vùng quê chưa được kiểm soát hiệu quả, thì thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ đã nở rộ loại hình tín dụng đen mới - cho vay trực tuyến, qua mạng Internet.
Vay trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa
Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp người vay tiền sa bẫy “tín dụng đen”, rồi lãi cũ đẻ lãi mới, có khi đã trả gấp mấy lần số tiền đã vay mà vẫn không hết nợ. Bị các nhóm xã hội đen truy bức, đe dọa, khủng bố... Trường hợp của người nhà anh H ở quận 3, TP.Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình.
Cách đây không lâu, anh H nhận được cuộc điện thoại của một công ty tài chính chuyển lời đòi nợ đến một người thân của anh. Hỏi ra mới biết, hóa ra người thân của anh H trong lúc gặp khó khăn tài chính và ngại “mở lời” với người nhà nên đã vào mạng xã hội, click vào trang cho vay tiền để vay 7 triệu đồng trong thời gian 7 ngày. Tuy nhiên, số tiền người này thực nhận chỉ có 4,3 triệu đồng, còn lại là trả phí dịch vụ và lãi vay. Qua 7 ngày, người vay chưa trả được số tiền trên thì lập tức bị phạt tiền 400.000/ngày và chỉ trong một tuần, số tiền nợ đã lên đến hơn 10 triệu đồng.
Để tất toán khoản vay và lãi này, người này tiếp tục vay 20 triệu đồng ở những app cho vay khác, nhưng thực tế cũng bị áp dụng phí, lãi vay như trên. Dù vay 20 triệu, nhưng chỉ nhận được hơn 10 triệu đồng. Khi khoản nợ ngày càng lớn, khi không trả đúng hạn, các đối tượng này liên tục điện thoại, nhắn tin cho cả gia đình, người thân và bạn bè của người vay tiền nhằm gây áp lực trả nợ... Họ toàn canh vào giờ giữa trưa hoặc buổi tối để gọi điện khiến người nhà rất căng thẳng và khó chịu - anh H chia sẻ.
Mới đây nhất, tháng 4/2020, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất 1.095%/năm, với hơn 60.000 nạn nhân đã bị “sập bẫy”...
Cơ quan chức năng nói gì?
Nhận định về loại tội phạm này, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cho biết: Hoạt động “tín dụng đen” thường có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với tội phạm có tổ chức, các băng nhóm tội phạm thành lập các cơ sở, “chân rết” hoạt động trên địa bàn rộng khắp; trước đây tập trung nhiều tại các tỉnh, thành phố lớn, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, thì nay đã len lỏi đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, ven biển miền Trung.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng “tín dụng đen”, đòi nợ thuê hiện nay tương đối tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, để xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen bằng biện pháp pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những bất cập, vướng mắc của các văn bản pháp luật liên quan về dân sự, hành chính, hình sự. Trong đó, liên quan trực tiếp là quy định của Điều 201 Bộ luật hình sự còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến công tác xử lý tội phạm này chưa đạt hiệu quả cao.
Công an phối hợp với các đơn vị chức năng xóa các quảng cáo, tờ rơi liên quan đến “tín dụng đen”
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”, nhất là tội phạm “tín dụng đen” trên mạng trong thời gian tới, bên cạnh sự rốt ráo, quyết liệt, tăng cường thanh kiểm tra các tổ chức cho vay tín dụng của ngành chức năng là lực lượng Công an các địa phương, cần sự quyết liệt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các Bộ, ngành và sự tích cực, tham gia của người dân trong việc phát hiện, tố giác tội phạm.
Để ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen”, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, “tín dụng đen” là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương. Trong thời gian sắp tới, các cơ quan Công an sẽ đấu tranh mạnh, đặc biệt lực lượng Cảnh sát hình sự và Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Sau 1 năm thực hiện chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng chính phủ về Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", hàng ngàn ổ nhóm tín dụng đen, tổ chức cho vay nặng lãi đã bị đánh sập; tình trạng treo biển, phát, dán tờ rơi, quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng, tường, cây xanh, trên các website và mạng xã hội giảm rõ rệt...
Theo thống kê của Bộ Công an, từ 15/4/2019 đến 15/4/2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến tín dụng đen. Đã khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can; xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng...