Đi vào rốn lũ miền Trung

Chủ Nhật, 18/10/2020 23:31

|

(CATP) Ở những xóm nghèo bị nước nhấn chìm, vẫn còn đó rất nhiều phận đời lay lắt không biết ngày mai. Hàng vạn hộ dân miền Trung đang phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, vì “cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên” đã cuốn đi tất cả mọi thứ! Phóng viên Báo Công an TPHCM đã có mặt tại những điểm nóng nằm trong vùng rốn lũ trực thuộc 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, để có ghi nhận chân thực nhất về tình cảnh của bà con những nơi này.

CHẠY LŨ

Chỉ một trận lũ, tất cả những gì mà bà con bao năm dãi dầu nắng mưa tích cóp được, bỗng chốc bị cuốn… sạch sành sanh! Kẻ mất nhà, người mất chồng và sẽ còn nhiều hơn thế những tai ương đang chực chờ người dân phía trước. Nước lên, dân miền Trung chạy lũ. Nước rút, họ lại phải thất thểu chạy từng miếng ăn…

“Xóm cô lập”

Quảng Trị sáng 16-10, những trận mưa kéo dài không ngớt! TP.Đông Hà là địa điểm phóng viên Báo Công an TPHCM tập kết để theo chân đoàn cứu trợ của Trung tâm An ninh Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (gọi tắt là TTAN) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị.

Cột đo mực nước bằng bê tông, bị trận lũ “tấn công” đến nỗi xiên vẹo

Đoàn mang 500 triệu đồng quyên góp được từ TPHCM, trực tiếp trao gửi cho những bà con ở vùng xung yếu nhất của tỉnh Quảng Trị trong đợt lũ này, và một phần là hỗ trợ cho lực lượng chức năng đang trực chiến ứng cứu người dân.

Trong hôm nay, chúng tôi sẽ cố gắng len sâu nhất có thể vào vùng rốn lũ, giúp đỡ bà con chịu thiệt hại. Do ảnh hưởng của liên tiếp nhiều đợt áp thấp nhiệt đới nên tỉnh Quảng Trị hứng lấy một lượng mưa khủng khiếp. Nước cứ thế trút xuống không thương tiếc những mái nhà vốn đã trơ trọi vì… nghèo!

Đi vào những vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong lũ dữ, chúng tôi mới cảm thấu hết nỗi cơ cực của người miền Trung

Tại những vùng đất cao thuộc trung tâm thị xã, nước ngập lênh láng! Như bên trong UBND P3 (TX.Quảng Trị), dù nằm ở khu vực đất cao ráo nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy được vạch nước đã leo lên đến gần nửa căn phòng của ông Bùi Văn Thú (Phó chủ tịch UBND phường), sau khi cơn lũ vừa rút đi.

Ngoài mớ giấy tờ được kê lên vị trí cao hơn để tránh lũ, thì những chiếc xuồng máy nằm chỏng chơ ở góc sân là hình ảnh dễ đập vào mắt nhất. Vậy mới thấy, dù mới đổ về chỉ vài ngày thôi, cũng đủ để cơn lũ mang đến những thiệt hại không tưởng cho người dân thành cổ.

Một cụ già leo lên tầng 2 ngôi nhà tránh lũ

Chuyến xe của chúng tôi thấp thỏm băng qua cơn mưa nặng hạt, tiến vào tuyến đường DT64 của huyện Hải Lăng – địa bàn được ghi nhận đang chịu ảnh hưởng lớn nhất của tỉnh Quảng Trị trong đợt mưa lũ hiện tại. Dọc 2 bên đường là một trời biển nước mênh mông, trắng xóa!

Từng đợt sóng từ 2 bên cánh đồng thay phiên nhau bổ về phía tuyến đường độc đạo. Có vẻ như dòng nước đang sắp sửa “ngoạm” lấy con đường!

“Mực nước đã lên mức 40 (tức cao hơn mặt đường 40cm) rồi. Còn mưa thì không có dấu hiệu dừng lại. Giờ không vô trong làng được bằng xe mô (đâu – từ địa phương). Phải đi xuồng máy thôi” – anh Lộc, một người dân địa phương, giọng âu lo chỉ tay về phía cột đo mực nước bằng bê tông bị trận lũ “tấn công” đến nỗi xiên vẹo, ngã nghiêng.

Tuyến đường DT64 của huyện Hải Lăng bị nước lũ cô lập

Phía xa, những mái nhà đang “hụp lặn” giữa dòng chảy xiết! Hơn mười ngày nay, các thôn xóm miền quê đã bị bao vây, bị nhấn chìm bởi nước và… nước! Người xứ này gọi đó là “xóm cô lập” - một cách “nói vui” cho cái khổ mà bao năm nay họ luôn gồng mình gánh chịu như lẽ thường tình.

Nhưng nếu chưa trực tiếp đến để cảm nhận, thì mấy ai hiểu được nỗi khổ ấy chua xót và bất công đến nhường nào với những người dân quê lam lũ?

Cuốn sạch, mất sạch!

Thôn Trung Đơn, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng là địa bànbị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Quảng Trị trong đợt lũ này. Chính quyền xã báo tin, 100% hộ dân ở đây bị nước bao vây, có nơi ngập cả nóc nhà chỉ sau một ngày lũ kéo về. Hơn một tuần bị cô lập, lương thực bà con trong từng thôn xóm bị cạn kiệt vì không kịp dự trữ.

Diễn tiến của trận lũ năm nay quá bất ngờ, đến nỗi ngay cả người có kinh nghiệm nhất cũng không thể lường tới. Và câu chuyện về lương thực vẫn là cấp bách nhất, được bà con ưu tiên số một lúc này, vì với họ, những thứ đã bị dòng lũ vô tình cuốn đi, giờ có tiếc cũng không thể làm gì hơn!

Xã Hải Thành, huyện Hải Lăng chìm trong mênh mông biển nước

Nhưng có lẽ, cái “mặc kệ” đó đã minh chứng cho một nghị lực quá đỗi phi thường, làm nên “thương hiệu” đặc trưng của người miền Trung! Trên một mảnh đất khô cằn sỏi đá, để tích cóp được số tài sản giá trị nào đó thì bà con phải bao năm dãi dầu nắng mưa bằng sự bền bỉ và chất phát. Giờ bị cuốn sạch, mất sạch tành quả lao động chân chính ấy thì nỗi niềm nào tả hết?

Nhà anh Lý Thành Đạo (47 tuổi, thôn Trung Đơn, xã Hải Thành) bao năm nay chỉ có một “cần câu cơm” duy nhất là trồng lúa. Làm nông nên anh thừa kinh nghiệm gieo – gặt đúng thời điểm để tránh lũ. Vậy mà năm nay, người tính không bằng…

Nhu yếu phẩm được vận chuyển đến tận tay người dân

Trời tính! Gom cả vụ, anh Đạo thu được 2 tấn lúa để bán dần trước mùa Đông. Ai ngờ, chỉ một đêm, tất cả công sức của gia đình anh đã bị trôi theo dòng nước đục. Thế là trắng tay!

Theo thống kê sơ bộ của của UBND tỉnh QuảngTrị, đợt lũ từ đầu tháng 10 đến nay đã làm cho hơn 50 nghìn hộ dân ngập nước dài ngày. Có tổng cộng 16 dân thường bị thiệt mạng do thiên tai, 5 người mất tích (chưa tính đến vụ 22 cán bộ chiến sỹ của Sư đoàn 337 – Bộ Quốc phòng bị mất tích và hy sinh do lở núi ở huyện Hướng Hóa), hàng nghìn héc ta hoa màu, trại chăn nuôi gia súc bị thiệt hại nặng nề.

Sau huyện Hải Lăng, Cam Lộ cũng là địa phương chịu thiệt hại rất lớn trong những ngày cơn lũ từ đầu nguồn đổ bộ xuống miền xuôi. Trường hợp trớ trêu nhất mà chúng tôi nhận được từ Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị là của ông Trần Văn Tân (ngụ thôn Tân Định, xã Tân Thành, huyện Cam Lộ).

Tích cóp cả ngần ấy năm, ông Tân mới có trong tay một đàn bò 60 con khỏe mạnh, dự định đợi đến giáp Tết sẽ bán kiếm đồng lời. Nhưng phũ phàng thay, cơn lũ đã cuốn hết tất cả khối gia tài của người nông dân tội nghiệp đi theo sự giận giữ của nó.

Nhìn clip người dân quay được cảnh đàn bò nhà ông Tân đuối nước trôi theo dòng lũ, ai cũng cảm thấy quá xót xa. Mất sạch sành sanh!

Tiếng kêu cứu trong đêm

Chúng tôi cuối cùng cũng không thể tiếp cận được với bà con vùng rốn lũ ngay trong ngày như dự tính, do nước lũ đang đổ về với lưu lượng rất lớn. Sẽ là quá mạo hiểm nếu di chuyển bằng phương tiện đường bộ để vào các làng bên trong.

Trên xe, đài radio báo tin trong 5 ngày tới, lượng mưa từ phía Nam tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị sẽ nằm trong trọng tâm, với tổng lượng mưa từ 400 đến 700mm, có nơi trên 800 mm.

Các đoàn cứu trợ từ khắp mọi miền không thể tiếp cận người dân vùng xung yếu do nước ngập mênh mông

Mưa dày, lẽ đương nhiên sẽ làm mực nước các con sông dâng cao. Và dự báo từ chiều đến tối nay, mực nước của sống Thạch Hãn (đoạn đi qua Quảng Trị) sẽ vượt báo động 3 nửa mét.

Chắc chắn là một đêm mất ngủ vì trông ngóng! Quả đúng như dự báo, chỉ đến 10 giờ tối, tiếng còi hụ xe cứu nạn đã thay phiên nhau vang lên không ngớt ở TP.Đông Hà - nơi chúng tôi đang tạm trú.

Trên mạng xã hội, những tiếng kêu cứu khẩn thiết hiện lên ở khắp nơi, từ Đông Hà, TX. Quảng Trị, Triệu Phong đến Hải Lăng. Nước dữ đang tràn về quá nhanh.

Nước lũ đã ngăn bước tiến của nhiều mạnh thường quân

Cũng rất may, nhờ sự phản ứng kịp thời và có trách nhiệm của các lượng lượng như công an, chính quyền địa phương… và tuyệt vời nhất là tinh thần tương thân tương ái trong hoạn nạn của người dân mà hầu hết những trường hợp nguy cấp đều được giải quyết thành công!

Đơn cử như ở thôn Trung Đơn, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, có cụ bà Lý Thị Tẻo (76 tuổi) bị mù lòa, lại sống trong cảnh neo đơn. Khuya 16-10, nước dâng lên không kịp kiểm soát, bà Tẻo quyết ở lại căn nhà tranh đã xuống cấp, cầu cho qua cơn hoạn nạn. Thế nhưng, dòng lũ dữ chẳng cho ai một cơ hội.

Chỉ trong vài giờ đồng hồ, nước dâng lên đến gần đụng trần nhà. Biết nguy hiểm cận kề, bà Tẻo thò đầu ra ngoài, kêu cứu đến khản giọng. Rất may, trong thời khắc sinh tử, cụ bà đã được lực lượng trực chiến phòng chống lũ lụt của chính quyền địa phương và lực lượng công an phát hiện khi đang tuần tra bằng xuồng máy. Các anh đã phối hợp cùng người dân xung quanh, ẵm cụ bà “chạy” qua khỏi tai ương.

Nước dâng cao làm ngập hơn nửa bức tường các phòng làm việc của chính quyền địa phương vùng rốn lũ

Về vùng rốn lũ, chúng tôi mới thấy hết những giọt nước mắt đau thương. Người miền Trung quanh năm chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, có thể đã quá quen với sự “trái tánh của ông Trời”.

Nhưng khi cơn lũ qua đi, họ dường như kiệt quệ! Lũ đến, người miền Trung hớt hải chạy lũ. Lũ rút rồi, họ lại nơm nớp về tương lai… Không lo sao được, khi ngày mai và ngày sau nữa, sẽ lấy gì để sửa lại mái nhà và lấy gì để có được một bữa no vì tất cả đã bị tàn phá?

Đường DT64 bị lũ cô lập, không thể qua

Dòng suy nghĩ lúc 2 giờ sáng của chúng tôi bị gián đoạn bởi một cuộc gọi. “Ngày mai sẽ phải đi sớm! Chúng ta phải phối hợp chặt với các đơn vị địa phương, để bằng mọi cách có phương án tiếp cận vùng rốn lũ an toàn, giúp đỡ bà con hiệu quả nhất" - anh Lý Tuấn Anh, trưởng đoàn cứu trợ quyết tâm.

Chúng tôi cũng chỉ chờ có thế…

(Còn tiếp…)

Báo Công an TPHCM kêu gọi hướng về đồng bào miền Trung
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang