Phóng sự điều tra: Giải thoát khỏi “nanh vuốt tín dụng đen" (kỳ cuối)

Thứ Sáu, 09/10/2020 10:22

|

(CATP) Khi bọn tội phạm cho vay nặng lãi bị bắt giữ, chúng tôi hiểu rằng “mảnh ghép” then chốt nhất giúp cho vụ án này được khám phá thành công chính nhờ sự chung tay, tiếp sức giữa báo chí và cơ quan công an trong cuộc chiến chống tội phạm, vì mục tiêu duy nhất: mang lại bình yên cho người dân.

MẢNH GHÉP CUỐI CÙNG

Sơ đồ phạm pháp

6 đối tượng bị bắt quả tang tại hiện trường, gồm: Lê Văn Quang (SN 1984, quê Nam Định), Vũ Ngọc Giang (Khánh, SN 1994, quê Nam Định), Nguyễn Hữu Hiệp (SN 1987, quê Hà Nội), Phạm Văn Thế (SN 1981, quê Nam Định), Nguyễn Văn Minh (SN 1992, quê An Giang) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1997, quê Hà Nội).

Cùng thời điểm, lần lượt các địa chỉ cư ngụ của băng này cũng bị nhiều mũi trinh sát khác tiến hành khám xét (trong trường hợp khẩn cấp đối với người phạm tội bị bắt quả tang). Nhiều tài liệu quan trọng thể hiện hoạt động cho vay nặng lãi cũng được tìm thấy.

Theo lời khai bước đầu, ngoài vụ việc 2 nạn nhân đến Báo Công an TPHCM tố cáo thì Khánh - Quang còn thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi với hàng chục con nợ ở khắp các quận, huyện trên địa bàn TPHCM và cả tỉnh Long An, với số tiền thu lợi bất chính rất lớn.

Nhà báo và công an hợp sức chống “tín dụng đen

Nói đến kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tố tụng đối với tội danh này, như chúng tôi đã đề cập trong các số báo trước, cách đây 2 năm, từ nguồn tin và sự giúp sức đắc lực của phóng viên Báo Công an TPHCM, Công an Q.Tân Phú cũng đã xác lập chuyên án và sau đó khám phá, khởi tố đúng tội danh nhiều đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi.

Vụ án khi đó được Ban giám đốc Công an TPHCM đánh giá là vụ mang tính điển hình trên địa bàn TPHCM đạt được thành công nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa báo chí và cơ quan công an.

Không lâu sau, Công an Q.Tân Phú được nhiều đơn vị tìm đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác điều tra liên quan đến tội danh “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, để liên tiếp sau đó Công an TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã làm tố tụng rất “chắc tay” khi xử lý được các băng “tín dụng đen”. Và nay là “bước ngoặt” mang tên Công an Q.Bình Thạnh.

Phong trào chống “tín dụng đen” được công an cả nước xác lập nhiều chiến công để bảo vệ vững chắc an ninh trật tự, bình yên cho người dân. Hợp sức còn có những phóng viên dám dấn thân vào các đường dây nguy hiểm để quyết tâm tìm ra chứng cứ đắc giá, phối hợp với cơ quan công an lên phương án triệt xóa dứt điểm những “ung nhọt” gây nhức nhối xã hội.

Sau đó là những bài viết phơi bày từng hành vi, thủ đoạn manh động của các đối tượng hành nghề bất lương để người dân cảnh giác. Tất cả đều là tiếng chuông mạnh mẽ góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, khiến các đối tượng hành nghề phi pháp sợ hãi mà chùn chân.

Nhưng “điểm nhấn” vẫn là thông tin về tên Dũng “Nam Định” mà điều tra viên khai thác được từ Khánh sau nhiều giờ đấu trí căng thẳng. Theo đó, thời điểm mới vào TPHCM “kiếm cơm”, Khánh được Dũng “Nam Định” (tên thật là Bùi Tiến Dũng, SN 1985, quê Nam Định) nhận về ở tại tiệm cầm đồ Dũng Hải Phát 3 (đường Lê Quang Định, P14, Q.Bình Thạnh). Khi đó, Khánh được Dũng giao trông coi hoạt động của tiệm cầm đồ này, đồng thời giúp sức “đàn anh” trong hoạt động cho vay, đòi nợ thuê.

Được một thời gian, thấy mảng cho vay “tín dụng đen” mang lại lợi nhuận “khủng”, Khánh bắt đầu tách ra kiếm mối làm riêng, nhưng vẫn giữ quan hệ mật thiết với Dũng và qua lại thường xuyên tiệm cầm đồ Dũng Hải Phát 3.

Cho đến nay, Khánh vẫn lấy “vốn” của Dũng “Nam Định” để cho một số con nợ vay với mức lãi suất cao. Đơn cử là chị H. (ngụ đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) được Khánh cho vay 50 triệu đồng (thực nhận chỉ 46 triệu đồng) với hình thức góp trong vòng 30 ngày, mỗi ngày 2 triệu đồng (mức lãi suất tương đương 30,4%/tháng).

Còn Quang tiết lộ có mối quan hệ với Dũng “Nam Định” nhờ Khánh và một “người anh” giới thiệu. Quang biết Dũng hành nghề cho vay và đi đòi nợ thuê nhiều phi vụ tiền tỷ. Y có tới cửa hiệu cầm đồ Dũng Hải Phát 3 giao lưu một hai lần và mọi việc chỉ dừng ở đó.

Từ những lời khai này, cộng với những tài liệu đã thu thập trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh kiểm tra tiệm cầm đồ Dũng Hải Phát 3 và triệu tập Dũng “Nam Định” về trụ sở làm rõ.

Đối tượng Bùi Tiến Dũng (Dũng "Nam Định") tại cơ quan công an 

Sau 9 ngày điều tra, Công an Q.Bình thạnh xác định, Quang và Giang có vai trò chính, liên kết với nhau cho chị Trần Thị Mai vay nhiều gói nợ, với mức lãi suất từ 20% - 45%/tháng. Tại thời điểm bị bắt quả tang, cả hai thu lợi bất chính từ nạn nhân hơn 30 triệu đồng.

Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh có đầy đủ cơ sở ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Quyết định khởi tố được Viện kiểm sát nhân dân đồng cấp phê chuẩn. Riêng vai trò của Dũng “Nam Định” và các đối tượng còn lại sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục củng cố, làm rõ.

Đòn chí mạng

Theo thống kê từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh, tính đến nay, đây là vụ án “tín dụng đen” đầu tiên được đơn vị khởi tố thành công, đúng tội danh “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” trên địa bàn.

“Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban chỉ huy Công an Q.Bình Thạnh và được sự hỗ trợ tích cực của anh em phóng viên Báo Công an TPHCM mà chúng tôi hoàn thành tốt công việc được giao. Đây có thể xem là bước ngoặt để cơ quan điều tra Công an quận tiếp tục ngăn chặn hậu quả từ hệ lụy của bọn tội phạm này”- một điều tra viên nói.

Bọn cho vay nặng lãi lâu nay hoạt động bất chất cũng có nguyên do. Các cơ quan tố tụng trước đây dường như không thể củng cố, xử lý đúng tội danh “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” vì nhiều yếu tố khách quan, trong đó vướng mắc nhất vẫn là rào cản vô hình từ quy định của luật pháp vì lằn ranh giữa hình sự và dân sự rất mong manh. Cũng vì thế mà các vụ án mang tính chất băng nhóm côn đồ như vậy thường hay bị xử lý tội danh “cưỡng đoạt tài sản” hoặc “hủy hoại tài sản”.

Đối tượng Lê Văn Quang và Vũ Ngọc Giang (từ trái sang phải) tại cơ quan điều tra 

Còn xét về điều tra, để khởi tố thành công một vụ cho vay nặng lãi, công an phải làm rõ được quá trình vay nợ, trong đó có số tiền gốc và tiền lãi (mức lãi suất của các gói vay lãi phải từ 8,33%/tháng trở lên). Dựa trên cơ sở đó mới tính ra được số tiền mà các đối tượng cho vay thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên (khi đã trừ đi mức lãi suất hợp pháp mà Ngân hàng Nhà nước quy định là 1,66%/tháng).

Các đối khác bị bắt quả tang tại hiện trường 

Tuy nhiên, cụ thể hóa được những yếu tố này vô cùng khó khăn vì quá trình vay giữa chủ nợ và con nợ thường không được thể hiện trên hồ sơ, giấy tờ; đồng thời quá trình trả nợ, đóng lãi cũng không để lại bằng chứng gì, dẫn đến rất khó truy xét.

Do vậy, muốn chứng minh toàn bộ quá trình giao dịch giữa hai bên là dân sự hay hình sự, đòi hỏi cơ quan điều tra phải áp dụng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ và bắt buộc phải có tính toán chuẩn xác dựa trên cơ sở khoa học. Vả lại, hầu hết người đi vay nợ không dám trình báo, không dám hợp tác với công an (do lo sợ bị trả thù), đó là rào cản rất lớn khiến lực lượng chức năng không thể vào cuộc ngay từ đầu để chứng minh hành vi trên.

Phải thừa nhận, hoạt động “tín dụng đen” hiện đã có những biến tướng khó lường với thủ đoạn tinh vi, lọc lõi. Các đường dây này tuyển dụng cả những “quân sư” là “chuyên gia” về pháp luật, sẵn sàng hướng dẫn tường tận cách thức “lách luật” để các đối tượng cho vay nặng lãi biết cách “né” trách nhiệm hình sự trong các phi vụ.

Tuy nhiên, những tiến bộ đáng kể trong công tác tố tụng với tội danh này đã khiến các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” phải giật mình, vì rằng hành vi của chúng có thể bị công an xử lý bất cứ lúc nào!

Bó hoa tri ân

Vài ngày sau khi được giải thoát khỏi nanh vuốt của bọn “tín dụng đen”, chị Trần Thị Mai và chồng đã có mặt tại trụ sở Báo Công an TPHCM. Lần này, chị xuất hiện với bó hoa trên tay. Đây là tấm lòng chị dành cho Ban biên tập và nhóm phóng viên tham gia thực hiện đề tài này, để bày tỏ sự tri ân những người đã giúp gia đình chị vượt qua bóng tối.

Chị Mai tặng bó hoa tri ân Báo Công an TPHCM (Thượng tá Bùi Anh Tấn - Phó tổng biên tập đại diện nhận)

Hạnh phúc ngày hôm nay của người trong cuộc như chị Mai được “vớt” lại sau những ngày sống trong nước mắt! Có hàng chục nạn nhân nếu không có sự vào cuộc của Công an Q.Bình Thạnh, thì chuyện mất nhà chỉ là… thời gian đếm ngược. Đơn cử như anh Tr. (chủ một Spa trên đường Phan Huy Ích, Q12), chỉ còn vài ngày nữa thôi, nếu không có đủ tiền thì sẽ bị nhóm của Quang - Khánh ép phải “ký giấy bán nhà”. Có tận mắt xem được những tin nhắn bàn bạc “cướp nhà” người khác của Khánh và Quang, chúng ta mới lột tả hết được sự dã tâm của chúng.

Những tin nhắn bàn bạc “cướp nhà” người khác của Khánh và Quang

Chị Mai cũng đến Công an Q.Bình Thạnh để nói lời tri ân! Nhưng tiếc là các trinh sát, điều tra viên không có ở đơn vị vì bận tham gia một chuyên án khác. “Đó là trách nhiệm mà chúng tôi phải làm. Chỉ mong vụ án sẽ là bài học giúp bà con mình tỉnh táo hơn với tội phạm “tín dụng đen”. Được vậy thì công việc của anh em công an cũng đỡ cực, mà dân mình cũng được bình yên” – lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng chất chứa nhiều trăn trở một đồng chí trong Ban chỉ huy Công an quận dành cho nạn nhân.

Anh biết rằng, để có được thành công trong vụ án này, các cấp dưới của anh đã phải mất ngủ nhiều ngày. Và mấy ai biết được cảm giác của một trinh sát khi phải gồng mình với nỗi lo mẹ bị ung thư để toàn tâm cho công tác điều tra, đánh án. Đó có lẽ là những câu chuyện khó thể nói hết bằng lời…

Bình luận (0)

Lên đầu trang