Phóng sự điều tra: Giải thoát khỏi “nanh vuốt tín dụng đen" (kỳ 3)

Thứ Ba, 06/10/2020 17:43

|

(CATP) Tất cả những gì đã diễn ra, đều không thể cụ thể hoá bằng chứng cứ mà chỉ là tiếng nói một chiều yếu ớt, được cất lên trong cơn hoản loạn từ phía nạn nhân. Chúng tôi biết rõ, muốn thu thập được tài liệu chứng minh hành vi cho vay nặng lãi của các băng nhóm này là rất khó…

THÁO NÚT THẮT

Buổi sáng trung tuần tháng 7/2020, bên trong khuôn viên Báo Công an TPHCM, nắng sớm len qua tán me già, sưởi ấm một góc thềm đã bám rêu sau đợt mưa dai dẳng. Phía trước cổng, có mấy người phụ nữ trong điệu bộ rụt rè, lấp ló. “Cho chúng tôi hỏi phòng tiếp bạn đọc ở đâu?” – một người trong số họ cất giọng.

Chứng cứ bằng… 0!

Ra là người quen! Chị Hồ Ngọc Minh Hồng là một nhân vật nằm trong loạt bài phóng sự điều tra Vào hang ổ “tín dụng đen” mà Báo Công an TPHCM đã thực hiện vào tháng 4/2018. Trường hợp của chị Hồng cách đây 2 năm, là ví dụ điển hình nói lên hệ luỵ nhãn tiền cho bất kỳ ai, khi dính vào bọn cho vay nặng lãi.

Sau khi được Ban biên tập chỉ đạo phóng viên vào cuộc xác minh, rồi chuyển tiếp hồ sơ cho Công an Q.Tân Phú và tiếp tục phối hợp giúp sức với đơn vị này bóc gỡ một băng nhóm hoạt động phạm tội theo hướng xã hội đen, chị Hồng cùng gia đình mới được giải thoát.

Nạn nhân Mai kể lại cho phóng viên Báo Công an TPHCM nghe cơn ác mộng xảy đến với chị khi trót dính vào bọn cho vay

Vụ án đã gieo lên hồi chuông cảnh báo chấn động dư luận cả nước về nạn cho vay nặng lãi và khi ấy, được Thiếu tướng Phan Anh Minh (nguyên Phó giám đốc Công an TPHCM) đánh giá là bài học quý báu trong công tác tố tụng hình sự, khi lần đầu tiên trên địa bàn TP, có một chuyên án được khởi tố túng tội danh “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa báo chí và công an.

Hôm nay, chị Hồng quay lại nơi đã từng giúp chị thoát khỏi vòng bi kịch, nhưng với vai trò khác: Làm cầu nối giúp các con nợ gửi lời cầu cứu, mong thoát khỏi vòng truy bức. Gặp thượng tá Bùi Anh Tấn (Phó tổng biên tập Báo Công an TPHCM) và nhóm phóng viên lúc này là chị Trần Thị Mai và chị Trương Ngọc Diễm, họ tường thuật lại chi tiết những gì đã xảy đến khi trót dính vào những món nợ không có đường ra. 3 giờ đồng hồ trôi qua, chúng tôi vẫn chưa thể hình dung hết những tình tiết, những khoản vay – trả theo trình bày của các bạn đọc, bởi đó là những con số quá chằng chịt và phức tạp.

Chị Mai bị Quang (trên) và Khánh (dưới) kéo đến uy hiếp khi đang lẩn trốn tại Q.Bình Thạnh (ảnh cắt từ clip điều tra)

Thượng tá Bùi Anh Tấn xin được cắt lời, hỏi nhóm phóng viên: “Khái quát nãy giờ, chúng ta có được gì trong tay?”. “Bằng… 0! Thưa anh!” – một phóng viên trả lời không do dự, bởi dù lời kể của nạn nhân có đúng toàn bộ thì tới thời điểm hiện tại, họ cũng không có cơ sở thể chứng minh được thông tin đang cung cấp là sự thật.

Tất cả những gì đã diễn ra trước đó, đều không thể cụ thể hoá bằng chứng cứ mà chỉ là tiếng nói một chiều yếu ớt, được cất lên trong cơn hoản loạn từ phía nạn nhân.

Lần ra manh mối

Không biết bằng cách nào, Khánh lại biết nơi chị Mai đang trốn tại Q.Bình Thạnh (!). Chiều 25/8/2020, trong lúc đang lén lút gặp con gái tại một quán cà phê trên đường Võ Oanh (P25, Q.Bình Thạnh), chị Mai giật bắn mình khi phát hiện ra Khánh từ sau lưng tiến tới, gương mặt hằn lên giận dữ. “Chết rồi Thanh (tên nhân vật là con chị Mai – đã được thay đổi) ơi! Giờ làm sao?” – chị Mai hốt hoảng, quay mặt qua phía đứa con gái cũng đang tâm trạng… hoảng hốt!

Tiếp tục là những màn uy hiếp từ Khánh. “Phải trả 47,5 triệu. Một tuần nữa phải có tiền. Không nói nhiều!” – Khánh chốt hạ. Thông tin mới nhất về con nợ tức khắc được Khánh “bắn” đi cho Quang. Ngay trong buổi tối cùng ngày, Quang đã “mò” tới.

Lần này, gã giở chiêu mới, lấy điện thoại ra gọi cho một “đàn anh”, giới thiệu đây là chủ một tiệm cầm đồ lớn tại đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh để đối tượng này chửi bới, hăm doạ rằng “nếu không trả nợ sẽ no đòn”.

Các giấy tờ vay nợ được phóng viên Báo Công an TPHCM lên phương án củng cố lại nhằm chứng minh được mức lãi suất “cắt cổ”, sau khi tiếp nhận thông tin cung cấp từ nạn nhân

Cho đến thời điểm này, số nợ với lãi suất ngất ngưỡng mà Quang đưa ra là 119 triệu đồng. Chị Mai có vẻ bị “thấm đòn”, chỉ biết gật rồi… gật! 2 mẹ con co mình chịu trận, mắt nhìn nhau. Bất lực!

Đương nhiên, những cuộc gặp này đã được nhóm phóng viên bí mật ghi nhận. Để mọi việc diễn ra khách quan nhất, chúng tôi đã giữ bí mật toàn bộ quá trình tác nghiệp và đúng như dự đoán, với thủ đoạn tinh vi mà chúng tôi đã được nghe các con nợ nói về 2 đối tượng Khánh – Quang, thì không loại trừ khả năng chúng sẽ tiếp tục tìm ra được nơi con nợ đang trốn để truy bức.

Cho vay nặng lãi vốn đã là một hành vi rất khó để chứng minh. Để xác định hành vi này là hình sự hay dân sự, rõ ràng không hề đơn giản! Đó là cả một cơ sở phải dựa trên tính toán khoa học và hiển nhiên, chứng cứ phải thuyết phục!

Đạt được những yêu cầu trên, mới giữ được an toàn cho phóng viên và toà soạn nếu quyết định đăng bài phản ánh; còn nếu lựa chọn phương án phối hợp với cơ quan công an để triệt phá thì những tài liệu nêu trên cũng là cơ sở điều tra cơ bản rất chắc chắn, giúp sức cho lực lượng chức năng ở bước đầu trước khi phá án.

Chị Mai liên tục nhận được các cuộc gọi truy bức, hăm dọa đến từ Quang và Khánh 

Do vậy, toàn bộ các cuộc gặp giữa nạn nhân và 2 đối tượng này, đã được nhóm tác nghiệp cụ thể hoá bằng những thước phim. Suốt một tháng ròng, mức lãi suất phi pháp của của từng gói vay được “nạp” vào những góc máy bí mật của chúng tôi. Tiếp sau, những chứng cứ về hành vi khủng bố gia đình các nạn nhân, cũng được thu thập đầy đủ.

Cuối cùng, các giấy vay nợ của các con nợ được thống kê lại tỉ mỉ để chắc chắn rằng mức lãi suất trên giấy tờ của từng gói nợ trùng khớp với các đoạn clip đã được quay lại trước đó.

Kết quả cho thấy, mức lãi mà Quang và Khánh áp cho các nạn nhân giao động từ 20% đến 45%/tháng (vượt mức lãi suất mà quy định pháp luật cho phép - không được quá 8,33%/tháng); còn mức thu lợi bất chính (lãi suất thực tế mà đối tượng áp cho con nợ khi đã trừ đi mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định là 1,68%/tháng) thì cũng đã vượt quá 30 triệu đồng.

Những yếu tố này thể hiện, hành vi của chúng có dấu hiệu phạm pháp hình sự và thông tin cung cấp từ các nạn nhân là chính xác. Các nút thắt xem như từng bước được gỡ bỏ dần. Nhưng với những gì đã ghi nhận được thì chúng tôi vẫn còn những hoài nghi?

Phác hoạ một “liên minh”

Theo điều tra của phóng viên Báo Công an TPHCM, Quang có tên thật là Lê Văn Quang (SN 1984); còn tên thật của Khánh là Vũ Ngọc Giang (SN 1994). Cả 2 đối tượng này đều có quê tại xã Nam Hoa, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Quang và Khánh có quan hệ họ hàng với nhau, cùng khăn gói vào TPHCM với một mục tiêu duy nhất: Làm giàu nhanh nhất có thể!

Từ tiết lộ của Quang và Khánh với nạn nhân Mai, rằng 2 tên này đang làm việc cho một “công ty tài chính” nằm trên đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh (như đã nêu), nhóm phóng viên đã đi sâu vào xác minh hoạt động của ổ nhóm này. Tài liệu sau quá trình thâm nhập của chúng tôi cho thấy, địa chỉ nêu trên có tên “Cầm đồ Dũng Hải Phát”, do Bùi Tiến Dũng (biệt danh Dũng “Nam Định”, SN 1985, quê Nam Định) đứng tên pháp lý.

Tại đây có nhiều đối tượng xăm trổ, trong đó cả Khánh và Quang cũng thường xuyên lui tới, hoạt động rất phức tạp. Dũng “Nam Định” tổ chức cho đàn em cầm xe không chính chủ (sai quy định) và hoạt động cho vay dưới vỏ bọc hỗ trợ tài chính, đáo hạn ngân hàng… được đăng ký kinh doanh hẳn hoi.

Chân dung Dũng “Nam Định” (ảnh cắt từ clip điều tra) 

Ngoài điểm hoạt động cho vay trá hình tại Q.Bình Thạnh thì Dũng “Nam Định” còn chung chạ với nhiều dân “anh – chị” khác, thành lập hệ thống 9 cửa hiệu cầm đồ, cộng thêm công ty thu hồi nợ, công ty bất động sản và văn phòng luật… trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Trong đó, TPHCM có tới 4 điểm, hoạt động tải rác trên các địa bàn quận: Bình Thạnh, Tân Bình, quận Gò Vấp và Bình Chánh.

Tiệm cầm đồ của Dũng "Nam Định" tại 119 Lê Quang Định

Sự tồn tại của nhóm này quả là rất phức tạp! Chúng có mạng lưới liên kết rất chằng chịt. Điều rất trùng khớp là khi đi sâu vào xác minh, chúng tôi biết được những mối quan hệ của Dũng “Nam Định” có liên quan với một mạng lưới “tín dụng đen” thuộc cánh Hà Đông (Hà Nội) của các đối tượng như Long “râu”, Đ.T.D, T.K.D…

Băng này từng nằm trong chuyên án 118C mà trước đó vào tháng đầu năm 2018, Công an Q.Tân Phú đã xác lập, triệt phá thành công (sau khi nhận được thông tin, tài liệu cung cấp từ Báo Công an TPHCM). Tuy nhiên, 2 năm sau, chúng vẫn tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, hoạt động trở lại.

Sơ đồ các đối tượng từng nằm trong chuyên án 118C đã bị Công an Q.Tân Phú triệt phá vào tháng 4/2018 (sau khi nhận được nguồn tin cung cấp từ Báo Công an TPHCM). Băng này có quan hệ rất mật thiết với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” gốc Nam Định 

Những con nợ khi đã mượn nợ, đều phải chung cảnh đi… trốn nợ! Dẫu biết luật đời có vay có trả. Nhưng trên thực chất, chị Mai và chị Diễm đến thời điểm hiện tại đã trả rất nhiều gói nợ cả gốc lẫn lãi.

Vậy mà chẳng hiểu bằng “bùa phép” gì, mà các món nợ cứ thể nhân lên theo thời gian, khiến cho những người đàn bà có cuộc sống vốn đã bức bách, nay bị đẩy đến bước đường cùng! Điều đó chứng tỏ, họ tìm đến Báo Công an TPHCM không phải với động cơ “chạy nợ” mà là mong được cứu thoát sự đe doạ, truy bức, tìm lại cuộc sống bình yên.

Muốn được như thế, chỉ dựa trên tiếng nói khách quan của báo chí không thôi thì dường như chưa đủ, mà cần phải có sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền khác. Có vậy, mới không “rung chuông cho tội phạm chạy” và vụ án mới có thể kết thúc triệt để nhất. Đến đây, chúng tôi hiểu cần phải làm gì tiếp theo để bảo vệ tuyệt đối các nạn nhân…

Còn tiếp…

Bình luận (0)

Lên đầu trang