Phá đường dây làm giả giấy tờ, đưa người xuất cảnh trái phép sang Úc

Thứ Ba, 29/09/2020 15:11

|

(CAO) Các đối tượng trong đường dây câu kết, làm giả tinh vi các loại giấy tờ để "quan mặt" Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM để xin thị thực nhập cảnh vào Úc.

Ngày 29-9, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết đã hoàn tất bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố Trần Thị Lệ Oanh (SN 1979); Nguyễn Thị Mỹ Phượng (SN 1985, cùng trú P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM) về 2 tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Các đối tượng còn lại gồm: Vũ Hồng Tiến (SN 1979); Lê Văn Đại (SN 1987) và Nguyễn Văn Tiến (SN 1990, đều trú tại Q.Tân Bình, TPHCM) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Quá trình điều tra làm rõ: Cầm đầu đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép là Trần Thị Lệ Oanh. Bằng việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Oanh cùng 4 đối tượng trong ổ nhóm đã "qua mặt" Tổng lãnh sự quán (TLSQ) Úc tại TP.HCM cấp thị thực nhập cảnh Úc cho các công dân Việt Nam để đi du lịch.

Trần Thị Lệ Oanh (trái) và Nguyễn Thị Mỹ Phượng

Cũng theo Cơ quan ANĐT, đến nay TLSQ Úc đã cấp thị thực nhập cảnh Úc cho 28 trường hợp, trong đó 20 trường hợp sử dụng thị thực được cấp làm thủ tục, xuất cảnh trái phép đi Úc tại Cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, 8 người còn lại không xuất cảnh. Đến thời điểm này, thời hạn xuất cảnh theo thị thực đã hết, nhưng chỉ có 10 người nhập cảnh trở lại Việt Nam, 10 người khác vẫn đang cư trú bất hợp pháp tại Úc.

Trước đó, Oanh từng kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn du học, du lịch. Quá trình làm việc, Oanh biết rõ các quy định của TLSQ Úc về điều kiện để công dân Việt Nam được xét cấp thị thực du lịch, du học Úc; nhu cầu xuất cảnh đi Úc với mục đích công khai là đi du lịch, du học của một số công dân Việt Nam, trong đó nhiều trường hợp sang Úc rồi trốn ở lại để lao động bất hợp pháp...

Quá trình điều tra làm rõ, năm 2008, Trần Thị Lệ Oanh thành lập và là Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty TNHH Tư vấn du học, du lịch Châu Đại Dương, địa chỉ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Sau đó, Oanh câu kết với các mắt xích trong đường dây thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có Nguyễn Thị Mỹ Phượng.

Biết Oanh sử dụng tài liệu giả xin thị thực cho người khác xuất cảnh trái phép đi Úc để du lịch, nhưng vì hám lời, Phượng giúp sức đắc lực cho Oanh thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc bán, cung cấp cho Oanh 38 “Bảng sao kê giao dịch tài khoản” giả của một số ngân hàng, 3 “Giấy xác nhận tạm trú” giả của Công an phường 10, quận 10 và Công an P.Bình Trị Đông, Q.Tân Phú, TP.HCM; 4 “Bản chứng thực sao y bản chính” giả đối với sổ hộ khẩu, hộ chiếu, chứng minh nhân dân của UBND một số phường tại TP.HCM để hưởng lợi 15,5 triệu đồng.

Ngoài ra, Phượng còn thỏa thuận và nhận tiền, sau đó chuyển cho Oanh xin thị thực Úc bằng tài liệu giả cho 7 người khác để hưởng lợi 10 triệu đồng; trong đó có 2 cá nhân Nguyễn Văn Chiến và Hoàng Văn Sỹ đã được cấp thị thực và xuất cảnh trái phép đi Úc, đến nay thời hạn thị thực đã hết nhưng không nhập cảnh trở lại Việt Nam.

Cũng theo Cơ quan ANĐT, thủ đoạn của các đối tượng vô cùng tinh vi, để thực hiện hành vi phạm tội, Oanh thuê Vũ Hồng Tiến (người quen của Oanh) làm giả, mua tài liệu giả để làm hồ sơ xin thị thực cho khách.

Vũ Hồng Tiến

Theo đó, Vũ Hồng Tiến mua của một đối tượng (chưa xác định được nhân thân, lai lịch) 89 con dấu giả một số doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học nghề, bệnh viện. Trong đó, sử dụng 20/89 con dấu giả làm ra 36 bộ tài liệu giả, mỗi bộ gồm: “Hợp đồng lao động”, “Xác nhận việc làm”, “Quyết định bổ nhiệm”, “Đơn xin nghỉ phép”, “Bảng lương” của 20 cơ quan, tổ chức cho 36 người, bán cho Trần Thị Lệ Oanh với 18 triệu đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Thị Mỹ Phượng còn thuê Lê Văn Đại làm giả 25 “Bảng sao kê giao dịch tài khoản ngân hàng” giả và thông qua đối tượng Nguyễn Viết Giỏi (trú P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM) mua 12 “Bảng sao kê giao dịch tài khoản ngân hàng” giả với giá 2 triệu đồng/tài liệu giả; 1 “Bảng sao kê giao dịch tài khoản ngân hàng” giả mang tên Nguyễn Văn Chiến.

Lê Văn Đại

Quá trình điều tra làm rõ: Thủ đoạn bị can Lê Văn Đại làm giả tài liệu để bán cho đối tượng Phượng bằng cách nhận thông tin cá nhân của người cần làm giả tài liệu từ Phượng, sau đó soạn thảo, in ấn tài liệu cần làm giả trên máy tính, ký giả chữ ký, dùng con dấu giả của cơ quan, tổ chức do bị can Nguyễn Văn Tiến trực tiếp làm ra để đóng lên tài liệu giả.

Nguyễn Văn Tiến

Nguyễn Văn Tiến trực tiếp làm ra con dấu giả của cơ quan, tổ chức tại căn hộ 302, lô A3, chung cư Ehome3, số 103 Hồ Học Lãm, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM.

Cơ quan ANĐT đã tổ chức cho bị can Nguyễn Văn Tiến thực nghiệm điều tra diễn lại hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Văn Đại và Nguyễn văn Tiến, Cơ quan ANĐT Bộ Công an thu giữ 234 con dấu giả của cơ quan, tổ chức (gồm: doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, Công an phường, Công an quận, ủy ban nhân dân phường, ủy ban nhân dân quận, phòng tư pháp...).

Những dấu giả này đều do Tiến một mình làm ra. Sau đó, Đại sử dụng 18/234 con dấu giả do Nguyễn Văn Tiến làm để làm giả các tài liệu và sử dụng 30/234 con dấu giả để tạo giấy tờ giả.

Nguyễn Văn Tiến làm giả những con dấu trên theo chỉ đạo của Lê Văn Đại để Đại sử dụng làm ra các tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, sau đó bán, cung cấp cho bị can Nguyễn Thị Mỹ Phượng.

Oanh và bị can Nguyễn Thị Mỹ Phượng thông qua pháp nhân Công ty TNHH Tư vấn du học, du lịch Châu Đại Dương do Oanh làm Giám đốc, quảng bá trên mạng Internet và thông qua các quan hệ xã hội gặp gỡ, thỏa thuận xin thị thực Úc cho những người này, để họ xuất cảnh trái phép một cách công khai, với giá từ vài chục triệu đồng đến trăm triệu đồng/1 trường hợp.

Sau khi được TLSQ Úc cấp thị thực, gửi vào hộp thư điện tử của Công ty Châu Đại Dương, Oanh in và chuyển cho khách thị thực trái phép để họ sử dụng làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đi Úc…

Cơ quan ANĐT khuyến cáo: Để ngăn chặn tình trạng xuất trên thì cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa Úc và cơ quan có thẩm quyền Việt Nam để phát hiện, xử lý các vi phạm này. Bên cạnh đó, cũng cần có sự tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho những ai có ý định xuất cảnh trái phép nhằm mục đích trốn ở lại lao động bất hợp pháp tại nước ngoài về những rủi ro gặp phải.

Bình luận (0)

Lên đầu trang