Những bất thường quanh phiên đấu giá "đất vàng"

Thứ Ba, 29/09/2020 10:51  | Quang Hà

|

(CATP) Trao đổi với chúng tôi tại Báo Công an TPHCM, bà Lê Thị Mỹ Châu (SN 1968, ngụ Q3) cho biết: Năm 2011, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank, tên trước đây của Ngân hàng TMCP Quốc Dân) đề nghị bà mua lại nợ xấu là 2 thửa đất số 612, 613 tờ bản đồ 15 (P.Thảo Điền, Q2) có diện tích 6.735,8m2 của ông Nguyễn Hải An với số tiền 12,5 triệu USD.

Ngân hàng này cũng hứa cho bà vay tiền và thực tế bà Châu đã thế chấp tài sản là 2 thửa đất trên với Ngân hàng TMCP Nam Việt - Sở Giao dịch (Navibank, nay là Ngân hàng TMCP Quốc Dân - chi nhánh Sài Gòn) để vay số tiền 75,7 tỷ đồng theo các hợp đồng (HĐ) tín dụng số 018-CN/11/HĐTD/101-11 ngày 24-11-2011 và 026-CN/11/HĐTD/101-11 ngày 20-6-2011 và 094- CN/11/HĐTD/101-11 ngày 24-11-2011.

Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố danh sách 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém có nợ xấu cao, lợi nhuận thấp... cần phải tái cơ cấu, trong đó có tên Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). Tuy nhiên, NHNN đã cho phép ngân hàng này tự tái cấu trúc bằng chính nguồn lực của mình, không cần phải sáp nhập với ngân hàng khác. Trong quá trình tự tái cấu trúc, ngày 15-11-2013, Navibank đã bán khoản nợ của bà Châu cho Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo HĐ mua bán nợ số 01/VAMC - Navibank.

Sau khi mua nợ xấu, VAMC đã ủy quyền lại cho NCB xử lý tài sản đảm bảo cho khoản vay của bà Châu. Để giải quyết khoản nợ trên, ngày 8-10-2015, NCB đã có thông báo số 508B/2015/TB-NCB có nội dung chấp thuận cho bà Châu được nộp số tiền 72,8 tỷ đồng để thu nợ gốc khoản vay và giải chấp toàn bộ tài sản đảm bảo với điều kiện bà Châu phải nộp toàn bộ 72,8 tỷ trong vòng 10 ngày.

Được biết, tại cuộc đấu giá, với mức chênh lệch mỗi lần trả giá từ 30 triệu đến 500 triệu đồng, sau 124 lần trả giá, ông Nguyễn Đức Lâm đã trúng đấu giá với mức 150 tỷ đồng cho các tài sản trên. Số tiền trúng đấu giá đã được ông Lâm và Công ty Toàn Cầu chuyển vào tài khoản của NCB chi nhánh Sài Gòn mở tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.

Theo Biên bản làm việc giữa bà Châu và đại diện NCB thì tính đến ngày 8-7-2017, tổng dư nợ của bà Châu tại NCB xấp xỉ 184,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ gốc chỉ chiếm 75,7 tỷ đồng. Số còn lại là lãi, lãi quá hạn và lãi phạt.

Tại buổi làm việc ngày 10-7-2017, bà Châu đã đề nghị với đại diện NCB cho phép mình được nộp 72,8 tỷ đồng để trả nợ và giải chấp tài sản bảo đảm ra để tự chuyển nhượng cho bên thứ ba theo như thông báo 508B của NCB nhưng không được ngân hàng này chấp nhận.

Ngày 16-8-2017, NCB đã ra quyết định thu giữ tài sản thế chấp của bà Châu để xử lý khoản nợ và ký HĐ đấu giá tài sản với Công ty TNHH đấu giá tài sản Toàn Cầu (gọi tắt là Công ty Toàn Cầu, đơn vị được NCB ủy quyền tổ chức đấu giá) để đưa tài sản ra đấu giá với mức giá khởi điểm xấp xỉ 130,5 tỷ đồng. Theo bà Châu, mức giá khởi điểm này quá thấp vì theo giá thị trường ở thời điểm 2017, giá trị của 2 tài sản đảm bảo này rất lớn.

Việc NCB và Công ty Toàn Cầu căn cứ vào chứng thư thẩm định giá số 17P01TDD0337 do Vinacontrol phát hành vào ngày 20-6-2017 để làm căn cứ giá khởi điểm cũng không khách quan, "ngược hoàn toàn" với trình tự thủ tục đấu giá tài sản. Bởi lẽ chứng thư thẩm định giá nói trên đã được Vinacontrol phát hành trước thời điểm NCB ra quyết định thu giữ tài sản thế chấp hơn hai tháng trời?

Trong quá trình đưa tài sản đảm bảo ra đấu giá, Công ty Toàn Cầu từng bị Thanh tra Bộ Tư pháp "tuýt còi" sau khi đơn vị này nhận được khiếu nại của một pháp nhân về việc Công ty Toàn Cầu chưa thực hiện đúng quy định về thông báo công khai dẫn tới việc chỉ có một tổ chức biết thông tin và đăng ký tham gia đấu giá. Do đó, ngày 9-11-2017, đại diện Thanh tra Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với ông Hoàng Minh Toàn - Giám đốc Công ty Toàn Cầu tạm dừng phiên đấu giá và gửi hồ sơ về Thanh tra Bộ Tư pháp.

Một trong hai khu đất là tài sản của bà Châu được VAMC ủy quyền cho NCB đưa ra đấu giá

Song, chỉ 5 ngày sau khi làm việc với Thanh tra Bộ Tư pháp, Công ty Toàn Cầu tiếp tục ban hành quy chế đấu giá tài sản. Ngày 5-12-2017, Công ty Toàn Cầu (số 001 Cao ốc Thái An 2, 1/45 Nguyễn Văn Quá, KP5, P.Đông Hưng Thuận, Q12) tổ chức phiên đấu giá các tài sản này mà không hề có mặt của chủ tài sản.

Chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những dấu hiệu bất thường kể trên thì trong phiên đấu giá cũng còn dấu hiệu bất thường khác. Đó là ngoài ông Nguyễn Đức Lâm (ngụ Q2) là người tham gia đấu giá, còn có một pháp nhân là Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Quốc Dân tham gia phiên đấu giá với tư cách người tham gia phiên đấu giá tài sản đảm bảo của bà Châu. Công ty này đã ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu Chương (ngụ Đắk Nông) tham gia buổi đấu giá.

Ngoài ra, Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Quốc Dân chính là công ty con của NCB, có vốn đăng ký điều lệ là 50 tỷ đồng. Tại bản cáo bạch ngày 12-2-2019 đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, NCB cho biết tỷ lệ sở hữu của NCB đối với công ty trên là 100%. Trong trường hợp này, việc tham gia đấu giá của Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Quốc Dân trong phiên đấu giá tài sản của bà Châu có dấu hiệu vi phạm mục C, khoản 4 điều 38 Luật Đấu giá tài sản 2016.

Việc một công ty con mà NCB sở hữu 100% vốn chủ sở hữu - tham gia phiên đấu giá với tư cách người tham gia đấu giá đã vi phạm nghiêm trọng điều cấm của Luật Đấu giá tài sản 2016.

Theo luật sư Vũ Xuân Hoằng - luật sư, thành viên Đoàn Luật sư TPHCM: "Việc một công ty con, công ty thành viên mà vốn chủ sở hữu chi phối tham gia đấu giá chính tài sản do chính pháp nhân đó đưa ra, ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị đấu giá thì đã có dấu hiệu không khách quan cần phải được cơ quan chức năng làm rõ”.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đấu giá tài sản vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập như: việc định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát; chênh lệch kết quả trúng đấu giá và giá khởi điểm còn chưa cao; việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là "buông lỏng"; chất lượng, năng lực hoạt động của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế.

Hiện tượng "cạnh tranh" không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, "thông đồng, dìm giá”, "quân xanh, quân đỏ”, băng nhóm "xã hội đen" đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang