TPHCM: Khu đất công 18.084m2 bị "làm xiếc" hơn 30 năm (kỳ 1)

Thứ Hai, 21/09/2020 13:10  | Văn Cương

|

(CATP) Sau nhiều năm cất công thu thập tài liệu, chứng cứ, nhóm phóng viên Báo Công an TPHCM đã phát hiện hàng loạt sai phạm, lộ rõ tiêu cực liên quan đến khu đất này.

Gần 10 năm trước, Báo Công an TPHCM đã có bài phản ánh, chỉ ra nhiều bất thường liên quan đến khu đất trị giá hàng trăm tỷ đồng tọa lạc khu phố 15 và 16, P.Bình Trị Đông (BTĐ), Q.Bình Tân, TPHCM (trước đây là ấp 4, xã BTĐ, H.Bình Chánh) rơi vào tay cụ bà tuổi gần đất xa trời.

Sau nhiều năm cất công thu thập tài liệu, chứng cứ, nhóm phóng viên đã phát hiện hàng loạt sai phạm, lộ rõ tiêu cực liên quan đến khu đất này. TAND TPHCM cũng nhận thấy có dấu hiệu hình sự nên vừa có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Công an TPHCM để xác minh làm rõ...

"ÚM BA LA" KHU ĐẤT VÀO TAY... CỤ GIÀ "U80"(!)

Tài liệu mà phóng viên (PV) Báo Công an TPHCM thu thập được, khu đất thuộc bằng khoán 918 BTĐ, có nguồn gốc của vợ chồng hai cụ Trần Táo - Lê Thị Đước. Sau giải phóng, khu đất này do Nhà nước quản lý, bố trí cho Tập đoàn 6 xã BTĐ sử dụng nhưng không hiệu quả do hơn 2/3 diện tích là ao, nước đọng, nhiễm phèn.

Một số lão nông sống gần khu đất cho biết, khoảng cuối thập niên 1980, khi tập đoàn giải thể, chính quyền địa phương chẳng ngó ngàng tới khu đất dẫn đến bỏ hoang nhiều năm...

Bỗng dưng có "sổ" khu đất "khủng" (!)

Từ vùng kinh tế mới ở tỉnh Tây Ninh về lại địa phương, thấy khu đất bỏ hoang, vợ chồng bà Danh Thị Kiều Nga (ngụ ấp Tân Sinh 3, xã BTĐ) đứng ra khai hoang, phục hóa từ năm 1991. Bà Nga nhớ lại: Phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc gia đình bà mới cải tạo, chuyển hóa được khu đất hoang, nhiễm phèn để trồng rau muống và sen từ năm 1991 kéo dài liên tục đến nay.

Đầu năm 2001, hàng chục chiếc xe ben ồ ạt san lấp một phần khu đất vào ban đêm. Khoảng 4.000m2 ao sâu bị san bằng để phân lô bán nền, xây nhà trái phép nhưng không bị xử lý. Trước tình trạng trên, bà Nga cất chòi lá để giữ đất và hoa màu thì bị Chủ tịch UBND xã BTĐ lúc đó là Lê Văn Sớm ký quyết định ngày 17-12-2002 xử phạt hành chánh 240.000 đồng vì xây dựng không phép.

Đồng thời ông Sớm ký văn bản gửi bà Nga, xác định: Khu đất diện tích 18.084m2 có nguồn gốc của cụ Lê Thị Đước (SN 1920), sau năm 1975 giao Tập đoàn 6 xã BTĐ quản lý. Tập đoàn rã năm 1987, cụ Đước xin lại đất được UBND H.Bình Chánh (nay là Q.Bình Tân) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ trắng) số 701/QSDĐ ngày 9-12-1995. Cụ Đước đã ký Hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) khu đất trên cho ông Trần Trí Bình, ngụ P13Q8.

Phía ông Bình trưng ra tờ HĐCN đất ngày 2-2-1996 với giá 904 triệu đồng kèm theo hai tờ "biên nhận" 300 cây vàng. Trong đó, biên nhận đề ngày 2-2-1996, thể hiện: "Tôi Trần Trí Bình có giao trước cho bà Đước 200 cây vàng 24K đợt 1, đặt cọc theo HĐCN đất giữa đôi bên". Tiếp đến biên nhận đề ngày 29-3-1996, thể hiện cụ Đước nhận tiếp 510 triệu đồng, tương đương 100 cây vàng 24K. Việc giao nhận số vàng lớn như vậy nhưng cả hai biên nhận này chỉ có 2 người ký, không có ai làm chứng.

Một góc khu đất công đã rơi vào tay tư nhân

Trong khi đó, tờ "biên bản thanh lý hợp đồng" đề ngày 15-4-1998 cũng do ông Bình cung cấp thì xác định: "Tổng giá trị HĐCN đất giá 580 cây vàng 24K, đã chi trả 161,5 lượng, còn lại 418,5 lượng. Hôm nay, ngày 15-4-1998, thanh toán tiếp 318,5 lượng. Tổng cộng đã thanh toán 480 lượng vàng, còn thiếu lại 100 lượng...".

Những con số "nhảy múa", chênh lệch đến hàng trăm lượng vàng cho thấy ba tờ giấy trên "có vấn đề”(!).

Văn bản của Chủ tịch xã BTĐ khiến bà Nga sửng sốt: "Từ khi rã tập đoàn năm 1987 đến 1995, toàn bộ khu đất do gia đình tôi trực tiếp quản lý, trồng sen và rau muống, cắt bán mỗi ngày, rất nhiều người biết. Cụ Đước không một ngày sử dụng đất nhưng lại được cấp giấy chủ quyền? Rõ ràng, sổ trắng đứng tên bà Đước được cấp khống. Vì cấp thật thì Hội đồng xét cấp của xã BTĐ phải tiến hành đầy đủ thủ tục theo quy định, bao gồm cả khâu xác minh thực tế hiện trạng. Khi đó, Hội đồng phát hiện khu đất đang do gia đình tôi canh tác, sẽ có hướng xử lý, không để kéo dài đến hôm nay, gây nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khó khắc phục".

Cấp sổ "5 không" (!)

Sau gần 2 năm khiếu nại, ngày 6-2-2004, UBND lâm thời Q.Bình Tân có văn bản số 69/UB trả lời bà Nga, xác định có việc cấp sổ trắng khu đất số 701/QSDĐ cho cụ Đước, đổi sang sổ đỏ ngày 21-2-2000. Bà Nga tiếp tục khiếu nại, ngày 14-1-2005, Chánh văn phòng UBND Q.Bình Tân Phạm Văn Mười (sau lên Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân) ký văn bản số 47/UB tái khẳng định việc cấp sổ trắng rồi đổi sổ đỏ theo đơn xin lại khu đất của cụ Đước sau khi tập đoàn rã năm 1987.

Quá nhiều bất thường trong việc cụ Đước đứng tên sổ trắng khu đất "khủng" rồi bán ngay sau đó. Thứ nhất, trong văn bản số 47/UB, Chánh văn phòng UBND Q.Bình Tân cho rằng đương sự xin lại khu đất từ năm 1987. Trong khi năm đó, cụ Đước đã gần 70 tuổi, một mình già yếu, xin lại hơn 18.000m2 đất ao phèn, không canh tác được để làm gì? Quan trọng hơn, cụ Đước có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, số nhân khẩu... để được xét trả lại hơn 18.000m2 trong khi cụ hoàn toàn không có nhu cầu sử dụng khu đất này?

Thứ hai, theo quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 1995 là sổ trắng) phải có đơn xin của chủ sử dụng và được một hội đồng từ xã đến huyện xem xét cẩn thận, tiến hành khảo sát hiện trạng, đo đạc thực tế, cắm mốc... Qua hồ sơ mà PV Báo CATP thu thập thì không có đơn của cụ Đước xin lại đất, cũng như không có tổ chức hay cơ quan nào xét trả lại đất cho cụ Đước. Trên thực tế suốt từ năm 1987 đến cuối 1995, cụ Đước không một ngày sử dụng khu đất thì làm sao viết đơn xin đất để được xét? Vậy ở đâu có sổ trắng 701/QSDĐ ngày 9-12-1995 nếu không phải "chạy" hay bằng trò "phù phép"?

Thứ ba, UBND Q.Bình Tân cho rằng, cụ Đước đã đổi sổ trắng sang giấy sổ đỏ ngày 21-2-2000 cũng mang số 701/QSDĐ. Cụ Đước đã bán khu đất, giao sổ trắng cho ông Trần Trí Bình từ tháng 2-1996. Ông Bình mang sổ đi thế chấp cho người khác vay hàng tỷ đồng (sẽ nói rõ ở phần sau). Vậy cụ Đước lấy đâu ra đất và sổ trắng để đổi sang sổ đỏ vào năm 2000?

Thứ tư, ông Bình mua đất nhưng không làm thủ tục sang tên mà giữ sổ trắng và cũng không một ngày sử dụng khu đất! Chuyện lạ chưa dừng lại, dù đã mua và trở thành chủ nhân của khu đất từ năm 1996, thế nhưng mãi đến ngày 9-1-2003, cụ Đước (lúc này đã 83 tuổi) ký giấy ủy quyền cho "cháu Trần Trí Bình" khiếu nại liên quan đến khu đất (?!).

Thứ năm, cháu ngoại cụ Đước là ông Trần Phước Hậu (ngụ Tỉnh lộ 10, P.BTĐ B, Q.Bình Tân), khẳng định: Gia đình ông không có bà con họ hàng gì với ông Bình. Lúc còn sống, cụ Đước chưa từng đề cập đến việc xin lại khu đất, được cấp sổ trắng rồi bán ngay cho ông Bình, lấy số vàng "khủng" 480 lượng 24K (hơn 18kg). Những thông tin liên quan đến cụ Đước làm đơn xin lại đất, bán lấy hàng chục ký vàng... là không có thật. Sự thật là khoảng đầu 1-2003, ông Bình đến nhà nói với cụ Đước có quen biết một số cán bộ, hứa sẽ giúp xin lại khu đất.

Tin lời, cụ Đước đã ký tên, lăn tay vào giấy ủy quyền do ông Bình soạn sẵn, đề ngày 9-1-2003, để ông này liên hệ các cơ quan giải quyết tranh chấp, xin lại đất. Điều này cho thấy cụ Đước hoàn toàn không biết đã được cấp giấy chủ quyền khu đất và cũng chưa nhận được sổ trắng và sổ đỏ số 701/QSDĐ. Tất cả những diễn biến xảy ra trước ngày 9-1-2003 liên quan đến khu đất là giả mạo.

Qua tài liệu chứng cứ thu thập liên quan đến khu đất cũng như trực tiếp trao đổi, nghe một số lão nông, nhóm cựu chiến binh, hưu trí tại địa phương trình bày, chúng tôi nhận thấy, khu đất công hơn 18.000m2 do quản lý yếu kém đã bị "phù phép" rơi vào tay tư nhân bằng sổ trắng được cấp "khống" rồi hô biến thành sổ đỏ "5 không" (không có đơn xin cấp đất, không có văn bản trả đất, cấp đất không đúng đối tượng, không xác minh hiện trạng, không có hồ sơ lưu...).

Không loại trừ sổ khống này được sinh từ đường dây "ăn" đất, "chạy" sổ đỏ tồn tại từ nhiều năm trước đây tại địa bàn H.Bình Chánh cũ, sau này là Q.Bình Tân, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng như Báo Công an TPHCM đã từng có nhiều loạt bài điều tra. Rất có thể HĐCN đất ngày 2-2-1996 là công đoạn cuối cùng để hợp thức hóa việc "nuốt chửng" khu đất công...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang