(CATP) Một "đại công trình" nằm giữa trung tâm TP.Hồ Chí Minh thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng kéo dài nhiều năm chưa xong, là công trình Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Q.3.
Theo quy mô dự án, Trung tâm Thể dục thể thao sẽ phục vụ để đăng cai các giải đấu tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Tổng diện tích đất thực hiện công trình 14.417,8m2, tổng mức đầu tư 1.953,78 tỉ đồng, công trình gồm 7 tầng nổi và 3 tầng hầm với diện tích xây dựng 7.176m2, diện tích sàn nổi 25.821m2, tầng hầm 43.558m2. Dự kiến ban đầu, công trình hoàn thành trong vòng 24 tháng, tổng vốn khoảng 988 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2010-2012 hoàn thành. Năm 2013, dự án đầu tư này "đội vốn" lên 1.352,7 tỉ đồng, hiện nay là hơn 1.953 tỉ đồng. Để thực hiện dự án, năm 2017, việc tháo dỡ khu nhà cũ để xây mới Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng đạt chuẩn quốc tế, có sức chứa khoảng 4.000 chỗ ngồi đã được tiến hành. Thế nhưng đến nay, khu đất hoành tráng giữa trung tâm TP.Hồ Chí Minh này vẫn còn vây tường xung quanh.
Theo cơ quan chức năng, dự án chậm triển khai do thẩm định mức đầu tư ban đầu không chính xác dẫn đến đội vốn nhiều lần. Đến 5-2019, khi đơn vị chức năng chuẩn bị ký kết hợp đồng xây dựng với 2 đơn vị đầu tư: Tổng Công ty cổ phần Đền bù Giải tỏa và Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, đã bị tạm dừng do Chính phủ đã có văn bản yêu cầu dừng việc thực hiện các hợp đồng BT theo phương thức đổi đất lấy công trình trên phạm vi toàn quốc.
Tuyến đường "đắt nhất hành tinh" ở khu đô thị mới Thủ Thiêm
Bên cạnh đó, dự án 4 tuyến đường chính khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh) cũng thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Từ ngày 26-6-2019, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận thanh tra số 1037 "về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Hồ Chí Minh".
Theo đó, tuyến đại lộ vòng cung (R1 dài 3,4km); đường ven hồ trung tâm (R2 dài 3km); đường ven sông Sài Gòn (R3 dài 3km); đường châu thổ trên cao (R4 dài 2,5km). Cả 4 tuyến đường trên có chiều rộng mặt cắt ngang từ 11,6m đến 55m, bao gồm 10 cây cầu ngắn bắc qua các kênh rạch nội khu với tổng chiều dài khoảng 1,8km. Phê duyệt dự án và được thi công từ tháng 2-2014, dự kiến hoàn thành công trình trong 36 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Nếu tính chi tiết, 4 tuyến đường này có tổng chiều dài gần 12km, đầu tư hơn 8.265 tỉ đồng. Tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỉ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỉ đồng. Số liệu trên cho thấy trung bình mỗi km đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá gần 700 tỉ đồng, đắt gấp nhiều lần so với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (370 tỉ/km); TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (160 tỉ/km), gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam và hơn gấp 3 lần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Luật sư Đỗ Hồi Khanh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì Hợp đồng BT là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc....
Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định "giá trị quyền sử dụng đất được xác định tại thời điểm giao đất", nên có khả năng giá đất phải được xác định lại tại thời điểm ban hành quyết định giao đất.