LỘ RÕ DẤU HIỆU HÌNH SỰ, TÒA CHUYỂN CƠ QUAN ĐIỀU TRA
Xây nhà xưởng "trong mơ" suốt 24 năm (!)
Hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) đất ngày 2-2-1996 giữa ông Trần Trí Bình với cụ Đước đến ngày 16-12-1996 mới được UBND xã Bình Trị Đông xác nhận. Như vậy, hồ sơ chuyển nhượng chưa hoàn tất, đất chưa thuộc quyền sử dụng của ông Bình.
Thế nhưng, ngày 8-2-1996, ông Bình lấy danh nghĩa "chủ đầu tư” viết đơn xin sử dụng khu đất làm cơ sở sản xuất, xây nhà xưởng. Thay vì phải chỉ đạo xác minh làm rõ thì Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh thời điểm năm 1996 là ông Huỳnh Văn Chính (sau này lên chức Chủ tịch UBND Q.Bình Tân) "tình thương mến thương" ký duyệt, giúp ông Bình có bộ hồ sơ "như ý”. Trải qua hơn 24 năm, nhà xưởng vẫn "trong mơ”, còn khu đất thì bị "chia năm, xẻ bảy" dẫn đến tranh chấp, khiếu tố triền miên, chưa hồi kết...
Ngày 29-1-1997, vợ chồng ông Bình ký hợp đồng (HĐ) vay 3,25 tỷ đồng của vợ chồng ông Huỳnh Văn Phú (SN 1953, ngụ Hà Tôn Quyền, P15Q5). HĐ nêu rõ: Bên vay đã nhận đủ 3,25 tỷ đồng, số tiền này chỉ để chi trả cho việc chuyển nhượng khu đất của cụ Đước. Thời hạn vay là 6 tháng, quá hạn HĐ nếu chưa trả đủ số tiền vay thì vợ chồng ông Bình cam kết lập thủ tục cho chủ nợ đứng tên giấy chủ quyền khu đất.
Sau 30 tháng, ông Bình không trả tiền, cũng không thực hiện cam kết nên ông Phúc khởi kiện, được TAND Q.8 thụ lý ngày 29-7-1999. Tại bản án sơ thẩm ngày 31-7-2000, TAND Q.8 buộc vợ chồng ông Bình trả cho nguyên đơn cả vốn lãi 4,741 tỷ đồng. Xét xử phúc thẩm ngày 11-2-2004, TAND TPHCM y án sơ thẩm. Tại Quyết định (QĐ) giám đốc thẩm ngày 27-9-2004, Tòa dân sự TAND tối cao tuyên hủy cả hai bản án trên.
Ngoài ra, ông Phúc còn khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Bình trả 2,1 tỷ đồng là món vay khác, được TAND Q.8 thụ lý năm 2003. Ngày 19-7-2005, TAND TP ra QĐ nhập 2 vụ án trên thành một vụ án. Sau gần 6 năm, TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 22-6-2011, buộc vợ chồng ông Bình trả cho nguyên đơn 4,442 tỷ đồng. Tại bản án phúc thẩm ngày 8-1-2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM buộc vợ chồng ông Bình trả cho nguyên đơn tổng các khoản là 45,91 tỷ đồng.
Ngày 12-11-2015, TAND tối cao ra QĐ giám đốc thẩm hủy cả hai bản án trên để TAND TPHCM xét xử lại sơ thẩm. Trong QĐ giám đốc thẩm, TAND tối cao có phần nhận định liên quan đến việc ông Bình bán đất cho ông Danh Quốc Chiến (ngụ Q.Bình Tân). Trong đơn đề ngày 24-9-2015 gửi TAND tối cao, ông Chiến trình bày: Ngày 2-1-2000, ông Bình làm HĐ giấy tay, chuyển nhượng cho ông 5.655m2 đất (thuộc khu đất 18.084m2).
Ông Bình đã giao đất, ông Chiến xây dựng một số căn nhà cho thuê. Theo TAND tối cao, đây là những chứng cứ mới chưa được xem xét, giải quyết ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Trong trường này cần xem xét đưa ông Chiến vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
TAND TPHCM đã thụ lý lại vụ án nhưng đến nay vẫn chưa thể xét xử vì quá phức tạp.
Những "mảng tối" cần được bóc trần
Việc cấp giấy chủ quyền khu đất, mua bán, thế chấp vay tiền, kiện tụng... diễn ra suốt 30 năm qua chỉ thể hiện trên giấy. Thực tế, khu đất này do gia đình bà Nga trực canh từ năm 1991 liên tục đến nay, vẫn cắt rau bán mỗi ngày, không ai đứng ra tranh chấp.
Bà Nga trước tấm biển cảnh báo của UBND P. Bình Trị Đông
Hồ sơ thể hiện: Phía bà Nga đã sử dụng một phần khu đất xây nhiều căn nhà trọ cho thuê nhưng không có giấy phép nên bị Cơ quan CSĐT Công an Q.Bình Tân khởi tố ngày 12-4-2012. Kết luận điều tra và cáo trạng xác định: Từ năm 1991 đến 2009, bà Nga đã lần lượt xây 50 phòng trọ cho thuê nhưng không có giấy đăng ký kinh doanh. Bà Nga bị TAND Q.Bình Tân kết án 6 tháng tù cho hưởng án treo về tội "kinh doanh trái phép".
Liên quan đến vụ án dân sự, ông Phúc kiện vợ chồng ông Bình, TAND TPHCM đã thụ lý lại nhưng đến nay vẫn chưa thể xét xử vì quá phức tạp. Về phía bà Nga (được tòa xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), sau khi thu thập một loạt tài liệu, chứng cứ, đã có đơn gửi TAND TPHCM yêu cầu chuyển vụ án dân sự giải quyết theo hình sự.
Sau khi xem xét, ngày 15-6-2020, TAND TPHCM có văn bản số 3627/TATP-TDS, dài 25 trang gửi Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, nêu rõ: Quá trình thụ lý giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, bà Danh Thị Kiều Nga có đơn yêu cầu khởi tố hình sự theo các căn cứ pháp lý sau:
Thứ nhất, giấy chứng nhận (sổ trắng) khu đất số 701/QSDĐ, ngày 9-12-1995 mang tên Lê Thị Đước được Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh Huỳnh Văn Chính ký cấp trái pháp luật cho người không sử dụng đất. Thực tế, cụ Đước chỉ là chủ đất cũ trước năm 1975. Ông Huỳnh Văn Chính có dấu hiệu lợi dụng chức quyền ký cấp khống giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất mang tên cụ Đước.
Thứ hai, HĐCN đất giữa cụ Đước với ông Trần Trí Bình là giả mạo, không có thật. HĐ lập ngày 2-2-1996 nhưng mãi hơn 10 tháng sau, Chủ tịch xã Bình Trị Đông Trần Văn Hòa ký xác nhận "bừa" ngày 16-12-1996, khẳng định "chữ ký của bà Lê Thị Đước". Ông Hòa lộ rõ hành vi làm giả mạo giấy tờ tài liệu.
Thứ ba, ông Bình lộ rõ gian dối khi sử dụng sổ trắng số 701/QSDĐ được cấp khống, thế chấp vợ chồng ông Phúc vay 3,25 tỷ đồng bằng hợp đồng ngày 29-1-1997; sau đó ông Bình bán khu đất cho nhiều người khác...
Thứ tư, ngày 19-4-2017, ông Trần Phước Hậu (cháu ngoại cụ Đước) có đơn khiếu nại, cho rằng gia đình ông không hề biết UBND H.Bình Chánh đã cấp sổ trắng sau đổi thành sổ đỏ khu đất nên không có việc cụ Đước ký HĐCN khu đất cho ông Bình. Từ đó, ông đề nghị UBND Q.Bình Tân tiến hành giao đất cho gia đình ông theo sổ đỏ đã cấp.
Thứ năm, tại khu đất có tấm biển cảnh báo của UBND P. Bình Trị Đông, nội dung: "Khu vực đất đang tranh chấp: Mọi hành vi tự ý mua bán, chuyển nhượng xây dựng trái phép sẽ bị xử lý nghiêm". Chính quyền xác định đất đang tranh chấp nhưng không giải quyết dứt điểm. Trái lại, ngay phía nội dung "cảnh báo" có dòng chữ: "Khi có nhu cầu thông tin, giao dịch về nhà, người dân liên hệ với UBND P. Bình Trị Đông để biết thêm thông tin". Nội dung này chẳng khác gì là bảng quảng cáo của UBND P. Bình Trị Đông là "trung tâm môi giới, giao dịch nhà đất" (?!)
Những căn cứ vừa nêu cho thấy: Đây là vụ tiêu cực đất đai, có dấu hiệu tham nhũng, lừa đảo nhưng các đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi để dân sự hóa vụ án hình sự nhằm chạy tội. TAND TPHCM đề nghị Cơ quan CSĐT Công an thành phố xác định: Có căn cứ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bà Danh Thị Kiều Nga hay không? Bà Nga cần phải cung cấp cho Cơ quan CSĐT những tài liệu chứng cứ gì? Mọi thông tin liên quan đến hồ sơ vụ án, Cơ quan CSĐT liên hệ thẩm phán Tòa dân sự TAND TPHCM Đặng Huyền Phương.
Với văn bản mới của TAND TPHCM, dư luận đang chờ đợi những "mảng tối" liên quan đến khu đất công hơn 18.000m2 bị "làm xiếc" sớm được lôi ra ánh sáng. Để mất khu đất trị giá hàng trăm tỷ đồng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cựu Phó chủ tịch Huỳnh Văn Chính - người ký cấp sổ trắng số 701/QSDĐ, lộ rõ vi phạm các quy định về quản lý đất đai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cùng một loạt hệ lụy khác. Được biết, hồ sơ cấp sổ trắng số 701/QSDĐ đã "biến mất", không còn lưu trữ. Ngoài ông Chính, còn nhiều cán bộ liên quan đã "hạ cánh an toàn", nhất thiết phải được làm rõ xử lý nghiêm minh theo luật định.
Trải qua hơn 24 năm ký HĐCN, hiện khu đất vẫn đứng tên cụ Đước, nhưng ông Trần Trí Bình đã sử dụng sổ trắng và sổ đỏ "5 không" để thực hiện một loạt hành vi dưới sự tiếp tay của một số cán bộ, lộ rõ dấu hiệu trái pháp luật, dẫn đến tố cáo của bà Nga. Hành vi này cũng phải được làm rõ, xử lý nghiêm minh.
Ngoài việc kiến nghị UBND Q.Bình Tân khẩn trương làm rõ, thu hồi sổ đỏ "5 không" số 701/QSDĐ ngày 21-2-2000, các cơ quan chức năng cần xem xét, có chính sách thỏa đáng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành đối với gia đình bà Nga, chủ thể sử dụng khu đất suốt gần 30 năm qua...
(CATP) Sau nhiều năm cất công thu thập tài liệu, chứng cứ, nhóm phóng viên Báo Công an TPHCM đã phát hiện hàng loạt sai phạm, lộ rõ tiêu cực liên quan đến khu đất này.