Nghĩa cử đẹp của người miền Tây:

Kỳ cuối: Làm ấm lòng người sống, yên lòng người chết

Thứ Năm, 08/10/2020 14:36  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Dù ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Huỳnh Văn Xuân (Chín Xuân, 72 tuổi, ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) vẫn ròng rã với công việc thiện nguyện là nấu cơm và chôn cất hàng trăm thai nhi xấu số.

Ông Chín Xuân trong lần đi cấp phát cơm từ thiện.

Từ phát cơm từ thiện…

Trong những lần thăm bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ, ông Chín Xuân gặp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, không tiền mua thức ăn bỏ bụng đành ngồi co ro chịu trận cạnh những ghế đá úa màu thời gian. Sau khi người thân xuất viện, ông Xuân đã quyết định thành lập tổ nấu cơm từ thiện.

Hàng ngày, ông và những người cùng đồng cảm nấu từ 80 – 150 suất ăn, rồi mang lên xe chở đến các bệnh viện, trại trẻ mồ côi và những nơi cưu mang bệnh nhân tâm thần để cấp phát. Xác định phần ăn phải chất lượng nên thực đơn luôn được ông Xuân và các thành viên thay đổi liên tục.

Bản thân ông và những người cùng chí hướng chẳng mấy khá giả nên phần lớn nguồn kinh phí được các nhà hảo tâm đóng góp. “Có người góp tiền, người cho gạo, thịt, rau củ, còn chúng tôi góp công để giúp những người nghèo được bữa cơm ấm lòng” – ông Xuân nói.

Sau một thời gian hoạt động, những thành viên nồng cốt bận đủ thứ việc nên việc làm được giao lại cho vợ chồng ông Xuân. Thấy vợ chồng họ làm việc hiệu quả, không vụ lợi nên nhiều người dù lớn tuổi vẫn đứng ra chung tay. Dần dà, tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm tìm đến góp tiền, góp gạo, góp sức nên đến nay đã tồn tại suốt 12 năm qua.

Anh Nguyễn Trung Tính (32 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) - người gắn bó với bếp ăn từ thiện gần 5 năm qua chia sẻ: “Sau khi ra trường tôi không có việc làm ổn định, gia cảnh chẳng dư dả gì với nghề làm lắp ráp biển hiệu. Khi biết điểm nấu cơm từ thiện của chú Xuân tôi đến tham gia và cảm thấy vui lắm, bởi mình đã góp một phần nhỏ bé cho những người khốn khổ”.

Gần 200 thai nhi được chôn cất nhờ những tấm lòng tử tế.

… Đến lập nghĩa trang thai nhi

Bên cạnh việc nấu cơm từ thiện, kể từ năm 2017, ông Xuân còn đứng ra xây dựng một nghĩa trang chôn cất cho thai nhi xấu số. Nghĩa trang này được xây dựng trên diện tích hơn 200m2 tại xã Xuân Hòa (H.Kế Sách, Sóc Trăng). Hiện tại nơi đây có khoảng 183 thai nhi được chôn cất.

Nói về quyết định thực hiện việc làm ý nghĩa trên, ông Chín Xuân nhớ lại: “Năm 2010, trong một lần đi du lịch tôi tình cờ biết được nghĩa trang chôn cất hàng ngàn thai nhi vắn số. Từ đó tôi ấp ủ dự định thành lập một cơ sở tại miền Tây. Đến năm 2017, khi được chùa Chánh Thiên Cơ hiến đất tôi mới dần thực hiện được ước mơ của đời mình”. Thế là nghĩa trang được thành lập với tên Vô Ưu.

Theo ông Xuân, thời điểm lập nghĩa trang thai nhi gặp khá nhiều khó khăn do thiếu hụt kinh phí. Nhờ việc thiện lành lan tỏa trước đó mà nhiều mạnh thường quân tìm đến chung tay tiếp sức.

Suốt 2 năm qua, hễ nghe tin ở đâu có thai nhi xấu số bị bỏ rơi, ông Xuân đều đến mang về chôn cất tử tế. Ngoài ra, người này còn đưa thông tin nhận an táng thai nhi miễn phí trên trang mạng xã hội, kèm theo số điện thoại để những ai nhặt được liên hệ ông đến nhận mang về chôn cất. “Lúc đầu 5 - 7 ngày là có một em, thời gian sau thì nửa tháng” – ông Chín Xuân cho hay.

Nói về quy trình thực hiện, ông Chín Xuân cho biết: “Nhặt về mọi người đem tới chùa rồi chúng tôi tẩm liệm. Tẩm liệm xong chúng tôi đi chôn cất tại nghĩa trang. Đối với những trường hợp phát hiện ở đâu đó, được người dân báo chúng tôi đến nhặt về chôn như người mới qua đời”. Định kỳ mỗi tuần 3 lần vào các ngày thứ ba, năm, bảy ông Xuân chạy xe đến nghĩa trang để dọn dẹp, nhang khói cho các phần mộ vô danh.

Anh Nguyễn Duy Tân cho biết: “Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần nghe tin có thai nhi được đem đến ông Xuân lại lập tức chạy xuống để tiến hành tẩm liệm và làm lễ cầu siêu”. Hầu hết các nấm mộ mộ ở đây là mộ vô danh, chỉ vài trường hợp sinh non hoặc trẻ chết lưu được chính bố mẹ đưa về dây chôn cất. Những trường hợp vô danh được ông Xuân đánh số thứ tự và ngày, tháng, năm sinh. Mỗi cái tên, mỗi nấm mộ ấy cũng đều gợi lên những câu chuyện tiếc thương vô tận.

Theo ông Xuân, có người mẹ quyết định bỏ con vì thai nhi dị tật, có những cặp tình nhân yêu đương dẫn đến có thai và không dám có trách nhiệm với đứa trẻ đành đưa nhau đi nạo hút. Những thai nhi tại đây nhỏ nhất cũng 2 tháng, lớn nhất đã hơn 7 tháng.

Chia tay chúng tôi, ông Xuân không quên nhắn nhủ: “Chúng tôi nghĩ rằng những bậc làm cha, làm mẹ dù rơi phải hoàn cảnh nào thì cũng đừng hủy hoại con mình. Nếu một người nào đó lỡ mang thai vì hoàn cảnh khó khăn hoặc là như thế nào mà không có kinh phí nuôi dưỡng thì nhóm chúng tôi tự nguyện lo hết từ ăn, ở, sanh đẻ cho đến thuốc men. Sau khi sinh xong người mẹ có quyền quyết định đứa con của mình”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang