"Đại ca" Chín Rồng "rửa tội" (kỳ cuối)

Thứ Bảy, 17/10/2020 10:50

|

(CATP) Biết công an đang truy lùng ráo riết, đại ca Chín Rồng bèn nghĩ cách đội lốt tên đàn em của Mã Đình, đến công an đầu thú hòng che giấu thân phận và hành vi phạm tội. Nhưng các điều tra viên với đôi mắt tinh tường và sự thận trọng đã nhìn thấu thủ đoạn này.

VẠCH TRẦN THỦ ĐOẠN "RỬA TỘI"
 

Kẻ đầu thú bất ngờ

Sáng 20-9-1989, tổ trinh sát chốt tại phà Mỹ Thuận phát hiện một thanh niên đi xe đạp với dáng vẻ đáng ngờ. Quan sát kỹ, các trinh sát trông hắn rất quen. Phải chăng hắn là Võ Quốc Khải (mà đồng bọn thường gọi là Khải Xộp), tên cướp cũng khét tiếng không kém Mã Đình? Các trinh sát bám theo đối tượng đến trước Công an huyện Bình Minh thì bất ngờ hắn đi thẳng vào trong, làm các anh chưng hửng.

- Tôi là Nguyễn Văn Ba, đàn em của tướng cướp Mã Đình, xin đầu thú - Gã thanh niên nói với đồng chí trực ban hình sự Công an huyện.

Khi đồng chí trực ban làm xong thủ tục tiếp nhận đầu thú thì các trinh sát đã trao đổi xong nhận định của mình với các đồng chí lãnh đạo chuyên án đang thường trực tại Công an huyện Bình Minh, mà theo các anh thì nhiều khả năng kẻ đầu thú chính là Khải Xộp. Sau đó, tại căn phòng trên gác, ngồi đối diện với Nguyễn Văn Hơn (bị bắt trước đó) là Trưởng ban chuyên án Nguyễn Văn Ban và Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Tân.

- Là đồng bọn một thời với Mã Đình, chắc anh biết Khải Xộp chứ? - Trưởng ban chuyên án hỏi tên Hơn.

- Dạ biết!

- Gặp mặt Khải Xộp, anh có tin chắc mình không nhầm?

- Tôi cam đoan sẽ không nhận nhầm người.

Thực ra cuộc hỏi cung này mục đích là để làm lung lay tâm trí kẻ tự nộp mình đang ngồi làm tường trình ở dưới gác, tự xưng tên Nguyễn Văn Ba. Nguyễn Văn Ba giật mình, tái mặt khi Đội trưởng Đội Trọng án Phan Vĩnh Lạc vỗ vai:

- Sao bần thần thế, Khải Xộp? Anh nghĩ cách đội lốt tên người khác có thể qua mắt được chúng tôi sao? Những lời khai của anh đều đổ tội cho Mã Đình, nhưng chúng tôi có đủ tài liệu để chứng minh anh là một tên cướp cũng không thua kém Mã Đình.

- Dạ... dạ... - Nguyễn Văn Ba lí nhí.

- Thôi ta chơi bài ngửa luôn, Khải Xộp nhé! - Trưởng ban chuyên án Nguyễn Văn Ban nói.

- Tôi chưa hiểu ý ông.

- Anh đừng giả vờ ngây thơ nữa. Anh cần người nhận mặt anh là Khải Xộp hay anh để tôi nói về anh khi còn là chiến sĩ Công an huyện Vị Thanh, hay xa hơn nữa là lúc anh làm du kích xã Vĩnh Điền ở Kiên Giang...

- Tôi biết tội rồi. Giờ tôi phải làm gì, thưa ông?

- Thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội là cách tốt nhất...

Đặt xấp giấy và cây bút trước mặt Khải Xộp, vị Trưởng ban chuyên án rời bàn hỏi cung. Gần một tiếng sau, vị Trưởng ban chuyên án quay lại và tỏ vẻ hài lòng sau khi lướt qua những dòng tường trình khá thành khẩn của Khải Xộp.

Khải Xộp tên đầy đủ là Võ Quốc Khải, vào du kích xã Vĩnh Điền (Kiên Giang) năm 1973. Sau giải phóng, Khải Xộp công tác tại Công an huyện Vị Thanh (tỉnh Cần Thơ), rồi chuyển về Ban An ninh nội chính Miền Nam. Năm 1978, khi đổi tiền, Khải Xộp bị một gia đình ở Q5 (TPHCM) mua chuộc, nhờ đổi giùm tiền nên bị kỷ luật, sa thải khỏi ngành Công an.

Về quê, hắn dự mưu đi cướp để có tiền ăn chơi. Cuối năm 1984, hắn gia nhập băng cướp Mã Đình. Sau vài vụ cướp, tính bất phục dưới quyền kẻ khác xui khiến hắn rời băng Mã Đình, chiêu dụ 10 tên đàn em thành lập băng cướp Chín Rồng và tự phong cho mình là "đại ca Chín Rồng". Nhiều vụ cướp trên các tuyến sông Hậu có vai trò điều khiển và trực tiếp hành sự của Khải Xộp.

Tướng cướp sa lưới bởi cô gái dũng cảm

Đến thời điểm này, đã có 3 băng cướp bị xóa sổ, với 27 đối tượng vào tù, một số tên còn lại đang lẩn trốn, trong đó có tên cướp khét tiếng Mã Đình. Trinh sát nắm được tin Mã Đình cùng vợ, con đã vượt biên và đang sống ở Malaysia. Sau khi xác minh, Ban chuyên án SH89 nhận định Mã Đình vẫn ở trong nước, có thể cùng vợ, con sống lang bạt ở các tỉnh miền Tây.

Sau thời gian trốn chui, trốn nhủi ở Cà Mau, một chiều cuối tháng 10-1989, Mã Đình trở về Cần Thơ ăn nhậu. Tại cuộc vui chơi với "em út", Mã Đình liên tục khoe khoang, thách đố: "Tao là tướng cướp Mã Đình. Đứa nào dám đi báo công an, tao bắn vỡ sọ”. Nhưng hắn không ngờ rằng, trong số các cô tiếp viên hôm ấy có Hồng Thắm (con cháu của một gia đình từng bị hắn cướp hết tài sản).

Cô này âm thầm chuẩn chuẩn bị tố cáo với công an cho Mã Đình đền tội. Thắm cầm ly bia lại bên Mã Đình: "Chúc mừng đại ca! Đêm nay, đại ca về đâu cho em theo với?". "OK, em về Vĩnh Long với anh nhé!". Chỉ chờ có thế, Thắm vội vã rời cuộc nhậu, lái chiếc xe máy cà tàng đến Công an phường Cái Khế báo tin.

Khi chuyến phà cuối cùng sắp rời bến thì Mã Đình bước nhanh xuống mua vé qua phà. Từ phía sau, Thắm ôm chầm lấy hắn, la lên: "Bắt giùm tên móc túi, bớ người ta...". Nhanh như chớp, các trinh sát ập đến bắt giữ. Ngay trong đêm, Mã Đình được chuyển giao cho Công an tỉnh Cửu Long. Ngồi trước mặt Mã Đình lúc này là Trưởng ban chuyên án Nguyễn Văn Ban và Đội trưởng Đội Trọng án Phan Vĩnh Lạc. Cuộc hỏi cung Mã Đình lúc này là để hợp thức hóa các thủ tục pháp lý về tội trạng của hắn, chứ tài liệu trinh sát quá đủ để chứng minh hành vi phạm tội của kẻ rẽ lối bất lương này.

Nửa năm sau, hồ sơ tố tụng đã hoàn thành. Tên cướp khét tiếng Mã Đình bị kết án tử hình trong một phiên tòa lưu động trên sông Hậu. Kẻ "rửa tội" Khải Xộp và đồng bọn cũng nhận những bản án thích đáng, trả lại sự yên bình trên sông nước Cửu Long.

* Tên đối tượng đã thay đổi.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang