Trinh sát kể chuyện:

"Đại ca" Chín Rồng "rửa tội" (kỳ 1)

Thứ Năm, 15/10/2020 11:50

|

(CATP) Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, vùng sông nước Cửu Long - Cần Thơ - Kiên Giang "dậy sóng" bởi hàng loạt vụ án đối tượng có vũ khí thực hiện giết người, cướp tài sản, khiến người dân bất an. Lực lượng công an đã triệt phá hàng loạt băng cướp khét tiếng.

BĂNG CƯỚP TRÊN SÔNG

Băng cướp do Mã Đình cầm đầu là một trong những băng cướp có số má. Thời gian này, để che giấu hành vi phạm tội, "đại ca" Chín Rồng mượn danh một đàn em của Mã Đình đến công an đầu thú. Nhưng thủ đoạn "rửa tội" tinh vi của y không qua mắt được các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm.

Điều tra thi thể nữ không đầu

Sáng đầu Xuân Kỷ Tỵ 1989, người dân ven sông Hậu thuộc, xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Cửu Long, tức tỉnh Vĩnh Long hiện nay) phát hiện một thi thể nữ không đầu nổi ở bờ sông. Trong lúc mọi người bàn tán xôn xao thì 4 thanh niên lạ mặt bỗng dưng xuất hiện. Một trong 4 người đó cho biết, cô gái xấu số là người yêu của mình, rồi cùng nhau cột thi thể kéo theo chiếc ghe của chúng chạy đi. Nhiều người thốt lên: "Quân giết người quá tàn ác! Những thanh niên này cũng nhẫn tâm không kém, sao lại cột xác mà kéo đi lềnh bềnh như thế? Thật vô tâm!".

Chiều cùng ngày, tin tức về cái chết của cô gái được báo về Công an huyện Bình Minh và Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) tỉnh Cửu Long. Trinh sát có mặt tại hiện trường, những người chứng kiến không cung cấp được gì ngoài việc họ thấy bốn thanh niên cột thi thể cô gái vào sau ghe kéo đi. Duy có điều là một trong bốn thanh niên tướng tá to lớn, dữ tợn.

Trong khi ở Cửu Long, lực lượng trinh sát đang truy tìm thi thể không đầu cũng như tung tích nạn nhân, đồng thời truy tìm dấu vết bọn sát nhân thì ở Cần Thơ, cách hiện trường khoảng 40 cây số đường sông, trong một quán nhậu vắng vẻ ven sông, một đám người đang ăn nhậu, nói cười rôm rả.

Một gã trông có vẻ dữ tợn nói với gã đứng tuổi: "Đại ca yên tâm, bọn em làm gọn tưng, chẳng ai hiểu ất giáp gì cả. Đại ca thưởng bọn em đi!". "Gọn tưng là gọn thế nào?" - gã được cho là đại ca hỏi. "Bọn em cho xác nó "lặn" sâu rồi". "Được rồi, thưởng cho tụi bây một đêm "em út" thỏa sức". Cả bọn cất tiếng cười man trá, đắc chí.

Tên đại ca đó chính là Mã Đình. Hắn nhớ lại hành động tội ác của mình và đồng bọn: Đêm dần trôi, chiếc xuồng của cô gái chạy chậm dần trên sông Hậu. Mã Đình lệnh cho xuồng của bọn chúng tấp sát lại. "Cho xuồng đứng lại cô em, để bọn anh mượn đỡ cái máy dầu đi!" - Mã Đình ra lệnh. Cô gái cho xuồng chạy chậm lại, người em trai của cô khoảng 15 tuổi hô "cướp, cướp...".

Đại tá Phan Vĩnh Lạc (Phó giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long) kể lại vụ án

Nhưng tiếng kêu cứu của cậu bé lạc lõng giữa sông nước mênh mông. Ở thế đường cùng, cô gái dùng hết sức bình sinh quất tên cướp đứng gần một cây dầm, làm hắn té nhào xuống sông. Cô tung một cú đá làm tên thứ 2 bay khỏi ghe, lộn xuống nước.

Thấy đồng bọn bị "nốc ao", Mã Đình đứng dậy rút cây phảng quất ngang đầu cô gái, làm nạn nhân rớt xuống sông. Xong cả bọn cướp lấy đầu máy dầu đưa sang xuồng mình rồi tẩu thoát, bỏ mặc cậu bé lênh đênh trên chiếc xuồng không máy giữa dòng sông trong đêm tối mịt mù. Cô gái xấu số ấy là Trịnh Diệu Xuân, dân chài, buôn bán nhiều năm trên sông Hậu. Bốn thanh niên đến kéo thi thể nữ đi chính là đồng bọn của tên cướp khét tiếng Mã Đình.

Giăng lưới

Tài liệu xác minh của trinh sát xác định, Mã Đình tên thật là Nguyễn Văn Dơn (32 tuổi, ngụ xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu). Lúc 14 tuổi, y tham gia cách mạng và vào lính đặc công, đến năm 1976 làm trưởng công an xã. Thế rồi với bản chất ngang tàng, tự tại, hống hách, Dơn bắt đầu ăn chơi, quậy phá để rồi bị kỷ luật, phải rời lực lượng công an vào năm 1978. Không chịu cải tà qui chánh, hắn đến Kiên Giang tập hợp đàn em đi cướp. Hai lần cướp ở khu vực Gò Quao (Kiên Giang), Dơn sa lưới, nhưng đều trốn thoát từ những sơ hở của nơi tạm giam.

Năm 1982, lại sa lưới Công an tỉnh Cần Thơ, nhưng y sử dụng ngón nghề đặc công để trốn thoát. Sau đó, Dơn cùng đồng bọn đột nhập nhà anh Trần Văn (du kích xã Vĩnh Phước, huyện Gò Quao, Kiên Giang), lấy cắp khẩu súng AR15 để làm phương tiện đi gây án, khiến anh Văn bị liên lụy về pháp lý. Khi Dơn bị bắt thì mọi chuyện mới vỡ lẽ.

Lúc 3 giờ ngày 16-5-1989, Mã Đình cùng đồng bọn dừng ghe lênh đênh trên sông. Trên ghe được ngụy trang một số lưới và dụng cụ đánh cá nên nhiều người lầm tưởng là ghe của dân chài. Trăng đêm 16 âm lịch sáng rực xuyên qua vòm ghe, chiếu rọi khắp "căn nhà ghe" của hắn. Như linh tính một điềm gỡ, hắn vội cuốn lưới, thu dọn đồ đạc và nói gọn lỏn một câu: "Nhổ neo!".

Khi tổ trinh sát đến nơi thì vợ chồng Mã Đình cùng đồng bọn đã nhổ neo hơn một ngày. Mấy ngày sau, cơ sở ta phát hiện chiếc ghe của vợ chồng Mã Đình neo đậu tại vòm Ô Môn. Mã Đình đang hội tụ đàn em để ăn nhậu và bàn việc đi cướp. Tin tức được cấp báo về Công an huyện Ô Môn. Tuy chưa có chứng cứ bắt người, nhưng chỉ huy Công an huyện Ô Môn vẫn cho trinh sát bám sát chiếc ghe, đồng thời cấp báo về Ban lãnh đạo Chuyên án SH89.

Trưởng ban chuyên án Nguyễn Văn Ban (Phó ty Công an Cửu Long), Trưởng phòng CSHS Nguyễn Văn Tân, Đội trưởng Đội Trọng án Phan Vĩnh Lạc (sau này là đại tá, Phó giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long) lập tức cùng các trinh sát trực chỉ huyện Ô Môn trên chiếc xe U-oát cũ kỹ. Đúng 12 giờ đêm, tổ công tác đặc biệt có mặt tại Công an huyện Ô Môn thì Ban chỉ huy Công an huyện báo cáo Mã Đình đã "biến mất". Tổ công tác đành trở về trong đêm, chuẩn bị phương án mới.

(Còn tiếp...)

* Tên đối tượng đã thay đổi

Bình luận (0)

Lên đầu trang