VỤ CƯỚP... HỤT!
Một buổi tối đầu tháng 6-1989, Mã Đình cùng 2 tên đàn em lại rảo xuồng trên sông tìm "con mồi". Qua ngã 3 Bắc Bình Minh, phát hiện một chiếc xuồng đang chạy tới, Mã Đình ra lệnh cho đàn em quay đầu ghe áp sát. Mất gần mười phút sau, ghe của chúng mới áp sát chiếc ghe của vợ chồng thương hồ đường xa. Với kinh nghiệm trên sông nước và nhiều lần được nghe lực lượng công an thông báo về thủ đoạn của bọn cướp trên sông, cặp vợ chồng thương hồ này sớm nhận ra bọn cướp và chủ động đối phó.
Khi một tên vừa bước chân qua xuồng, người vợ lập tức vung dầm đánh thẳng vào hông, làm hắn "á” lên một tiếng rồi... "bay" xuống sông. Tên thứ hai định ra đòn với người phụ nữ thì bị người chồng đạp ngay xuống nước. Và kẻ thứ ba xuất hiện: đó chính là Mã Đình! Hắn điên tiết, lên giọng: "Đ.m.! Ông bà tận số rồi, dám giỡn mặt với Mã Đình này thì chỉ có đi lặn sông thôi!". "Được, lão già này sẽ cho mày lặn tìm hai thằng đồng bọn luôn!" - Nói rồi người đàn ông tuổi 50 vạm vỡ dồn hết công lực vào cú vụt cây dầm, khiến Mã Đình rớt xuống sông.
Trong vòng chưa đầy 15 phút, tên cướp khét tiếng Mã Đình và hai tên đồng bọn đã bị cặp vợ chồng thương hồ cho đi "mò tôm dưới sông Hậu". Sau này, Mã Bình cho người dò la tung tích vợ chồng thương hồ và một cô gái lái chiếc ghe khác trước đó đã cho hắn ôm hận để trả thù, nhưng hắn không tài nào tìm ra. Trong khi chuyện "ê mặt" của hắn thì ngày càng có nhiều người biết và thêu dệt, đàm tiếu trong giới giang hồ sông nước Cửu Long.
THẢ MỒI BẮT BÓNG
Trong cuộc họp chuyên án tối 14-6-1989, Trưởng ban chuyên án Nguyễn Văn Ban hạ lệnh: "Trận đánh lớn sắp bắt đầu. Các đồng chí chú ý bảo đảm an toàn cho mình và nhân dân, vì bọn này luôn có súng. Chúng ta sẽ thực hiện phương án "thả mồi bắt bóng" để sớm kết thúc số phận Mã Đình và đồng bọn".
Chiều buông dần trên sông Hậu khu vực phía bắc Cần Thơ. Chiếc xuồng trọng tải lớn trông bề thế, mang dáng dấp ghe xuồng của thương nhân khá giả từ từ cập bờ phía bắc. Một "miếng mồi ngon" mà Mã Đình và đồng bọn không thể không dòm ngó.
Trên xuồng, Trưởng phòng Nguyễn Văn Tân, đại úy - Đội trưởng Đội Trọng án Phan Vĩnh Lạc và các trinh sát căng mắt nhìn vào màn đêm, xem xét từng động tĩnh của dòng sông Hậu hiền hòa. Chưa bao giờ các anh chuẩn bị cho một trận đánh lớn mà công tác trinh sát lại vất vả như trận đánh đêm nay, trận đánh kết thúc số phận của tên cướp một thời là đồng đội của mình.
Khoảng 2 giờ ngày 20-6-1989, chiếc ghe bọn cướp cập vào. Chúng chỉ có 2 tên, đó là Mã Đình và em vợ hắn - tên Trần Văn Huệ. Vẫn động tác quen thuộc, Mã Đình quét đèn pin xem xét động tĩnh trên xuồng. Thấy không có phản ứng gì, hắn cùng tên Huệ nhảy phốc lên xuồng, nhẹ nhàng "bợ" cái máy dầu.
- Đứng im! Giơ tay lên! - Đại úy Lạc hô lớn và chĩa họng súng về phía Mã Đình.
Nhanh như con rái nước, Mã Đình và tên Huệ phóng "tủm" xuống sông lặn mất. Hàng tràng đạn súng AK, súng ngắn của các trinh sát bắn theo vang động dòng sông, nhưng không trúng đích. Cuộc vây ráp khu vực này diễn ra suốt đêm, nhưng không tìm ra dấu vết Mã Đình và đồng bọn.
Sáng sớm hôm ấy, tên Trần Văn Huệ từ dưới sông lóp ngóp bò lên rồi lê bước về phía cuối chợ.
- Đứng lại! Giơ tay lên! - Anh dân phòng phường Cái Khế ra lệnh.
- Dạ, em đi chơi ở nhà con bồ về, bị té rớt sông, chứ có làm gì đâu mấy anh!
- Không cần biết, hồi hôm ở đây có hai thằng cướp trốn thoát, mày cứ về đồn công an đã - Anh dân phòng lại ra lệnh và gí súng, ép hắn đi.
Đi được vài bước chân, hắn bất ngờ "ủi" anh dân phòng rồi bỏ chạy. Anh dân phòng đi phía trước lập tức đốn chân khiến Huệ ngã sấp xuống đường. Hắn được giải về Công an phường Cái Khế. Hắn được cấp tốc đưa về Công an huyện Bình Minh, nơi Ban chuyên án thường trực để lấy cung.
- Sau khi nhảy xuống sông, anh có biết Mã Đình chạy hướng nào không? - Đội trưởng Phan Vĩnh Lạc hỏi.
- Lúc ấy mạnh ai nấy chạy, tôi làm sao biết được?
- Là tay chân thân tín của Mã Đình, hẳn anh biết những nơi Mã Đình thường lui tới cũng như những nơi hắn tiêu thụ tài sản cướp được chứ?
- Ông đi mà hỏi hắn!
Trần Văn Huệ trả lời với thái độ xấc láo. Nhưng điều đó không làm đại úy Lạc cay cú. Anh châm cho Huệ điếu thuốc rồi điềm đạm nói chuyện "phải quấy" với hắn.
Sau khi nói ra một loạt địa chỉ tiêu thụ tài sản mà Mã Đình và tên Huệ thường đến giao hàng, đại úy Lạc thấy rõ hắn vụt biến sắc mặt và có vẻ chột dạ.
- Anh thấy thế nào? Những nơi tôi vừa nói chắc anh đã từng ghé cùng Mã Đình?
- Các ông biết hết rồi, nếu giảm tội cho tôi, tôi sẽ khai hết.
- Như thế là biết điều đó! Đương nhiên sự ăn năn, hối cải sẽ được khoan hồng. Anh khai đi!
Từ những lời khai tương đối chính xác của Trần Văn Huệ kết hợp với các tài liệu trinh sát có được, Ban chuyên án hạ lệnh bắt các đối tượng khác liên quan, còn Mã Đình thì vẫn "bặt bóng chim tăm cá”. Nhưng điều hết sức vui mừng là trong những ngày truy lùng băng cướp Mã Đình, trinh sát lại tóm được một băng cướp khác do Nguyễn Văn Hơn cầm đầu. Hơn cũng có một thời dưới trướng Mã Đình.
Lúc này tuy đã bắt được nhiều tên cướp, nhưng lãnh đạo Ty Công an Cửu Long cũng như các thành viên Ban chuyên án vẫn như "ngồi trên đống lửa", bởi tên cướp khét tiếng Mã Đình vẫn ngoài vòng pháp luật, chắc chắn hắn sẽ tiếp tục gây ra những vụ cướp nghiêm trọng trên sông nước miền Tây. Vì thế, cuộc chiến vẫn tiếp diễn với khí thế ngày càng sôi động, quyết liệt.
(Còn tiếp...)
* Tên đối tượng đã thay đổi.
(CATP) Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, vùng sông nước Cửu Long - Cần Thơ - Kiên Giang "dậy sóng" bởi hàng loạt vụ án đối tượng có vũ khí thực hiện giết người, cướp tài sản, khiến người dân bất an. Lực lượng công an đã triệt phá hàng loạt băng cướp khét tiếng.