Không chỉ ở thành thị, nông thôn, mà ngày cả những nơi khó khăn như tại miền núi có nhiều bà con dân tộc sinh sống, tín dụng đen cũng đã len lỏi đến và gây nhiều hệ lụy đáng tiếc về cả tài sản, tính mạng người dân.
Đáng nói, bên cạnh hình thức giao dịch truyền thống là cho vay mặt đối mặt, tín dụng đen đang lợi dụng công nghệ, vươn “vòi bạch tuộc” của mình vắt kiệt những gia đình, cá nhân khó khăn về kinh tế, yếu kém về nhận thức.
Trung tá Ngô Hồng Vương (Cục Cảnh sát Hình sự) cho biết vay trực tuyến, vay ngang hàng (còn gọi là P2P Lending - Peer to Peer Lenging, thuộc lĩnh vực công nghệ và tư vấn tài chính - Fintech) là hình thức vay thông qua các ứng dụng di động giống như ứng dụng đặt xe Grab, Uber. Hình thức này hiện đang phát triển rất nhanh và rất khó kiểm soát ở Việt Nam, trong đó người vay không cần đến ngân hàng để làm việc mà thông qua các ứng dụng di động để tìm kiếm, kết nối giữa người có tiền cho vay và người có nhu cầu vay. Thủ tục cho vay đơn giản, số lượng tiền vay ít, lãi suất do hai bên tự thỏa thuận, điều kiện ràng buộc lỏng lẻo trong khi chưa có quy định về hình thức cho vay này. Do đó, nhiều đối tượng sử dụng hình thức này đề hoạt động tín dụng đen.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cho vay được coi chỉ là sự thay đổi về hình thức việc tiếp cận, trao đổi và giao dịch cho vay, còn bản chất cũng không khác gì việc cho vay mặt đối mặt thông thường - khác về việc ứng dụng công nghệ để thực hiện việc cho vay. Lãi suất của các hoạt động này vẫn phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự là dưới 20%.
Tín dụng qua
app với mức lãi suất rất cao. Ảnh minh hoạ
"Tuy nhiên, một số đối tượng thu lãi suất rất cao, trên 100%/năm, hoặc lách quy định bằng cách thu thêm các khoản phí (thực chất là mức lãi suất thu thêm). Nếu cộng cả phí và lãi quy ra lãi suất có thể lên đến 1.400%/năm- gấp 700 lần so với quy định, hoặc cao hơn.
Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng này yêu cầu người nợ phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND để khi người nợ chậm trả lãi thì chúng sẽ quay sang đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực. Hoặc có thể tiếp tục sử dụng các thủ đoạn đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” như ném chất bẩn, chất thải, đặt vòng hoa, phun sơn... Nếu ứng dụng nào có những thủ đoạn như trên thì chính là các đối tượng hoạt động tín dụng đen”, Trung tá Ngô Hồng Vương cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự cho biết các đối tượng cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an như: ghi lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thực tế trong hợp đồng hoặc ghi lãi suất theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác như giấy vay tiền, giấy viết tay để có thể tiêu hủy, thay đổi dễ dàng, yêu câu bị hại viết giấy bán tài sản, sau đó thuê lại chính tài sản mình đã bán để sử dụng làm bằng chứng để tố cáo con nợ chiếm đoạt tài sản nếu không trả nợ đúng hẹn với cơ quan Công an…
Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng tụ tập, cư ngụ một nơi nhưng tổ chức hoạt động ở những địa phương khác, sau khi thực hiện hành vi cho vay, các giấy tờ, hợp đồng này được cất giấu ở một địa điểm khác thường là những khu nhà chung cư có bảo vệ, sử dụng thẻ từ, camera theo dõi để tránh sự theo dõi, tiếp cận, kiểm tra của lực lượng Công an.
Định kỳ các đối tượng rà soát các giấy tờ, hợp đồng đã trả nợ xong thì tiêu hủy, phi tang nhằm tránh bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ. Khi trả, nhận tiền được thông qua hình thức gặp mặt trực tiếp, không chuyển khoản qua ngân hàng để tránh để lại dấu vết.
Đặc biệt tinh vi là chúng còn thành lập các công ty có chức năng đòi nợ thuê được cấp phép hoạt động, thực chất là các băng nhóm tội phạm núp bóng công ty, doanh nghiệp, mời các cán bộ từng làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án...) thoái hóa, biến chất đã nghỉ hưu, tham gia tư vấn hoạt động cho vay và đòi nợ của chúng, thậm chí còn cho các đối tượng ăn mặc lịch sự mang giấy giới thiệu đến Công an cấp cơ sở đề nghị phối hợp để thực hiện hành vi đòi nợ, khi thực hiện hành vi đòi nợ thì lại sử dụng đối tượng lưu manh, xăm trổ để đòi nợ...
Để tránh bị rơi vào “bẫy” tín dụng đen tiền mất tật mang, Cục Cảnh sát Hình sự cũng khuyến nghị người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống. Trong trường hợp tiếp cận với các kênh cho vay khác, phải tìm hiểu rõ các quy định về trả lãi, phạt trả lãi chậm, trả nợ gốc chậm. Trong đó đặc biệt lưu ý nếu cộng cả tiền lãi và tiền phí khác chia trên số tiền gốc mà quá cao (20%) thì cần cẩn thận. Ngoài ra, khi vay không nên ký các hợp đồng không đúng bản chất như bán tài sản - thuê lại chính tài sản đó, giấy biên nhận tiền để xin việc, xin học..., hoặc hợp đồng phản ánh lãi suất không đúng với lãi suất thực tế phải trả...
Người dùng cũng cần cẩn thận với các ứng dụng, website cho vay trên mạng, cần đọc kỹ các thông tin để tránh bị các đối tượng lừa. Không cho các ứng dụng, website này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân... Khi phát hiện các đối tượng cho vay lãi nặng, cần sớm nhất hoàn tất trả các khoản nợ.
Nếu bị các đối tượng cho vay lãi quá 100% và thu lời bất chính trên 30 triệu thì đã có dấu hiệu tội phạm và báo ngay cho cơ quan công an. Còn khi bị các đối tượng đe dọa, đập phá đồ đạc, gây tương tích, bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thì ngay lập tức báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết (có thể làm đơn tố cáo hoặc điện thoại để tố cáo).
Bên cạnh đó, khi tham gia vào các app, phải cảnh giác trước những trường hợp có người đi vay, huy động vốn với lãi suất rất cao, sinh lời nhanh vì có thể đây là những đối tượng lừa đảo; đồng thời cảnh giác trường hợp các đối tượng giả làm Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để đe dọa việc trả nợ, vì không có cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nào nhắn tin thông báo yêu cầu trả nợ.