Những câu chuyện, hình ảnh nhói lòng trong cơn đại hồng thủy

Thứ Ba, 20/10/2020 14:29  | Hoàng Quân

|

(CAO) Bố trút hơi thở cuối cùng mà con cháu không có mặt và chưa thể đưa linh cữu về quê chôn cất được. Hàng vạn nhà chìm trong biển nước, người dân leo lên mái nhà, cấp tốc chạy thoát, cầu cứu…

“Bố mất mà chúng con không có ở bên”! Đó là chia sẻ nhói lòng của vợ chồng anh Nguyễn Quyết Chiến (SN 1978) - chị Nguyễn Thị Liễu (SN 1979, ngụ thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).

Ngày qua 19-10, người cha 67 tuổi của anh Chiến - chị Liễu qua đời vì bệnh ung thư vòm họng tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2, đóng tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Nước dâng cao ngập đến bàn thờ vừa lập vội cho người cha tại nhà anh Nguyễn Quyết Chiến - chị Nguyễn Thị Liễu (ngụ thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).

Vợ chồng anh Chiến cùng con cháu cũng như nhiều người thân trong gia đình đau xót, muốn đến nhìn mặt người thân lần cuối nhưng đành chịu.

Chiều qua khi mưa ngớt, gia đình anh Chiến và người thân mới đi đò, thuyền vượt lũ ra Quốc lộ để bắt xe vào Thừa Thiên Huế. Được Bệnh viện Trung ương Huế tạo điều kiện, gia đình anh Chiến tổ chức khâm liệm, thờ cúng tạm tại nhà xác bệnh viện. Khi nào nước rút, gia đình anh sẽ đưa bố về quê để chôn cất.

Mưa lũ liên tục 10 ngày qua tại Quảng Bình đã nhấn chìm nhiều vùng. Đặc biệt vào tối 17, rạng sáng 18-10, xuất hiện mưa to, lũ lớn từ thượng nguồn đổ về khiến Quảng Bình mênh mông trong cơn đại hồng thủy. Hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh với hàng vạn ngôi nhà bị nhấn chìm; tài sản hư hỏng, trôi theo dòng nước; người chới với cố gắng lên mái nhà, lên tầng 2 nhưng lên đến đâu nước đuổi đến đó...

Trên mạng xã hội tràn ngập lời kêu cứu mong được cứu hộ hoặc nhờ cứu người thân đang mắc kẹt, tính mạng rất hiểm nguy… Người dân vùng sông nước Lệ Thủy bên dòng Kiến Giang bao đời nay nổi tiếng giỏi chịu đựng, sống chung với lũ giờ cũng lao đao, chới với.

Nước ngập sâu, anh Toàn (ngụ thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) ngâm mình dưới nước và chèo thuyền trong nhà mình.

Nhiều trang mạng đã đăng số điện thoại đường dây nóng của chính quyền các cấp, các lực lượng và những nhóm thiện nguyện, những nhà báo có trách nhiệm, có tâm huyết… nên nhiều người đang nguy cấp được hỗ trợ, cứu giúp.

Trắng đêm, chính quyền, lực lượng công an, quân đội, các đoàn thể, nhân dân và các phương tiện, thiết bị cần thiết nhất được huy động tối đa để cứu hộ cứu nạn người dân. Với phương châm cứu người là trên hết, hàng vạn người dân được di dời, sơ tán trong đêm đến nơi an toàn.

Tính mạng con người là trên hết nên việc thoát nạn là ưu tiên hàng đầu. Của cải, đồ đạc thiệt hại, hư hỏng của hàng vạn gia đình và của tài sản của nhà nước không thể thống kê hết…

Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chèo thuyền đi lại trên đường
Cứu một cụ già trên mái ngói nhà ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Nước ngập mênh mông, sâu nhiều mét ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)
Một người dân leo lên mái nhà lánh nạn.
Một thanh niên tại thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bơi giữa phố.
Nước ngập đến nóc nhà tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Cụ ông giúp cụ bà di chuyển trong nhà bị ngập
Hỗ trợ đưa cụ bà ở đội 3, thôn Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đến nơi an toàn
Mẹ con lánh nạn trên mái ngói
Người dân xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lên đồi cát lánh nạn sau cơn đại hồng thủy.
Một phụ nữ tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nằm một góc giường, phần còn lại dành cho đàn chó.

Bình luận (0)

Lên đầu trang