Chung tay hành động
Đoàn chúng tôi tiếp tục quay lại tuyến đường DT64, với quyết tâm xâm nhập vào vùng rốn lũ (thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) an toàn để tiếp viện lương thực cho bà con.
Chúng tôi bắt gặp một vài chiếc xe ô tô mang theo hàng cứu trợ của các tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước, đang loay hoay tấp dọc bên đường vì không thể vào sâu hơn.
Để nhận được hàng cứu trợ, bà con vùng lũ phải chèo ghe ra đường lớn. Những gói hàng cứu trợ được đưa vội xuống ghe để người bên dưới vận chuyển vào trong làng cho họ và cho nhiều bà con cùng cảnh khác. “Ở trong còn nhiều người cần lắm! Đói mấy hôm nay rồi” - một “o” nói vọng lại trong lúc hớt hải chèo ghe đi.
Các chuyến xe cứu trợ hướng về miền Trung không thể vào sâu hơn do bị nước lũ chia cách
Trước tình hình trên, đoàn quyết định sẽ vượt qua con đường này bằng một phương tiện mà có lẽ, ít ai nghĩ ra được. Dưới sự phối hợp đắc lực của các cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị và chính quyền xã Hải Thành, 20 thành viên trong đoàn được đưa lên một chiếc… xe ben để di chuyển.
Cái giá của nhân tai
Chỉ có ai trực tiếp đi vào những điểm nóng của đợt lũ lần này - đợt lũ mà cả người dân và cơ quan chức năng đều đánh giá đã vượt lên cơn đại hồng thuỷ năm 1979 và 1999, chứ không phải là trận lũ đơn thuần - mới thấy hết sự phẫn nộ của “mẹ thiên nhiên” trút xuống như thế nào với người dân vô tội. Sức tàn phá là quá kinh khủng! Dân miền Trung, bao năm vất vả, nay lại oằn mình gánh thêm cơn đại hồng thuỷ lịch sử, khổ trăm bề. Đó là cái giá của nhân tai, cái giá của sự “phản bội” thiên nhiên do một bộ phận con người làm nên!
Mưa lúc này vẫn tuôn xối xả, kèm theo gió giật mạnh tạo ra những làn sóng hung tợn nuốt chửng mặt đường, khiến các thành viên trong đoàn lo nơm nớp.
Nhưng chẳng ai ngờ, phương tiện này lại khá hữu dụng trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Chiếc xe với gầm cao, bánh địa hình, đã lù lù băng qua dòng nước chảy xiết đang tràn qua mặt đường, không gặp phải khó khăn nào. Đúng là trong cái khó, ló cái khôn!
Hơn 3 km vượt qua thử thách, chúng tôi còn dừng lại ở một số đoạn để trợ giúp cho nhiều bà con đang bị đuối sức do cố vượt qua dòng nước. Tất cả một lòng, chung tay hành động để hướng về đồng bào “ruột thịt” đang bị cô lập ở bên trong.
Chiếc xuồng máy của chính quyền xã Hải Thành hỗ trợ đoàn cứu trợ vào những điểm ngập sâu nhất của trận lũ. Địa bàn được chúng tôi tiếp cận đầu tiên là 2 thôn nghèo Trung Đơn và Phước Điền. Phía xa, những ngôi mộ chỉ còn lộ phần chóp hiện ra nhấp nhô giữa dòng nước đục. Bao trùm không gian là khung cảnh cô quạnh, đìu hiu giữa mênh mong biển nước!
Không kịp chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nên nhu yếu phẩm cứu trợ của nhiều Mạnh thường quân phải tập kết trên những đoạn đường khô ráo để bà con chèo ghe ra lấy
Trong tình thế nước ngập bao vây tuyến đường DT64 thì chiếc xe ben gầm cao là phương tiện hữu dụng để vận chuyển đoàn cứu trợ băng qua dòng lũ đến với bà con
Thấy xuồng chúng tôi đi ngang qua, từng nhà vui mừng vẫy gọi. “Giúp mệ các con ơi!” - từ vị trí cao nhất của căn nhà, một cụ già giơ tay ra dấu đoàn cứu trợ để xin thực phẩm.
Sau một ngày băng qua cơn lũ, đoàn tiếp cận được 200 hộ dân, trao 200 suất nhu yếu phẩm với tổng giá trị 100 triệu đồng cho bà con. Hơn 300 triệu đồng còn lại, được đoàn chia ra cứu trợ cho các vùng bị ngập lụt ở TX. Quảng Trị và hỗ trợ cho các đơn vị công an đang tham gia trực chiến ứng cứu người dân.
Xuồng nhỏ của bà con vùng lũ trợ sức, đưa chúng tôi và các cán bộ chiến sỹ vào rốn lũ
Nước lũ cô lập toàn bộ người dân thôn Trung Đơn
Gạo, mì tôm, cá khô… là những lương thực cấp bách trong tình cảnh ngặt nghèo của bà con vùng lũ lúc này. Nhưng liệu sự trợ giúp ấy sẽ còn dễ dàng trong những ngày còn lũ sắp tới, khi xuồng chúng tôi đi tới đâu cũng nghe đài phát thanh xã báo tin đêm nay, thủy điện Đakrông sẽ xả lũ. Nỗi lo chồng lấy… nỗi lo!
Thắm đượm tình quân – dân
Trong lũ dữ mới thấu hết nghĩa tình! Hàng trăm đoàn cứu trợ từ khắp nơi trên cả nước đã đem nhu yếu phẩm, vật lực đến giúp sức bà con miền Trung chống lũ. Đó là tấm lòng chẳng có gì so sánh được!
Chung một nhịp đập hướng về miền Trung, từ TPHCM, chị Trương Đan Thủy (ngụ Q3), sau khi xem được những chia sẻ của phóng viên, đã tự nguyện vận động cộng đồng mạng ủng hộ được 72,6 triệu đồng để mua áo phao, nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ - những thứ vô cùng thiết yếu lúc này.
Trong dòng lũ dữ, mới thấu được hết tình người
Do thời tiết quá xấu nên chị Thủy bắt buộc phải mua vé máy bay ra TP.Đà Nẵng, sau đó tìm cách ra Quảng Trị bằng đường bộ. Chuyến bay lúc chiều muộn phải mất 4 tiếng đồng hồ mới hạ cánh được và ngay tức khắc, chị đi lục tung tất cả các tiệm bán áo phao tại TP.Đà Nẵng mới kiếm đủ con số đề ra (do tình hình mưa lũ nên các mặt hàng cứu hộ bị “cháy” hàng).
Hôm sau, chị Thuỷ đã có mặt tại các thôn xóm bị nước lũ bao vây tại xã Hải Dương, huyện Hải Lăng để trao 150 chiếc áo phao và 150 suất nhu yếu phẩm (mỗi suất 200 nghìn đồng) với tổng trị giá 40 triệu đồng.
Những món quà thiết thực được lực lượng công an và các mạnh thường quân trao tận tay bà con miền Trung giữa rốn lũ
Nghe tin mới hôm qua, Đại úy Trương Văn Thắng, cán bộ Công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) bị lũ cuốn hy sinh trên đường làm nhiệm vụ ứng cứu nhân dân, chị đã đại diện cộng đồng mạng hỗ trợ gia đình anh 10 triệu đồng, mong nỗi đau này được phần nào chia sẻ.
Nghĩa cử chị Trương Đan Thủy và cộng đồng mạng dành cho Đại úy Trương Văn Thắng đã tô thắm tình quân – dân, được Thiếu tá Phạm Thành Long (Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Trị) thay mặt tiếp nhận, chuyển giao
Ngoài ra, chị còn trực tiếp hỗ trợ hơn 17 triệu đồng cho các trường hợp cụ già neo đơn tại xã Hải Dương và 15 triệu đồng cho bà con bị ngập lụt tại TT.Diên Sanh, huyện Hải Lăng.
Nhưng bà con trong cảnh khổ thì còn nhiều quá! Thế là chị lục hết số tiền túi còn lại (phòng hờ cho chuyến đi) để giúp đời. Thương hiệu của một thành phố nghĩa tình mang tên Bác, đã được cụ thể hóa qua hành động của một người phụ nữ bình thường nhất. Lá lành đùm lá rách chính là đây!
Đồng chí Phan Thị Lý – Phó trưởng Công an TX.Quảng Trị (đứng giữa) lội nước đến từng nhà dân
Dân giúp dân là nghĩa cử, còn quân sát cánh cùng dân trong hoạn nạn, đó là trách nhiệm và vinh quang! Trong những ngày bám trụ theo cơn lũ, phóng viên ghi nhận được sự phản ứng mau lẹ, dũng cảm, vì dân của lực lượng bộ đội, công an và các cấp chính quyền.
Công an sát cánh giúp dân trong hoạn nạn
Nhờ vậy nên tình hình được kiểm soát phần nào. Nhưng bù lại, là sự đánh đổi mà có khi phải trả bằng cả tính mạng cán bộ, chiến sỹ của chúng ta.
Chúng tôi xin được phép không nhắc sâu thêm những tình tiết dẫn đến sự mất mát của hàng chục người lính (cả bộ đội lẫn công an) trong bài viết này, vì nó quá đỗi đau lòng.
Chỉ xin, xem sự hy sinh đó là phần tô thắm cho trang sử vẻ vang của lực lượng vũ trang vì nhân dân phục vụ! Một điều chắc chắn, bất cứ ai nếu một ngày theo chân những người lính tham gia phòng chống lụt, bão tại các tỉnh miền Trung trong đợt này, sẽ hiểu được vì sao người dân ở đây quý và tin yêu các anh đến vậy!
500 triệu đồng đã được đoàn cứu trợ trực tiếp trao gửi cho các hộ dân vùng rốn lũ, hỗ trợ các đơn vị công an trực chiến, các bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng và gia đình chính sách
150 suất quà (mỗi suất 200 nghìn đồng) được Mạnh thường quân trao cho xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Trong ảnh, Thượng tá Trần Hữu Sơn (Trưởng Công an huyện Hải Lăng) và đại diện chính quyền địa phương đón nhận nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng
Thiếu tá Phạm Thành Long (Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Trị) đến nay đã 20 ngày ròng rã chưa về với gia đình, vì anh phải sát cánh cùng đồng đội làm tròn nhiệm vụ giúp dân.
“Thiệt hại của đợt lũ này quá lớn. Chúng tôi nhận được chỉ đạo rất sát sao, liên tục và quyết liệt từ Ban giám đốc Công an tỉnh và Ban chỉ huy phòng. Dường như toàn lực lượng chúng tôi phải hoạt động 100% sức lực và có khi hơn thế nữa… Cực thì cực thật nhưng so ra, người dân vùng lũ còn khổ hơn mình, đồng đội hy sinh còn đau hơn mình. Anh em chúng tôi luôn nhìn vào đó để thường trực ý chí xông pha, vì dân phục vụ. Chỉ mong sao cơn lũ sớm qua đi” – Thiếu tá Long trầm giọng. Chỉ cần nghe tới đó, chúng tôi đã cảm nhận được khá nhiều điều…
Một người dân vùng lũ xúc động trước nghĩa tình mà người dân thành phố mang tên Bác sẻ chia với vùng lũ
Đi vào rốn lũ, phóng viên mới thấu được hết nỗi đau của những phận đời nhỏ bé, phải ngày qua ngày căng mình gánh chịu “sự giận dữ của ông Trời”. Nhưng ở đó, chúng tôi cũng thấy được những sẻ chia, đùm bọc của con người trong nghịch cảnh và thắm đượm nhất, là giá trị của tình quân – dân.
Thoát lũ, tìm tương lai
Chiều tà, chúng tôi chuẩn bị ra khỏi xóm lũ thì thoáng nhìn thấy ánh mắt sợ hãi của một bé gái đang nấp sau cánh cửa căn nhà ngập nước. Bên trong, những cuốn sách giáo khoa ướt nhẹp, được kê tạm bợ lên chỗ cao ráo nhất.
Ánh mắt biết nói của em Lý Ngọc Quỳnh Anh Thư khi kể ước mơ hiện tại của mình, khiến người lớn trăn trở suốt quãng đường về
“Mấy nay con chỉ ăn mỗi mì tôm sống” – Lý Ngọc Quỳnh Anh Thư (10 tuổi), nói với chúng tôi khi được hỏi về cuộc sống những ngày tránh lũ. “Thế giờ con ước mình được ăn món gì?”. Mắt Thư bỗng sáng lên, nói ngay: “Con chỉ ước được đi học. Cô giáo nói chỉ có đi học mới thoát khỏi cảnh chạy lũ như ri". Màn đối đáp của con trẻ đã làm chúng tôi trăn trở suốt đường về…
(CATP) Ở những xóm nghèo bị nước nhấn chìm, vẫn còn đó rất nhiều phận đời lay lắt không biết ngày mai. Hàng vạn hộ dân miền Trung đang phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, vì “cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên” đã cuốn đi tất cả mọi thứ! Phóng viên Báo Công an TPHCM đã có mặt tại những điểm nóng nằm trong vùng rốn lũ trực thuộc 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, để có ghi nhận chân thực nhất về tình cảnh của bà con những nơi này.