Chiều 19-10-2020, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to, mưa rất to, có nơi đặc biệt to.
Lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 16-10 đến 14 giờ ngày 19-10, tại một số trạm như sau: Trường Sơn 1191.4mm, Minh Hóa 1274mm, Đồng Tâm 1217mm, Tuyên Hóa 1020mm, Mai Hóa 933mm. Dự báo trong 24 giờ tới lượng mưa lưu vực sông Gianh phổ biến 250-400mm có nơi trên 400mm. Lưu vực sông Nhật Lệ phổ biến 50-100mm có nơi lớn hơn 150mm...
Do mưa lớn, tỉnh Quảng Bình đã có gần 90.000 nhà dân bị ngập trong nước
Trong 6 -12 giờ tới, lũ trên sông Gianh tiếp tục lên, trên sông Kiến Giang lũ bắt đầu xuống chậm, mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 4.70m trên báo động III 2.00m, cao hơn lũ lịch sử năm 1979 là 0.79m (mực nước đạt đỉnh lũ là 4.88m > BĐ III 2.18m, trên lũ lịch sử năm 1979 là 0.97m).
Mưa lũ cũng đã làm hầu hết các tuyến đường giao thông chính, giao thông huyết mạch trên địa bàn bị ngập sâu 0,5m đến 2,4m, các phương tiện đường bộ không thể lưu thông. Trên tuyến quốc lộ 15 khu vực Sơn Trạch - Hưng Trạch (H.Bố Trạch) có đoạn ngập sâu đến 3,5m, riêng tại ngầm Bùng Km562+200 ngập sâu đến 5,3m. Cùng đó là việc sụt, trượt mái ta luy đường khiến đất đá vùi lấp mặt đường... dẫn đến tắc đường.
Một số vùng ở Quảng Bình nước lũ dâng lên ngập nóc nhà
Hiện nay, đường sắt chỉ lưu thông được từ Đồng Hới – TPHCM; tuyến đường từ Quảng Bình – Hà Nội không thể chạy do đoạn qua thôn Minh Lệ, xã Quảng Minh bị ngập sâu 0,35m; Đoạn qua Kim Lũ (Tuyên Hóa) bị sạt lở (tại Ga Đồng Hới đang có tàu SE8 với 156 hành khách không thể đi được).
Đến chiều cùng ngày, toàn tỉnh Quảng Bình có 89.357 nhà dân bị ngập lụt. Cụ thể, H.Lệ Thủy có khoảng 30.000 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã, H.Quảng Ninh có 13.067 nhà bị ngập, H.Bố Trạch có 10.311 nhà bị ngập, H.Minh Hóa 1736 nhà nhà bị ngập, H.Tuyên Hóa 4.487 nhà bị ngập, thị xã Ba Đồn 22.032 nhà/91.593 khẩu bị ngập, TP.Đồng Hới 2.498 nhà/10.408 khẩu bị ngập và H.Quảng Trạch 5.226 nhà/17.156 khẩu bị ngập...
Công an và lực lượng chức năng Quảng Bình căng mình
sơ tán người dân trong những ngày qua
Về số thôn bản bị chia cắt, cô lập hiện H.Quảng Ninh có 64 thôn/11 xã, bản bị chia cắt (Trường Sơn 8, Trường Xuân 9, An Ninh 7, Xuân Ninh 6, Hiền Ninh 7, Tân Ninh 5, Gia Ninh 7, Duy Ninh 5, Hàm Ninh 5, Võ Ninh 4, TT Quán Hàu 1), H,Tuyên Hóa: có 23 thôn, bản/10 xã bị chia cắt với 3.824 hộ/15.965 khẩu (xã Tiến Hóa, Đức Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa, Thanh Thạch, Lê Hóa, Hương Hóa, Lâm Hóa, Ngư Hóa), H.Bố Trạch có 41 thôn, bản tại các xã Xuân Trạch, Liên Trạch, Thượng Trạch, Cự Nẫm, Hưng Trạch, Thị trấn Nông trường Việt Trung, Thị trấn Phong Nha, Mỹ Trạch, Hải Phú, TT Hoàn Lão bị chia cắt, cô lập, H.Quảng Trạch các thôn Thuận Hòa xã Liên Trường, thôn Kinh Nhuận của xã Cảnh Hóa và toàn bộ các thôn của xã Phù Hóa đang bị chia cắt, cô lập, H.Lệ Thủy vẫn chưa kịp thống kê số liệu.
Ngoài ra, 4 huyện biên giới tỉnh Quảng Bình như: Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy có 57 bản cũng bị chia cắt do lũ.
Sơ tán tài sản và người dân vùng lũ đến nơi an toàn
Trước diễn biến phức tạp do mưa lũ, tỉnh Quảng Bình đã di dời được 8.700 hộ dân ở các huyện như: Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch, TP.Đồng Hới đến nơi cao ráo, an toàn.
Hiện nay tỉnh Quảng Bình đã có 4 người chết do mưa lũ, trong đó có 2 người ở H.Lệ Thủy, 2 người ở H.Quảng Ninh và 6 người bị thương.
Mưa lũ cũng đã làm sạt lở đất, vùi lấp hoàn toàn trạm bảo vệ Thác Voi thuộc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (H.Quảng Ninh), nhiều nhà dẫn cũng bị hư hỏng do lũ quét, sạt lở đất.
Để ứng phó với tình hình mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Bình, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương. Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ đã triển khai các đoàn kiểm tra tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã chủ động thành lập các tổ công tác trực ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng tăng cường cho Công an các địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, đôn đốc, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình bị hư hỏng, đang thi công, nhất là các hồ chứa nhỏ, xung yếu; Chỉ đạo vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du...
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ngày 19-10-2020, ông Trần Thắng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã quyết định tạm hoãn Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 để tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Theo đó, Tỉnh ủy cũng đã phân công lực lượng tăng cường về các địa phương hỗ trợ cứu hộ, đặc biệt là những nơi có ngập sâu, nguy hiểm.
Được biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 dự kiến tổ chức tại Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh từ ngày 21 đến 23-10-2020.
(CAO) Nước lũ lên nhanh ở Quảng Bình,
Hà Tĩnh đã gây ngập sâu hơn 1m trên tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt.