Trong 10 năm, số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý tăng 60%

Thứ Hai, 19/10/2020 17:10

|

(CAO) Trong vòng 10 năm (từ 2009-2019) qua, số người nghiện có hồ sơ quản lý trên cả nước đã tăng lên 60%. Tính đến tháng 12-2019, đã có trên 235.000 người nghiện và trong thực tế, con số này cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, công tác cai nghiện hiện nay chưa hiệu quả, người nghiện ở ngoài xã hội còn nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là tình trạng “ngáo đá”. Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, theo Dự án Luật phòng chống ma túy (sửa đổi) được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20/10/2020 để xin ý kiến trước khi thông qua, các quy định của pháp luật sẽ được sửa đổi cơ bản và toàn diện.

Nhằm khắc phục những bất cập trong công tác cai nghiện thời gian qua, đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả, trong Dự án Luật phòng chống ma túy (sửa đổi) dành Chương V với 20 điều, quy định về công tác cai nghiện ma túy. Theo đó, sẽ quy định rõ ràng về xác định tình trạng nghiện cũng như người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện. Đây là quy định nhằm giúp phân biệt người nghiện với người sử dụng để có cách ứng xử phù hợp.

Trong chính sách cai nghiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, nếu người nghiện vẫn tiếp tục tái nghiện hoặc lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện để không bị đưa đi cai nghiện bắt buộc thì sẽ bị xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện. Khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân. Cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện công lập được sử dụng trang phục thống nhất để góp phần bảo vệ cán bộ, đồng thời có cơ sở để xử lý các hành vi chống đối người thi hành công vụ trong các cơ sở cai nghiện công lập, hạn chế tình trạng gây rối, bỏ trốn tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đối với người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đặc biệt, các cơ sở cai nghiện công lập, tư nhân và các cơ sở y tế, xã hội khác có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ sẽ được phép cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện có trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy, niêm yết công khai giá dịch vụ theo quy định.

Các học viên được học nghề tại một cơ sở cai nghiện

Việc đổi mới công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo mô hình này không làm phát sinh tổ chức bộ máy mới và ngân sách Nhà nước. Luật cũng bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân theo hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa các cơ sở đối với người nghiện. Thời gian cai nghiện thực hiện theo thỏa thuận giữa người nghiện, gia đình người nghiện với cơ sở cai nghiện, nhưng thời gian tối thiểu là 6 tháng.

Ngoài ra, Luật quy định cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên và cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Cụ thể, việc đưa người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ thực hiện theo pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính; còn người từ 12 đến dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định của Luật phòng chống ma túy. Người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi thuộc trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thẩm quyền quyết định do Tòa án nhân dân cấp huyện trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính. Cơ sở cai nghiện đảm bảo quyền được học văn hóa cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi; có chế độ cai nghiện riêng, phù hợp và đảm bảo quyền trẻ em cho người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.

Dự thảo Luật còn bổ sung quy định về cai nghiện ma túy cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy. Theo đó, tạo điều kiện cho người nước ngoài cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện, nếu không đăng ký cai nghiện tự nguyện thì trục xuất về nước. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy thì phải đến cơ quan chuyên môn xác định tình trạng nghiện, nếu có thì thực hiện theo quy định về cai nghiện.

Luật cũng không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, vì thực tế biện pháp này không đủ nguồn lực về con người, vật chất và không hiệu quả. Những năm gần đây, nhiều địa phương không triển khai thực hiện được hoặc chỉ mang tính hình thức. Với người đang cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang