Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 16 giờ ngày 19/10 mưa lũ đã làm 102 người chết (Quảng Bình 4 trường hợp, Quảng Trị: 48, Thừa Thiên - Huế: 27, Quảng Nam: 11, Đà Nẵng: 4, Quảng Ngãi: 1, Gia Lai: 1, Đắk Lắk: 1, Lâm Đồng: 1, Kon Tum: 2); 26 người mất tích (Quảng Trị: 8, Thừa Thiên - Huế: 15, Đà Nẵng: 1, Gia Lai: 1); 13 tuyến quốc lộ, 30.050m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng (chủ yếu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).
Lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể CBCS bị sạt lở vùi lấp tại Đoàn kinh tế 337 (Quân khu 4) ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hoá, Quảng Trị (22 CBCS hy sinh đều đã tìm thấy thi thể)
Về công tác tìm kiếm 15 người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ, phương tiện tập trung vận chuyển 200 thùng mì tôm, 500 kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị máy móc cần thiết, nhiên liệu, xe xúc tập kết tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Điền đến đập thủy điện Rào Trăng 4 để tiếp cận Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.
Bộ Công an cũng đã tăng cường thêm phương tiện đường thủy cho Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, gồm 2 cano có mã lực lớn để phục vụ công tác vận chuyển lực lượng, phương tiện và nhu yếu phẩm cũng như tìm kiếm cán bộ công nhân đang còn mất tích.
Hiện nay, có 23 người đang ở lại để vận hành Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 và tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Lực lượng này đã được tiếp tế lượng lương thực đủ dùng cho 15 ngày.
Kết quả khảo sát hiện trường tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 cho thấy, khối lượng đất đá sạt lở tại đây ước tính trên 30.000 m3. Do tiếp tục có mưa to nên đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới tại khu vực tìm kiếm người mất tích. Đến nay, lực lượng cứu hộ mới chỉ tìm được 2 thi thể trong số 17 công nhân bị mất tích...
Để tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lũ, áp thấp nhiệt đới và khắc phục hậu quả, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng và thiệt hại bởi mưa lũ khẩn trương triển khai thực hiện Điện của Thường trực Ban Bí thư đảm bảo thiết thực, hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, trong đó tập trung vào việc tiếp tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10 và Công điện số 27/CĐ-TWPCTT ngày 17/10 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc tập trung ứng phó với mưa lũ.
Bộ Y tế cấp 4,2 triệu viên sát khuẩn nước cho các địa phương mưa lũ
Ngày 19/10, Bộ Y tế đã quyết định phân công 9 bệnh viện, viện trực thuộc Bộ tham gia hỗ trợ y tế trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng của mưa, lũ năm 2020.
Theo quyết định, để thực hiện công tác khám chữa bệnh, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh; Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới hỗ trợ tỉnh Quảng Bình; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hỗ trợ tỉnh Quảng Trị; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên – Huế; Bệnh viện C Đà Nẵng hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ tỉnh Quảng Nam.
Đối với công tác phòng, chống dịch, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường hỗ trợ các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam...
Cùng ngày, Bộ Y tế đã quyết định xuất cấp 4,2 triệu viên sát khuẩn nước cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố có tên trên sẽ nhận được 700.000 viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg từ kho hàng phòng chống thiên tai của Bộ Y tế tại Đà nẵng để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Y tế yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng khẩn trương tổ chức giao nhận hóa chất khử khuẩn với danh mục và số lượng hàng theo quy định. Việc giao nhận hóa chất đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời hướng dẫn đơn vị nhận hàng tiếp nhận, bảo quản, sử dụng hóa chất khử khuẩn theo quy định; báo cáo Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan về kết quả xuất cấp hàng.
Các Sở Y tế tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng khẩn trương tiếp nhận số hóa chất khử khuẩn nêu trên và phân bổ cho các đơn vị thuộc tỉnh để phục vụ công tác khắc phục hậu quả, phòng chống thiên tai dịch bệnh.