(CATP) Mỗi năm, toàn quốc có khoảng 300.000 tấn dầu nhớt thải ra từ các động cơ đốt trong. Thay vì được thu gom, xử lý, tiêu hủy theo quy trình nghiêm ngặt để tránh ô nhiễm môi trường thì hầu như không có đơn vị nào đủ khả năng để xử lý vấn đề này. Trong khi đó, nhiều nhóm đối tượng nầu đậu lại xem đây là cơ hội làm giàu. Chỉ sau vài công đoạn xử lý tại các lò đun nấu thủ công lậu, số lượng lớn dầu nhớt thải được "phù phép" thành dầu nhớt "sạch" rồi bán ra thị trường, nhái thương hiệu của nhiều công ty nổi tiếng.
Theo chân các "chân rết" thu gom dầu nhớt thải
Mới 6 giờ sáng, anh Kiên (ở trọ trên đường Thoại Ngọc Hầu, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM) tất tả dắt chiếc xe máy cà tàng cột lỉnh kỉnh 9 can nhựa lớn, nhỏ đen sì vết dầu nhớt rồi ra đi. Anh này phóng thẳng xe đến các vùng ven TPHCM để thu mua dầu nhớt thải từ các tiệm sửa xe máy. Cùng khu trọ với anh Kiên còn 7 người khác đều từ phía Bắc vào, làm cùng nghề này đã lâu. Anh Kiên nói: "Sáng nào chúng tôi cũng chia quân tỏa khắp các con đường, ngày ít cũng phải gom được một chuyến khoảng 150 lít về nhập cho điểm thu mua để nhận chênh lệch giá”.
Mỗi ngày, trên địa bàn TPHCM có cả hàng trăm người hành nghề như anh Kiên. Họ sống trong những khu nhà trọ xập xệ gần các điểm thu mua tập trung dầu nhớt thải ở ngoại thành như các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, vùng ven TP.Thủ Đức, Q12... Ở những tỉnh, thành khác của miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, số người làm nghề này cũng khá đông. Chủ nhiều tiệm sửa xe máy cho biết, họ gom được bao nhiêu dầu nhớt thải từ xe máy đều bán cho những người đi thu mua. Theo ông Nguyễn Hoàng Khanh (chủ tiệm sửa xe trên đường Trần Nhân Tôn, Q3), gần 20 năm nay, tiệm của ông vẫn bán nhớt thải cho những người đó. "Nếu không có họ, quả thật cũng không biết đem đi đâu, ngoài đổ ra cống rãnh" - Ông Khanh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn dầu nhớt "bẩn" hiện nay không được thu gom, xử lý, tiêu hủy theo quy định về bảo vệ môi trường mà được mua bán để tuồn về các lò tái chế lậu. Hoạt động chế biến dầu nhớt "bẩn" đang kiếm được bộn tiền nên thu hút nhiều thành phần tham gia. Ngoài đội quân hàng ngày đi gom từ những nguồn thải nhỏ lẻ nói trên, dầu nhớt "bẩn" còn được nhiều cơ sở tận thu tại các nguồn thải lớn (nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ máy móc...).
Những người thu gom dầu nhớt thải hoạt động trên đường
Chúng tôi tìm đến điểm thu mua trên đường Nguyễn Văn Quá (P.Tân Thới Hiệp, Q12) theo chỉ dẫn của những người đi gom dầu nhớt thải, người ở đây cho biết điểm này chủ yếu để giao dịch và thu mua của những người gom dầu nhớt thải lẻ. "Kho chứa tập trung nằm tại Lái Thiêu (Bình Dương). Nếu số lượng nhiều và sẵn phương tiện vận chuyển thì anh cứ đưa thẳng xuống đó để được bù giá. Nếu không, ở đây sẽ cho xe đến lấy. Giá dao động từ 6.000 - 12.000 đồng, tùy theo chất lượng nhớt còn lại" - Chị nhân viên cho biết, khi chúng tôi nói muốn thanh lý lượng nhớt thải thu gom từ hoạt động tàu thủy.
Lần theo dấu vết tại những điểm tập trung dầu nhớt "bẩn", chúng tôi phát hiện nhiều lò tái chế trái phép hoạt động ngày đêm ở khu vực Đông Nam Bộ. Nếu như ở vùng ngoại thành TPHCM, các lò chủ yếu chỉ tái chế được trên chục thùng phuy/ngày thì ở Bình Dương, Đồng Nai, có những cơ sở quy mô lớn, nấu đến vài trăm thùng phuy/ngày. Cơ sở của ông Trần Văn Đ. trên đường vào xã Phước Bình (H.Long Thành, Đồng Nai) nằm sâu trong vườn cây. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, ông Đ. cho biết nhớt thải sau khi đun nấu lọc cặn sẽ được đóng nạp thùng phuy, nhập cho công ty dầu nhớt. "Họ pha trộn thêm hóa chất để thành dầu nhớt thành phẩm rồi phân phối cho các cửa hàng bán lẻ hay đóng hộp mang thương hiệu gì thì tôi không quan tâm" - Ông Đ. thành thật. Khi chúng tôi xin ra phía sau xem dây chuyền sản xuất, ông Đ. không đồng ý với lý do ông còn bán cả "công nghệ nấu dầu nhớt", nên cần bảo mật. "Nếu muốn mở lò thì tôi sẽ chuyển giao. Khoảng hơn 100 triệu là bảo đảm có được lò với công suất tầm trung" - Ông Đ. nói.
Liên minh "phù phép"
Ông Nguyễn Hoàng Khanh cũng như nhiều chủ tiệm sửa xe máy khác ở TPHCM thừa nhận nạn dầu nhớt giả đã xuất hiện từ lâu. Hầu hết các tiệm sửa xe đều được đối tượng đến chào hàng, bỏ mối dầu nhớt tái chế với giá thấp khoảng phân nửa so với dầu nhớt thường. "Cứ vài ngày là có anh bán dầu nhớt giả đến chèo kéo. Nói thật là mình không tham, dù mình báo thay nhớt loại gì thì khách hàng biết vậy, chứ chẳng mấy ai để ý xem xét nhãn hiệu. Nếu thiếu lương tâm, mấy chủ tiệm lấy hàng của họ thì chẳng mấy chốc mà giàu, vì giá chênh lệch quá lớn. Lâu lâu, tôi cũng nhận một bình để làm mẫu, nhằm... cảnh giác cho khách" - Ông Khanh chia sẻ.
Mặc dù biết sự nguy hại của dầu nhớt tái chế đối với động cơ, nhưng vì món lời kếch xù nên không ít tiệm sửa xe, cửa hàng kinh doanh phụ tùng, cây xăng... trở thành "đại lý” tiêu thụ loại nhớt "phù phép" này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ những nơi bán lẻ mới cung cấp loại dầu nhớt này cho khác hàng với giá rẻ, còn khi đã đóng hộp giả thương hiệu nổi tiếng thì khách hàng buộc phải thanh toán bằng giá dầu nhớt "xịn".
Bên trong các lò tái chế dầu nhớt lậu ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo khuyến cáo của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, trên thị trường hiện nay hầu hết sản phẩm dầu nhớt có thương hiệu như AP Oil Singapore, BP, Shell, Petrolimex... đều bị kẻ gian làm hàng giả. Việc làm hàng giả được tiến hành tinh vi đến mức những người có chuyên môn nếu chỉ quan sát bằng mắt thường cũng khó phát hiện. Cách làm giả dầu nhớt thương hiệu mà các đối tượng thường thực hiện là đến những tiệm sửa xe, mua lại vỏ bình nhớt "xịn" còn nguyên vẹn với giá từ 2.000 - 5.000 đồng/vỏ. Sau đó, đem về rửa sạch, nạp nhớt tái chế rồi dán màng siêu (miếng giấy bạc bao miệng chai dầu nhớt), dập nắp, in ngày sản xuất và hạn sử dụng mới lên sản phẩm.
"Dù thủ đoạn làm giả tinh vi là vậy, nhưng vẫn có cách nhận biết. Ví dụ như loại dầu nhớt sử dụng cho việc bôi trơn động cơ xe máy, vỏ bình nhớt giả do sử dụng lại nên kiểu gì trên thân bình cũng có dấu hiệu trầy xước, vết lem bẩn, không thể tẩy hết, trong khi bình nhớt thật thì rất sạch sẽ. Các lớp niêm phong như nắp, vòng đệm, siêu dán của bình nhớt giả do gia công chủ yếu bằng tay nên rất xấu. Riêng siêu dán của bình nhớt thật, nhiều hãng dùng công nghệ 3D nên trông rất tinh xảo" - Một cán bộ quản lý thị trường phân tích.
Dầu nhớt "bẩn" là chất thải nguy hại, vì vậy phải quản lý chặt chẽ. Thu gom dầu nhớt thải hiện giờ không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là việc mà cả người dân và doanh nghiệp phải cùng tham gia, vì lợi ích cho môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Thế nhưng thực tế công tác xử lý hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ, nên phần lớn lượng chất thải nguy hại này đã không được tiêu hủy đúng quy định mà "chảy" thẳng vào các lò tái chế lậu.
Thống kê mỗi năm thị trường nước ta tiêu thụ hơn 400.000 tấn dầu nhớt, tương ứng với khoảng 300.000 tấn dầu nhớt "bẩn" thải ra hàng năm. Ít nhất 80% số nhớt thải được tuồn đi tái chế và sẽ có khoảng hơn 200.000 tấn dầu nhớt tái chế hàng năm, nếu không đến tay người dùng thì số nhớt này "chảy" đi đâu? Câu hỏi này chỉ có các cơ quan quản lý chuyên trách mới có thể trả lời cụ thể.