Giá bán thấp hơn giá thành sản xuất
Ngày 11/10, theo thẩm quyền của EVN, mức giá bán lẻ điện bình quân được quyết định điều chỉnh tăng thêm 4,8%, cao hơn dự đoán. Theo đó, giá điện tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Thông tin này không làm dư luận ngạc nhiên nhưng mức tăng như vậy là cao hơn dự đoán.
Theo Bộ Công thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023, EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Tuy nhiên do có thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng, nên năm 2023 EVN còn lỗ 21.821,56 tỷ đồng. Năm 2022, EVN lỗ 26.235 tỷ đồng. Như vậy, tổng số lỗ của 2 năm 2022 - 2023 lên tới hơn 48.000 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD), chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá hơn 18.000 tỷ đồng theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản chênh lệch tỉ giá theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020 - 2023.
Đây là kết quả được công bố của đoàn kiểm tra gồm các bộ ngành, đại diện Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Kết quả kiểm tra này rất quan trọng trong việc xác định giá thành sản xuất điện để kết luận vì sao EVN lỗ liên tục trong những năm qua; lỗ do khách quan hay chủ quan...
Ngày 13/3/2024 tại Khánh Hòa, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Công ty TNHH Điện lực Vân Phong tổ chức khánh thành Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Nhà máy đi vào vận hành sẽ góp phần cung cấp thêm 8,5 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng điện năng toàn quốc
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Thế Hữu cho biết quá trình và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Theo EVN, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỉ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình địa chính trị thế giới, cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Theo đó, nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm, trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10 - 11%, như vậy, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, ngành điện tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn, dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.
Chiều 10/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp". Tại buổi tọa đàm, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho hay với chi phí sản xuất kinh doanh điện vừa được công bố, giá thành sản xuất kinh doanh điện là hơn 2.088,90 đồng/kWh, trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.953,57 đồng/kWh. Ông Thỏa cho rằng giá thành điện đang cao hơn giá bán 6,92%, có tình trạng mua cao bán thấp. Đầu vào theo thị trường nhưng đầu ra lại không tính đúng, tính đủ trong sản xuất kinh doanh điện, sẽ gây nhiều hệ lụy và bất cập cho sản xuất kinh doanh điện, cho cả nền kinh tế.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng cơ cấu giá thành điện cho thấy rõ hơn một nửa nguồn cung ứng là nhiệt điện than và khí, 1/3 là thủy điện và còn lại từ điện gió, mặt trời và các nguồn năng lượng khác. Trong khi đó, nguồn than trong nước hạn chế, nguồn than chất lượng cao chủ yếu là nhập khẩu với giá cao. Nguồn điện khí cũng không còn các mỏ khí giá rẻ và phải nhập khẩu với giá cao hơn. Đây là những yếu tố khách quan khiến giá thành điện tăng cao.
"Nếu không tiếp tục cải cách giá bán điện thì EVN sẽ lỗ, uy tín tài chính của EVN sẽ bị đánh giá thấp và không thể vay vốn. Mức giá điện không thể thu hút được các nhà đầu tư tư nhân. Nếu duy trì giá điện hiện nay sẽ là cực kỳ nguy hiểm trong trung hạn, dài hạn và đảm bảo phát triển kinh tế" - ông Sơn nói.
Áp lực tăng giá điện
Trong năm 2023, EVN đã hai lần điều chỉnh giá điện, lần 1 là 3%, lần 2 là 4,5% vào tháng 11/2023, nhưng cuối cùng EVN vẫn lỗ.
Việc tăng giá điện này dựa và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Trong khi đó chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.
Các chuyên gia tính toán, EVN cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024 - 2025 ít nhất 5% - tương ứng 100 đồng/kWh để có thể hòa vốn. Mức điều chỉnh này tương đương với các lần điều chỉnh trong năm 2023. Tuy nhiên EVN mới có quyết định tăng giá lên 4,8%. Với mức tăng đó, EVN có còn bị lỗ?
EVN đã áp dụng cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng theo Quyết định 05/2024 QĐ-TTg so với 6 tháng trước đây. Cũng theo quyết định này, EVN sẽ phải giảm giá điện khi chi phí bình quân đầu vào giảm 1%; điều chỉnh tăng ở mức tương ứng khi chi phí đầu vào tăng 3 - 5%.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân từng nói rằng: "Bây giờ chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có cả giảm", ông Tân nói và cho hay, với Quyết định 05, nếu đủ cơ sở, yếu tố để giảm giá điện khi các chi phí đầu vào giảm 1% thì sẽ phải giảm ngay.
Tuy nhiên với tình hình như hiện nay, khó tin rằng giá điện sẽ giảm mà chỉ có tăng và đã phải tăng. Vấn đề là làm thế nào để ít tác động nhất đến đời sống dân sinh, hoạt động sản xuất, kinh doanh, là câu hỏi chưa thể trả lời ngay từ bây giờ, nhưng chắc chắn tác động đến sản xuất, giá cả sinh hoạt.
Các chuyên gia cho rằng việc EVN tăng giá điện là khó tránh khỏi, khi cơ cấu sản xuất và cung ứng điện hiện nay, các nhà máy của EVN chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu điện năng. Còn lại là các nhà máy thuộc các tập đoàn như PetroVietnam (PVN), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Còn điện than là còn giá cao
Thực tế, khi tỷ lệ nhiệt điện (điện than) còn chiếm tỷ trọng cao, thì hy vọng giá điện thấp là ảo tưởng. Hiện cơ cấu nguồn điện ở nước ta, tỷ lệ huy động điện than vẫn còn chiếm 50% trên tổng sản lượng. Tỷ trọng này không chỉ làm giá điện cao mà còn khiến cho mục tiêu đạt Net zero vào năm 2059 rất khó khăn.
Quy hoạch điện VIII cũng đưa ra lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, với mục trong vòng 20 năm (2030 - 2050) xóa bỏ hoàn toàn điện than để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam chỉ phát triển đến 30.127 MW điện than và sau năm 2030 sẽ không có dự án điện than mới, đồng thời các nhà máy nhiệt điện phải chuyển dần sang đốt kèm sinh khối/ammoniac từ năm 2035. Đến nay, nguồn điện than cũng đã phát triển và đang vận hành đến hơn 26.500 MW, chiếm đến 50% nguồn cung ứng điện cho cả nước và là nguồn điện nền của ngành điện, thì nói đến điện giá rẻ là không thể.
Ngành điện hiện nay vẫn chỉ có thể dựa vào điện than. Trong Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 nhiệt điện khí được coi là "trụ đỡ” cơ cấu nguồn điện. Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Công thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt 12 - 15%.
Chủ trương chuyển nguồn điện nền từ than sang điện khí, khí hóa lỏng và điện gió thể hiện rất rõ trong Quy hoạch điện VIII nhưng các dự án này đến nay đều trễ. Vì thế trước mắt, nhiệt điện than vẫn là nguồn điện quan trọng. Còn năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều vướng mắc, đến nay cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà chưa có, nguồn điện gió cũng tương tự. Trong khi đó các dự án thí điểm đầu tư điện gió ngoài khơi - nguồn năng lượng xanh thế hệ mới, vẫn tiến triển rất chậm do khoảng trống về pháp lý.
Do vậy, nguồn điện nước ta vẫn dựa vào nguồn điện than, trong khi EVN lỗ triền miên, áp lực tăng giá điện càng lớn. Để giảm giá thành điện, chỉ có cách duy nhất là tìm nguồn cung giá rẻ nhưng các nguồn năng lượng tái tạo đang còn quá nhiều vướng mắc về cơ chế, pháp lý và hàng loạt các vấn đề khác chưa được tháo gỡ.
Như vậy giá điện đã điều chỉnh và có hiệu lực tức thì (11/10). Các chuyên gia tính toán, mức tăng 3%, sẽ làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 1,099%, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18%. Nếu xem xét tác động đến giá thành sản phẩm của những ngành sử dụng nhiều điện thì ngành thép sẽ tăng 0,18%, xi măng 0,45%, dệt may 0,4%... Do vậy với mức tăng 4,8%, tất nhiên tác động lớn hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN, giá điện điều chỉnh lần này sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,04%.
Vấn đề kiềm chế lạm phát đang là nhiệm vụ lớn của các ngành chức năng, đặc biệt từ nay đến cuối năm.
Giá điện tăng hơn 2.100 đồng/kWh từ ngày 11/10/2024
Tại buổi họp báo chiều 11/10, EVN thông báo giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8%.
Quyết định tăng giá điện lần này trong bối cảnh EVN bị lỗ liên tục. Năm 2023, EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng. Khoản lỗ này chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo từ 2019 đến 2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện. Trước đó, năm 2022 EVN cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng.
Vận hành sản xuất điện tại Công ty Điện lực Nhơn Trạch 2 thuộc PV Power
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN, mức tăng lần này được tính toán trên cơ sở cân đối để đảm bảo không ảnh hưởng đời sống người dân, an sinh xã hội. Hiện có hơn 17,4 triệu hộ dùng điện sinh hoạt dưới 200 kWh/tháng; mỗi hộ trong số này phải trả thêm bình quân 13.800 đồng một tháng.
Với nhóm khách hàng dùng 200 - 300 kWh/tháng, bình quân tăng khoảng 32.000 đồng. Với người sử dụng nhiều, từ 400 kWh trở lên, số tiền phải trả tăng mỗi tháng khoảng 62.000 đồng - ông Nam thông tin.