ĐBSCL: Hàng loạt doanh nghiệp... chết "lâm sàng"

Thứ Hai, 06/09/2021 12:12  | Đăng Khoa

|

(CATP) Hơn 2 tháng bùng phát dịch, ĐBSCL có hơn 60.000 ca mắc Covid-19. Các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 giãn cách xã hội. Vì vậy, sản xuất kinh doanh "đóng băng". Nông dân không bán sản phẩm, doanh nghiệp không mua được sản phẩm.

Nông dân chờ thương lái

Thời điểm này, người nuôi cá lồng bè của huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra. Hàng trăm tấn cá lồng bè đã đến ngày thu hoạch nhưng vẫn còn nằm ngoài khơi do chưa có nơi tiêu thụ. Toàn huyện Kiên Hải có hơn 200 hộ nuôi với khoảng 1.120 lồng. Hiện địa phương tồn đọng hơn 180 tấn thủy sản các loại.

Phần lớn người dân nuôi cá lồng than lỗ nặng. Cá quá lứa không bán được dù giá giảm sâu đến 30%. Để chờ thương lái, người dân bỏ ra số tiền lớn mua thức ăn cho cá. Trong tổng số 180 tấn cá tồn các loại, cá bớp chiếm số lượng nhiều nhất với 84 tấn.

Đây là loại cá có trọng lượng lớn, phục vụ xuất khẩu, xuất bán cho thị trường TPHCM, các nhà hàng, các chợ trong tỉnh. Thông thường, cá đạt 4,5kg/con, người dân sẽ xuất bán. Nhưng hiện nay đa số cá bớp tại huyện Kiên Hải có trọng lượng từ 6,5kg - 7,5kg/con. Nếu giá bán được 180.000 đồng/kg thì người nuôi cá có thể lời 10 triệu đồng/lồng chưa trừ công chăm sóc. Nhưng giá trên chỉ là... mong ước.

Tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.600ha diện tích nuôi cá tra, trong đó có 567ha đến kỳ thu hoạch, sản lượng ước gần 231.000 tấn. Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, giá cá tra nguyên liệu hiện từ 20.500 - 22.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tuần trước. Với giá này, người nuôi lỗ gần 2.000 đồng/kg.

Tại An Giang, theo Chi cục Thủy sản tỉnh này, toàn tỉnh có diện tích nuôi cá tra hơn 1.230ha, đã thả nuôi gần 1.100ha và đã thu hoạch hơn 800ha với sản lượng hơn 270.000 tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, An Giang còn khoảng 157.000 tấn cá tra thu hoạch, trong đó doanh nghiệp liên kết với người nuôi tiêu thụ khoảng 134.500 tấn, sản lượng còn lại các hộ dân nuôi nhỏ lẻ.

Do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khó khăn trong việc di chuyển, việc mua bán cá tra giữa các thương lái hoặc giữa công ty với các hộ nuôi hầu như không diễn ra. Không bán cá được nên các hội nuôi cho ăn cầm chừng và nếu càng kéo dài thời gian thì người nuôi thua lỗ càng nặng.

Thu hoạch cá tra ở tỉnh An Giang

Doanh nghiệp không mua sản phẩm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), qua thời gian các địa phương ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN) thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm", hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu (XK) cá tra gặp rất nhiều khó khăn, hơn một nửa các nhà máy phải đóng cửa...

Từ cuối tháng 7-2021, có tới 50% DN ngành cá tra tại một số địa phương vùng trọng điểm ĐBSCL phải đóng cửa. Giá cá nguyên liệu giảm là do nhiều nhà máy chế biến hạn chế mua vào do giảm công suất hoặc tạm thời đóng cửa nghỉ do dịch bệnh.

Các DN cá tra cho rằng, khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến là thực hiện "3 tại chỗ" vì phát sinh quá nhiều chi phí, công và lương người lao động tăng, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn; người lao động không muốn làm theo phương án này...

Tại các địa phương khác như Cần Thơ, Vĩnh Long..., nguồn cung cá tra cho XK dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngưng hoạt động hoặc giảm công suất nên tạm ngưng mua nguyên liệu, khiến giá cá giảm. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi cá tra thâm canh, dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới. Công suất hoạt động của toàn ngành cá tra hiện còn khoảng 10-20%.

Doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất

VASEP cho biết, tháng 8-2021, XK thủy sản đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Bức tranh tháng 9 vẫn ảm đạm. Trong đó, sản xuất và chế biến cá tra vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề, tình hình XK cá tra khó cải thiện trong tháng này. Dự báo XK thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD.

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau thừa nhận, chuỗi sản xuất tôm khó khăn từ đầu vào vật tư, con giống cho đến nhà máy chế biến. Cà Mau hiện có 30 doanh nghiệp và 38 nhà máy chế biến tôm, với sản lượng 200.000 tấn/năm. Khi thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", hầu hết các doanh nghiệp đều chưa sẵn sàng.

Dù được hỗ trợ nhưng cũng chỉ có khoảng 30-50% doanh nghiệp, nhà máy đáp ứng được yêu cầu để sản xuất. Số còn lại phải ngưng. Đến thời điểm này, công suất chỉ khoảng 50%. Chi phí cho việc "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" rất cao vì doanh nghiệp phải thuê nhà trọ, khách sạn, thậm chí thuê cả đội xe vận chuyển công nhân...

Thực tế, nhiều nhà máy không sản xuất được nên không mua tôm. Vận chuyển tôm từ vùng nuôi đến nhà máy cũng rất khó khăn. Do vậy, bà con không thả giống. Dự kiến các tháng cuối năm, thời điểm thị trường tiêu thụ nhiều thì lại thiếu hụt tôm. Khi hết giãn cách, sản xuất lại bình thường thì sẽ thiếu nguyên liệu rất trầm trọng...

Hiệp hội Tôm Bạc Liêu chia sẻ, khi thực hiện giãn cách xã hội, Chính phủ chỉ đạo vừa chống dịch vừa sản xuất, lưu thông hàng hóa. Nhưng một số nơi đặt ra "giấy phép con", gây khó cho vận chuyển hàng hóa trong đó có ngành tôm. Giá tôm tụt thê thảm (40-50%), người nuôi điêu đứng, nửa muốn thả nửa muốn không vì không biết sắp tới thế nào.

Các công ty, cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phản ánh, khi vận chuyển tôm giống không qua được các chốt trên địa bàn thị xã Giá Rai và huyện Phước Long. Các chốt buộc xe chở tôm giống quay về (chốt Giá Rai - Chủ Chí, Chốt Phó sinh - đi Phước Long, Cầu số 2 - Hông Dân, Phước Long). Còn cơ sở thu mua thủy sản khai thác tại phường Nhà Mát gặp khó khăn khi vận chuyển qua các chốt đi tiêu thụ ngoài TP.Bạc Liêu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang