Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát:

Hồ Bửu Phương là người “giải quỹ”, cắt dòng tiền để rút ra theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan

Thứ Tư, 13/03/2024 14:10

|

(CAO) Việc "giải quỹ" cắt dòng tiền, rút ra sử dụng theo nhu cầu và chỉ đạo của Trương Mỹ Lan có ngày lên cả vài trăm tỷ đến cả ngàn tỷ đồng.

Chiều 13/3/2024, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm, liên quan đến sai phạm tại công ty này, Ngân hàng SCB và các đơn vị khác liên quan bước vào ngày làm việc thứ 7, tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư.

Trong đó, vẫn tập trung làm rõ các hồ sơ vay, thẩm định nâng giá tài sản đảm bảo, dòng tiền về các công ty "ma" trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát và việc chỉ đạo “giải quỹ” nhằm cắt dòng tiền để phục vụ mục đích của Trương Mỹ Lan khi cần lấy tiền mặt về sử dụng.

Bị cáo Nguyễn Phương Anh

Tại tòa, Nguyễn Phương Anh khai là người nhận chỉ đạo trực tiếp từ Hồ Bửu Phương, còn bà Trương Mỹ Lan chỉ vài lần đầu chỉ đạo bị cáo kết hợp với Bửu Phương tham gia việc "giải quỹ". Nếu không có Phương thì không thể “giải quỹ”.

Vậy những khi Hồ Bửu Phương nghỉ phép hoặc vắng mặt tại công ty thì việc thực hiện giải quỹ như thế nào?- Luật sư hỏi?

Phải có anh Bửu Phương thì mới quyết định việc “giải quỹ”- Phương Anh đáp. Trong bản khai, bị cáo Phương Anh từng viết một ngày số tiền giải quỹ vài trăm thậm chí trên cả ngàn tỷ đồng theo nhu cầu sử dụng tiền của bị cáo Lan có đúng không?- Luật sư hỏi. Bị cáo đáp đúng như vậy.

Theo trình bày của bị cáo này, nếu Hồ Bửu Phương nghỉ phép hoặc bận công tác, không quyết định thì việc giải quỹ để cắt và lấy dòng tiền ra theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Anh sẽ kết hợp với Phan Chí Luân sử dụng hợp đồng tín dụng để rút tiền ra trước sau đó cung cấp danh sách công ty, cá nhân hứa mua bán, chuyển nhượng cổ phần để hợp thức hóa việc “giải quỹ” sau.

Theo hồ sơ, Nguyễn Phương Anh làm việc tại Vạn Thịnh Phát từ năm 2009, đến năm 2018, Phương Anh được bà Lan giao nhiệm vụ quản lý, điều hành các nhân viên trong Công ty Sài Gòn Peninsula trong việc tìm người đứng tên đại diện pháp luật các công ty "ma", đứng tên cổ phần, đứng tên vay vốn, ký chứng từ rút, nộp tiền để tạo dựng hồ sơ vay khống, rút tiền giải ngân tại Ngân hàng SCB.

Cuối năm 2019, Phương Anh được bà Lan bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula và là đầu mối phối hợp cùng các lãnh đạo chủ chốt trong Ngân hàng SCB để tạo lập hồ sơ vay khống.

Ngoài ra, Phương Anh được bà Lan giao theo dõi toàn bộ việc thu, chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn tiền khác; phối hợp với Hồ Bửu Phương, Hà Thục Kim, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân để "giải quỹ" các khoản vay đã được Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản công ty thụ hưởng cuối cùng.

Bị cáo Phương Anh khai nguồn tiền trả cho chi phí thẩm định giá, những người đứng tên đều lấy từ các khoản giải ngân. Mỗi năm, bị cáo được cấp kinh phí hoạt động 100 tỉ đồng. Số tiền này dùng để trả lương cho các cá nhân đứng tên các công ty "ma".

Hồ Bửu Phương

Cũng tại tòa, Hồ Bửu Phương xác nhận Trương Mỹ Lan chỉ đạo mình hỗ trợ Phương Anh thực hiện công việc "giải quỹ", nên mỗi lần nhận chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan thì sẽ gọi Phương Anh đến và truyền đạt như cầu "giải quỹ" ra sao.

Bửu Phương cũng cho biết, việc “giải quỹ” đã có từ trước, mình là người tiếp tục kế thừa theo chỉ đạo của bà Lan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang