(CATP) Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố 86 bị can, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan. Nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh "Đưa hối lộ, "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng"...
Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng
Theo kết luận điều tra, có đủ căn cứ xác định toàn bộ số tiền gốc là hơn 415.666 tỷ đồng (sau khi trừ các giá trị tài sản bảo đảm vay và trích lập dự phòng rủi ro hơn 111.570 tỷ, còn hơn 304.000 tỷ) và tiền lãi 129.372 tỷ đồng mà Trương Mỹ Lan và đồng phạm lập hồ sơ vay vốn hợp thức để rút ra khỏi Ngân hàng SCB đến nay còn nợ không trả được là số tiền mà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 433.441 tỷ đồng.
Bản kết luận điều tra vụ án "Tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan" dài 299 trang. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) có trụ sở chính tại số 19 - 25 Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q1, TPHCM. Trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng, gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (cũ), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất. Ngân hàng SCB có 1 Hội sở chính, 50 chi nhánh và 184 Phòng giao dịch trên cả nước.
Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mặc dù không trực tiếp giữ chức vụ tại Ban quản trị, Ban điều hành tại Ngân hàng SCB, nhưng với việc nắm giữ số lượng rất lớn, chiếm gần tuyệt đối cổ phần Ngân hàng SCB (trên 90% số cổ phần Ngân hàng SCB), nên Lan bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt. Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, biến Ngân hàng SCB trở thành công cụ tài chính để Lan tổ chức huy động tiền gửi, chỉ đạo các đối tượng lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB và hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Lan làm chủ.
Bị can Trương Mỹ Lan
Ngân hàng SCB là một loại hình Công ty Cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đồng thời là một tổ chức tín dụng, hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng. Kết quả điều tra vụ án đã có đủ căn cứ kết luận Trương Mỹ Lan mặc dù không nắm giữ chức vụ nào tại Ngân hàng SCB, nhưng Lan là người có quyền hạn tại Ngân hàng SCB, vì từ khi sáp nhập (năm 2012) Trương Mỹ Lan luôn nắm giữ cổ phần chi phối tại Ngân hàng SCB, số cổ đông còn lại (dưới 10%) do khoảng 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Do vậy, Trương Mỹ Lan thông qua Ngân hàng SCB được phép "nhận tiền gửi" của cá nhân, tổ chức, quản lý tiền huy động để hoạt động kinh doanh "cấp tín dụng" cho khách hàng vay vốn theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên Lan đã sử dụng SCB huy động vốn, thay vì điều hành hoạt động quy định của pháp luật, thì Trương Mỹ Lan đã sử dụng quyền hạn của mình để chỉ đạo các đồng phạm hợp thức hồ sơ để rút tiền phục vụ mục đích cá nhân.
Các hồ sơ vay này thực chất không phải là hồ sơ vay vốn quy định của pháp luật, sai phạm được xác định cụ thể trong các hồ sơ vay, là các pháp nhân/cá nhân vay vốn do nhóm Vạn Thịnh Phát lập ra không phải là người có nhu cầu vay vốn thật. Phương án vay vốn khống vì tiền giải ngân không thực hiện đúng như phương án mà chỉ để phục vụ cho các mục đích của Trương Mỹ Lan. Tài sản đảm bảo đưa vào chỉ là phương thức, thủ đoạn, vi phạm trình tự thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo, về giá trị và tính pháp lý, vi phạm các quy định... nhằm hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB.
Lập khống 916 hồ sơ vay tiền để chiếm đoạt
Mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng bằng thủ đoạn nêu trên, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn, sau đó chỉ đạo các đối tượng tại Ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ hợp thức hóa như một khoản vay để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB. Kể từ khi Ngân hàng SCB sáp nhập ngày 01/01/2012 đến 07/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn sử dụng vào các mục đích của Lan. Trong đó, kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, đến nay các khoản vay này còn nợ hơn 545.000 tỷ đồng (nợ gốc hơn 415.666 tỷ đồng và nợ lãi hơn 129.372 tỷ đồng). Toàn bộ số tiền chiếm đoạt này đều phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.
Hành vi của Trương Mỹ Lan đã phạm vào tội "Tham ô tài sản", quy định tại Điều 353 Bộ Luật hình sự năm 2015. Kết quả điều tra vụ án đã xác định, về bản chất việc đưa tài sản bảo đảm vào SCB chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội, có nhiều tài sản bảo đảm không có giá trị pháp lý, không đủ điều kiện để làm tài sản thế chấp nhưng vẫn được định giá, nâng khống giá trị, đưa vào thế chấp tại Ngân hàng SCB làm phương án vay. 684/1.284 khoản vay chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, nhiều khoản vay được giải ngân trước, sau đó mới hợp thức hồ sơ vay và tài sản đảm bảo; 201/1.284 khoản vay chưa có phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền; các bị cáo tại Ngân hàng SCB đều đã khai nhận chỉ ký thủ tục hợp thức, không thực hiện thẩm định, đánh giá khoản vay theo quy định pháp luật và quy trình của Ngân hàng SCB về việc cho vay. Do vậy, có đủ căn cứ xác định toàn bộ số tiền gốc hơn 415.666 tỷ đồng mà Trương Mỹ Lan và đồng phạm lập hồ sơ vay vốn hợp thức để rút ra khỏi Ngân hàng SCB đến nay còn dư nợ không trả được là số tiền mà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt của Ngân hàng SCB.
Bà Đỗ Thị Nhàn (trái) nhận hối lộ 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan (phải)
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra xác định số tài sản còn lại bảo đảm cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan có giá trị, hiện Ngân hàng SCB đang theo dõi, quản lý gồm 982 mã tài sản đảm bảo cho 916 khoản vay được giải ngân từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/10/2022; kết quả định giá tài sản bảo đảm của Công ty Thẩm định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022 và kết quả đánh giá các tài sản có đủ pháp lý (đủ điều kiện để trích lập dự phòng rủi ro và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm) của Ngân hàng SCB, thì 982 mã tài sản này có 424 mã tài sản có đủ pháp lý được Công ty Thẩm định giá định giá và Ngân hàng SCB phân bổ theo Tờ trình và/hoặc Hợp đồng thế chấp/Cầm cố có tổng trị giá là hơn 111.570 tỷ đồng. Do vậy, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 304.096 tỷ đồng (nợ gốc hơn 415.666 tỷ đồng trừ đi hơn 111.570 tỷ đồng). Ngoài ra, hành vi "Tham ô tài sản" của Trương Mỹ Lan còn gây thiệt hại số tiền hơn 129.372 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên.
Trong vụ án này, đáng chú ý có bị can Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II, NHNN) bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ". Với vai trò, trách nhiệm được giao là Trưởng đoàn thanh tra, nhưng bà Nhàn không báo cáo trung thực, bao che, bưng bít sai phạm của Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB với NHNN và Chính phủ. Bà Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng hơn 118 tỷ đồng). Hành vi làm trái công vụ, trái quy định pháp luật thanh tra của bị can Đỗ Thị Nhàn đã giúp đỡ Trương Mỹ Lan, tạo điều kiện cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB thực hiện những hành vi sai phạm nối tiếp sai phạm.
Ngoài 3 tội danh đã bị đề nghị truy tố như nêu trong bài, bị can Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc phát hành trái phiếu, nhưng hiện Cơ quan điều tra đã tách vụ án để xử lý sau. Trong hành vi này, bước đầu cơ quan điều tra xác định Trương Mỹ Lan và đồng phạm lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư, từ năm 2018 - 2020 các đối tượng có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn này cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu.
(Còn tiếp...)