“Cát tặc” trên sông Đồng Nai:

Kỳ 2: Lọt vào trận địa của 'cát tặc'

Thứ Năm, 11/06/2015 09:22  | Quang Hà - Minh Nghĩa

|

(CATP) Sau phút phân vân giữa phương án rút lui, hay tiếp tục mật phục để ghi hình hoạt động của “cát tặc”, chúng tôi nhận định: Bọn chúng không thể vì bị động mà bỏ cả một đêm làm ăn của hàng trăm ghe xuồng và nguồn lợi béo bở từ việc trộm tài nguyên khoáng sản. 

Muốn biết rõ thực hư phải lần ngược ra một chuyến để tìm hiểu và chúng tôi quyết định trở ra.

Thế nghi binh

Chúng tôi liền quay xuống khu vực bến đò dưới chân cầu Đồng Nai thuộc tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Tại đó, trong vai khách gởi xe để đi đò sang bên kia sông, nhưng vờ thích “tám” nên chúng tôi nán lại chuyện vãn đôi câu với ông lái đò tên Sáu, để bí mật quan sát. Chúng tôi nhận thấy nơi những cục bê tông lăn lóc dưới chân cầu có hai phụ nữ đang ngồi vẻ như canh chừng điều gì, chốc chốc lại quay nhìn tứ phía với ánh mắt dò xét.

Theo nguồn tin chúng tôi nắm được, địa điểm trên là một trong những chốt canh của “cát tặc” và do vẫn có người đảm nhiệm việc này cho thấy hoạt động của các đối tượng sẽ tiếp diễn. Chỉ riêng tại cù lao Long Phước đã có khoảng ba điểm canh tương tự: một tại đầu ấp Long Đại, P. Long Phước, Q9 và vị trí còn lại ở cuối cù lao thuộc ấp Trường Khánh.

Ghe và các dụng cụ hút cát lậu trên sông Đồng Nai bị CSGT tạm giữ - Ảnh: Báo CATP

Đặc biệt nơi này rất thuận lợi, có thể quan sát tất cả tàu, ghe từ đoạn cuối đường Tam Đa, Q9 đến mũi Trường Khánh để báo động từ xa cho đồng bọn. Do đó, hầu hết di biến động của Trạm Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Cát Lái (Đội 3 - Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy) dẫu triển khai theo hướng nào trên tuyến này, cũng có thể lộ đội hình.

Không chỉ phân công người theo dõi tại khu vực khai thác, các đối tượng còn cử “chân rết” bám sát tại các trạm, trụ sở UBND phường và thông báo cho nhau bằng điện thoại di động, mỗi khi có dấu hiệu xuất quân. Còn với công an phường, phường đội, dường như “cát tặc” có vẻ chẳng quan tâm bằng lực lượng chuyên nghiệp.

Sau khi biết chắc các đối tượng vẫn tiếp tục canh chừng lực lượng chức năng, chúng tôi quay trở lại khu vực bãi hút ở ấp Trường Khánh. Do đã được dặn trước, nên chúng tôi cố gắng hết sức tránh gây tiếng động, vì có thể làm đàn chó hàng chục con của một gia đình sủa nhặng xị đánh động các đối tượng canh gác trên bờ tại khu vực bãi hút.

Mặc dù vậy nhưng khi đi qua một căn nhà nuôi yến, chúng tôi giật nảy mình vì một con chó nhảy xổ ra sủa vang, khiến cả hai phải nhanh chóng lẩn vào trong khu đất gần đó tìm chỗ nấp. Sau một hồi không thấy động tĩnh gì, chúng tôi liền di chuyển đến vị trí mà từ đó có thể quan sát được cả khu vực rộng lớn xung quanh.

Suốt gần 3 tiếng sau đó, chúng tôi phải liên tục di chuyển để tránh muỗi, đồng thời phân công nhau vừa quan sát động tĩnh dưới sông, vừa canh chừng đối tượng xuất hiện từ đường bộ. Vì theo người dân, “cát tặc” trong khu vực hết sức manh động, sẵn sàng dằn mặt những người chúng nghi ngờ, bằng cách dùng dao phạt ngang thân chuối trong vườn họ hoặc cho người dọa chém.

Dưới sông, số ghe bầu dường như cũng nóng ruột nên chốc chốc lại nổ máy phành phạch, di chuyển vài chục mét rồi dừng. Trên một chiếc ghe chành lớn, ánh đèn pin của đối tượng thi thoảng lại chớp tắt. Từ vị trí mật phục, chúng tôi có thể nghe loáng thoáng các đối tượng trên ghe đang trao đổi với nhau.

40 - 50 ghe hút cát lậu hàng đêm

23 giờ 23 phút, khi ánh đèn pin trên chiếc ghe chành lớn chớp tắt với thời gian dài hơn bình thường, từ phía xa, tiếng máy của hàng loạt ghe hút cát xuất hiện. Khác với ghe chở, ghe hút được trang bị máy công suất lớn, nên tiếng nổ cũng giòn giã chứ không phành phạch như máy ghe bầu.

Chỉ trong vòng 5 phút, khoảng hơn chục chiếc ghe hút cát đã tập trung tại khu vực, kéo dài từ chỗ chúng tôi mật phục đến cuối mũi Trường Khánh. Cùng với đó là hàng chục ghe bầu, ghe chành chở cát.

Ngay khi vừa xuất hiện, các đối tượng chỉ tập trung nổ máy làm vang động cả vùng. Tiếng máy của 40 - 50 chiếc cùng hàng chục ghe hút cát có thể vang xa hàng cây số. Động tác này dường như muốn thu hút sự chú ý và vờ như đang hoạt động hết công suất.

Trong trường hợp đó, nếu cơ quan chức năng xuất hiện truy đuổi thì những chiếc ghe không tải được trang bị động cơ vượt trội, có thể đua ngang ngửa với bo bo của lực lượng truy bắt trong quá trình trốn chạy.

Sau khoảng mươi phút nổ máy nghi binh, “cát tặc” bắt đầu hoạt động. Do đã đến giờ nước triều rút nhanh, nên nhiều ghe bầu chở cát không thể vượt qua bãi cọc dừa gần đó để tiến gần bờ nên mỗi chiếc đều có 1-2 ghe hút tập trung hút cát dưới sông bơm vào lòng ghe. Trong vòng 1 tiếng, chúng tôi tập trung ghi hình trong điều kiện máy ảnh phải tắt tất cả chế độ đèn flash và dựa hoàn toàn vào ánh trăng.

Không có điều kiện ghi hình toàn bộ hoạt động của “cát tặc” do góc chụp bị che chắn bởi nhiều bụi cây, chúng tôi rút êm theo đường cũ để trở ra. Nhưng vừa lom khom bước thì phát hiện có người nên chúng tôi buộc phải đổi hướng. Do không thông thạo lối đi mới nên cả hai đã đánh động lũ chó. Vốn đã có kinh nghiệm trong lần trước, chúng tôi lẩn ngay vào bụi chuối, chờ đợi.

Việc các đối tượng cử người theo dõi, canh gác chặt chẽ như trên, cho thấy chúng rất cảnh giác trước sự truy bắt của lực lượng chức năng. Trong công tác đấu tranh chống “cát tặc” trên sông Đồng Nai, từng có hàng trăm phương tiện vi phạm bị bắt giữ, tập trung tại nghĩa địa ghe hút cát ở cầu Trường Phước, P.Long Phước, Q9.

Quản lý trên 1.700km đường thủy, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTĐT) Công an TPHCM thường xuyên bố trí trinh sát mật phục bắt giữ “cát tặc”. Nhưng so với thực trạng vi phạm tại khu vực Q9, nơi giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, thì việc phát hiện các trường hợp vi phạm chưa đáng kể.

Năm tháng đầu năm 2015, đơn vị phát hiện 7 vụ khai thác cát trái phép, lập biên bản xử lý, bàn giao CA địa phương 10 đối tượng, 15 phương tiện cùng 41m3 cát. Gần đây nhất, 12 giờ 30 ngày 18-4-2015, Trạm CSĐT Cát Lái tuần tra trên sông Đồng Nai đoạn thuộc khu vực ấp Trường Khánh, P.Long Phước, Q9 phát hiện ba chiếc ghe đang bơm hút cát trái phép. Đơn vị đã lập biên bản 3 đối tượng giao CA phường xử lý, tịch thu 3 máy bơm hút cát , 23m3 cát, 2 ghe gỗ trong khi các đối tượng đã kịp rút “lù” (lỗ trên thân ghe) để nước tràn vào, nhấn chìm phi tang một chiếc.

Vì sao công tác đấu tranh chống “cát tặc” kéo dài hàng chục năm trời vẫn chưa đạt hiệu quả và chỉ riêng tại cù lao Long Phước đã có tới ba đầu nậu là D., K.H và vợ chồng ông Năm cùng 20-30 đối tượng làm thuê chọn nghề hút cát trộm ngay tại cù lao nơi mình sinh sống?

(Còn tiếp)

Bình luận (1)

Tôi thiết nghĩ nạn tàn phá gỗ rừng mình gọi là "lâm tặc" thì đúng rồi. Còn nạn cướp cát thì phải gọi là "sa tặc" thì đúng hơn, vì "sa" cũng có nghĩa lá "cát" đồng nghĩa với từ "thổ" cũng có nghĩa lá cát, nhưng chữ "thổ" lại hàm ý rộng hơn về việc đất có chủ quyền, còn "sa" thì bản thân hiểu hơn giản chỉ lá cát. Vì vậy, nếu dùng "cát tặc" thì nghe nó hơi bị kỳ. Thứ nhất là về ngữ âm nó hơi khập khiễng, gọi là "giặc cát" cho đúng, còn không thì gọi luôn cụm từ "sa tặc" cho dễ hiểu và thuần về âm Hán Việt.

Thanh Hải - Thứ Tư, 17/06/2015, 09:17 Trả lời | Thích
Lên đầu trang