“Cát tặc” trên sông Đồng Nai:

Kỳ 1: Nỗi ám ảnh của người dân cù lao

Thứ Ba, 09/06/2015 10:33  | Quang Hà - Duy Trung

|

(CATP) Trong vòng chục năm, “cát tặc” đã làm 43ha đất của cù lao Long Phước, P.Long Phước (Q9, TPHCM) biến mất hoàn toàn và trở thành một phần của sông Đồng Nai, khiến nhiều hộ dân mất đất, tài sản.

Tại các phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ, những người dân cũng đang thấp thỏm lo âu bởi những xáng cạp dưới danh nghĩa nạo vét, tận dụng khoáng sản, mỗi ngày lấy đi từ lòng sông này hàng chục ngàn mét khối cát, khiến nhiều chỗ lõm sâu vào như hàm ếch. Điều đáng nói là công tác chống “cát tặc” dường như lại bị xem nhẹ.

Do nằm ở bên bồi của sông Đồng Nai nên cù lao Long Phước (23,49km2) liên tục được bồi đắp. Tuy nhiên, hàng chục năm nay tình trạng khai thác cát trên sông khiến 43ha đất tự nhiên biến mất so với bản đồ, trong khi thực tế con số này có thể là trên 50ha.

Nghe tiếng máy biết số ghe “cát tặc”

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn S. - người dân địa phương - cho biết: “Đã chục năm nay, hàng trăm bài báo viết về việc này rồi, truyền hình cũng phát đi phát lại hoài nhưng chẳng ăn thua. Đến mức mỗi khi nghe tiếng máy của “cát tặc” tụi tôi phân biệt được đâu là ghe hút, đâu là ghe chở, thậm chí còn đoán được số ghe tham gia nữa kia”.

Bãi hút, nơi “cát tặc” hoành hành

Ông S. nói tiếp: “Đó! Cái bữa chiều chủ nhật tuần trước, tôi nhớ không nhầm là 31-5-2015, tivi có phát phóng sự nói vấn đề này thì tình hình đêm đó yên được đến 20 giờ. Đến khuya tụi nó làm tiếp, số lượng tuy không nhiều hàng trăm, cũng khoảng 50 chiếc. Tụi nó quần riết, đến giờ này nhiều người vẫn cầm sổ đỏ, nhưng không còn cục đất nào hết ráo”.

Nói rồi, ông S. lấy xuồng chở chúng tôi đi thực địa. Theo tay ông chỉ, trước kia bờ đất của cù lao Long Phước ăn ra tới những cái phao tín hiệu nằm cách bờ hiện nay khoảng hơn 200 mét. Khu vực cuối cồn Long Phước, đoạn từ cầu cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chạy xuống cuối cồn thuộc ấp Trường Khánh trước kia có hai cửa lạch khá lớn, ghe tải trọng lớn ra vào được nhưng hiện đã biến mất do “cát tặc”. Còn trơ lại vài cây bần, dừa nước giữa dòng.

Làm bãi cọc chống... “cát tặc”

Tại khu đất của ông Mười - một người dân ở Q2 mua đất tại ấp Trường Khánh, P.Long Phước - “cát tặc” hoành hành khiến hàng chục héc-ta đất biến mất dưới lòng sông. Trước đây khu đất của ông Mười nằm tuốt ngoài khơi, nơi hiện vẫn còn nhô lên những bãi cọc bằng thân dừa, cách bờ hiện nay tới 400 - 500 mét.

Để chống “cát tặc”, chủ đất đã thuê người chở cây dừa từ Bến Tre lên đóng đầy bãi nhằm cản trở những chiếc ghe tiếp cận bờ, thậm chí giăng cả dây thép gai giữa các hàng cọc để cản ghe hút cát lậu.

Tuy nhiên, tất cả biện pháp này đã trở nên vô ích. “Cát tặc” lựa thời điểm con nước lên đưa ghe lách qua bãi cọc để vào gần bờ, chúng dùng vòi hút cát công suất lớn cột chặt vào sào tre dài hàng chục mét, thọc sâu vào lòng bờ đất cuốn phăng tầng đất nhão trên bề mặt, để sục xuống tầng cát dưới chân cồn Long Phước, bơm trực tiếp lên những chiếc ghe bầu tải trọng lớn.

Khi nước cạn, ghe thuyền không thể tiếp cận được chân cồn, “cát tặc” cho người ôm vòi rồng, ngậm ống thở lặn xuống đáy sông hút cát. Cũng đã có trường hợp sức hút khủng khiếp của “vòi rồng” đã hút luôn người.

Tối 2-6-2015, chúng tôi đến ấp Trường Khánh, bí mật tiếp cận bãi bồi “cát tặc” đang hoành hành. Dọc chân cầu cao tốc đi Đồng Nai đến cuối cù lao Long Phước, đã có hơn chục ghe bầu tải trọng lớn chờ sẵn sát mé bờ. Bên kia bờ sông đoạn thuộc xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, hàng chục chiếc ghe nằm cặp bờ sông chờ đợi.

Sau 20 giờ, khi con nước lên làm ngập bãi cọc của nhà ông Mười, khu vực trên chốc chốc lại vọng lên tiếng máy giòn giã của ghe bầu chạy vào khu vực bãi bồi rồi neo tại đó, chờ chở cát lậu đi tiêu thụ.

Theo hướng dẫn của anh V. - người dân địa phương - chúng tôi men theo khu vực đầy biền lá, tìm chỗ theo dõi. Dù anh V. đã khuyến cáo khu vực này có cả rắn hổ, nhưng chúng tôi không được phép bật đèn pin. Cũng may đêm trăng 16 nên rất tỏ. Chúng tôi nhanh chóng băng qua trảng cỏ rộng khoảng 3ha. 

Chuyến “trinh sát” bất ngờ trở nên khó khăn hơn khi nguồn tin báo qua điện thoại cho biết, hồi chiều có người lạ mặt đến nhà một trong ba đối tượng khai thác cát lậu trong khu vực, sợ bị “động” có lẽ “cát tặc” đã thay đổi giờ giấc hoạt động chứ nếu bình thường thì chỉ 20 giờ chúng đã hoạt động rầm rộ. Thậm chí, thời điểm trước lễ 30-4, chúng còn hoạt động từ lúc 14-15 giờ.

Do đã “nằm vùng” tại khu vực này nhiều ngày, nên chúng tôi chợt nghĩ “trong cái rủi biết đâu lại có cái may” và vạch ngay ra một kế hoạch táo bạo.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang