(CAO) Xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nổi tiếng có bãi biển đẹp, nguyên sơ. Nhưng những năm gần đây, dọc bờ biển Kỳ Xuân thơ mộng đã bị cát tặc đưa máy móc, phương tiện đến khai thác cát, băm nát cả bờ biển nơi đây.
Từ lâu , xã Kỳ Xuân được xem là nơi có bãi biển đẹp ở Hà Tĩnh. Dọc bờ biển này là những bãi đá lô nhô với các dải cát bồi cao, chạy dài rất hoang sơ và thơ mộng.
Những năm gần đây, khung cảnh thơ mộng đó bị tàn phá. Từ khi con đường quốc phòng được mở chạy dọc ven biển thì cũng là lúc bờ biển Kỳ Xuân bị “cát tặc” kéo đến xâm hại nặng nề.
Theo quan sát của chúng tôi, ngay đầu bãi biển đã bị “cát tặc” đặt máy hút cát loang lỗ thành những hồ sâu. Nằm trên những “hồ” nước còn có hai chiếc máy nổ như được đặt cố định lâu nay.
Tiếp tục men theo con đường quốc phòng chúng tôi thấy những đồi cát cao cũng đang bị xâm hại bằng nhiều hình thức. Hàng loạt nhà hàng được cấp phép hoạt động trên những đồi cát này nhưng trước khi đi vào hoạt động họ đã múc cát từ các đồi bán đi với lý do “giải tỏa mặt bằng”.
Cát tặc sử dụng máy hút khoét thành một hố sâu ngay tại bờ biển xã Kỳ Xuân. - Ảnh: Văn Tình
Đi tiếp ra hướng đồi Cu Kỳ, chúng tôi chứng kiến nhiều đoạn bờ biển bị cắt ngang bởi những đường mòn đi xuống bãi biển để khai thác cát công khai.
Bên dưới con đường mòn này có một chiếc máy múc cỡ lớn đang ngoặm những gàu cát đổ lên xe tải vận chuyển ra nơi khác bán. Cách đó không xa, khoảng 5 công nhân cũng đang hì hục dùng cuốc xẻng xúc cát bên bờ biển đổ lên một chiếc xe ben. Ngay bên lề đường quốc phòng gần miếu Điện Mẹ là hàng trăm khối cát được múc lên tập kết sẵn đang chờ xe đến chở đi.
Người dân sống xung quanh cho biết, những mỏ cát cùng máy móc, phương tiện khai thác tại đây là do một người đàn ông tên Tư, trú xã Kỳ Xuân làm chủ. “Cách đây vài năm anh Tư đưa máy múc, xe tải rồi thuê rất nhiều nhân công về đây khai thác cát rầm rộ” – một người dân sống nơi này cho biết.
Nhiều đồi cát cũng bị khoét nham nhở - Ảnh: Văn Tình
Quá trình tìm hiểu chúng tôi được biết, để chuẩn bị nguồn cát tiêu thụ dồi dào, ngoài bán cát ngay tại khu vực khai thác và tập kết cát trên đường thì ông Tư còn thuê bãi của một xưởng quặng bỏ hoang trong xã để tập kết cát về đây chờ khách mua.
Việc khai thác cát trái phép tàn phá bờ biển của ông Tư diễn ra rất quy mô, rầm rộ nhưng từ trước đến nay chưa thấy cơ quan chức năng nào lên tiếng.
Không chỉ tàn phá trong bờ, tại vùng biển Kỳ Xuân cát tặc từ những nơi khác còn sử dụng thuyền kéo về đây hút cát rồi vận chuyển đi.
Vào thời điểm chúng tôi có mặt, những chiếc thuyền chở đầy ắp cát đang men theo bờ chạy về hướng xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, khi phát hiện chúng tôi chụp hình họ liền cho thuyền quay lại chạy ra ngoài.
Bãi biển nham nhở với những vùng cát bị múc lên - Ảnh: Văn Tình
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, cho biết mỗi ngày có khoảng 50 chiếc thuyền của người dân ở những địa phương khác kéo về vùng biển xã Kỳ Xuân để khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, do không có phương tiện tàu thuyền truy đuổi nên xã đành bất lực.
“Vừa qua, được sự phối hợp và giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, chúng tôi đã 2 lần bắt được 7 chiếc thuyền khai thác cát trái phép trên biển”- ông Lĩnh cho biết.
Máy móc của ông Tư đang múc cát lên xe ngay tại bờ biển - Ảnh: Văn Tình
Khi nhắc đến việc khai thác cát tràn lan ven bờ biển, ông Lĩnh cho rằng không có việc đó. “Nếu có thì chỉ một số hộ dân họ lấy về xây nhà hoặc phục vụ xây dựng nông thôn mới thôi” – ông Lĩnh khẳng định.
Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp những thông tin về việc có một cá nhân trong xã đang sử dụng máy móc, phương tiện công khai múc cát tại một số bờ biển thì ông Lĩnh thừa nhận đó là những “mỏ” cát của ông Tư. “Việc đó xã không cho làm nên họ chỉ khai thác vào buổi chiều tối”.
Hàng trăm khối cát được tập kết ngay bên đường dọc biển Kỳ Xuân chờ tiêu thụ - Ảnh: Văn Tình